Huyệt Công Tôn: Cách xác định và tác dụng huyệt đối với sức khỏe

Ngày đăng: 02/06/2023 Biên tập viên: Nguyễn Trang

Huyệt Công Tôn là huyệt vị quan trọng nằm ở gan bàn chân. Khi tác động lên huyệt này giúp bảo vệ sức khỏe và loại trừ dấu hiệu nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vậy, để hiểu hơn về huyệt vị này, bạn đọc có thể tham khảo thêm trong bài viết dưới đây.

Huyệt Công Tôn là huyệt gì?

Tên gọi: Công Tôn.

Giải nghĩa:

  • Quan niệm người xưa cho rằng chư hầu là công tôn, còn tỳ là nơi nối kết và phân chia các mạch do đó huyệt ở vị trí này gọi là Công Tôn (theo Trung Y Cương Mục).
  • Tỳ ở trung ương nên rót ra 4 bên giống như vua ở trung ương, ban phát lệnh ra 4 phương cho quần thần (công tôn), vì vậy gọi là Công Tôn (theo Trung Y Tạp Chí số 11, 1962).

Tên gọi khác: Huyệt Hoàng Đế.

Xuất xứ: Thiên “Kinh Mạch” (Linh khu 10).

Đặc tính:

  • Huyệt thứ 4 nằm trong kinh Tỳ.
  • Là huyệt Lạc.
  • Huyệt giao với Mạch Xung (bát mạch giao hội).
  • Châm huyệt để điều trị bệnh của Vị như nôn mửa liên tục và bụng đau.
Huyệt Công Tôn ở dưới 2 gan bàn chân
Huyệt Công Tôn ở dưới 2 gan bàn chân

Vị trí huyệt Công Tôn nằm ở đâu?

Huyệt công tôn ở đâu? – Huyệt ở dưới 2 gan bàn chân, tại chỗ lõm, nơi tiếp nối của thân và đầu sau xương bàn chân. Nằm trên đường tiếp giáp da gan chân – mu chân, ở bờ trong bàn chân.

Cách xác định huyệt Công Tôn: Từ đỉnh cao nhất của xương mu bàn chân kéo xuống ngay dưới lõm xương, tại vị trí lõm nhất là huyệt.

Giải Phẫu:

  • Dưới da tại vùng huyệt là cơ dạng ngón chân cái, cơ gấp ngắn ngón chân cái, gân cơ gấp dài ngón chân cái và mặt dưới đầu xương bàn chân 1.
  • Thần kinh vận động cơ dưới huyệt là các nhánh của dây chầy sau (dây thần kinh hông khoeo trong).
  • Vùng da ở huyệt được chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

Tác dụng huyệt Công Tôn và cách phối huyệt trị bệnh

Tác dụng: Ích Tỳ Vị, lý khí cơ, hòa Mạch Xung và điều huyết hải.

Chủ trị: Trị tình trạng gan bàn chân nóng hoặc đau, đau dạ dày, rối loạn thần kinh, viêm ruột,…

Cách phối huyệt trị bệnh:

Theo sách cổ ghi lại, huyệt Công Tôn có thể phối với các huyệt như sau:

  • Phối cùng huyệt Chiên Trung (Nh.17), Phong Long (Vị 40), Trung Khôi trị nôn mửa ra đờm dãi (Châm Cứu Đại Toàn).
  • Phối huyệt Hạ Quản (Nh.10), Thiên Xu (Vị 25) trị lỵ cấp hệ trọng (Châm Cứu Đại Toàn).
  • Phối với huyệt Giải Khê (Vị 41), Trung Quản (Nh.12), Tam Túc Lý (Vị 36) trị dạ dày đau (Châm Cứu Đại Toàn).
  • Phối cùng huyệt Chi Câu (Tam tiêu.6), Chương Môn (C.13), Dương Lăng Tuyền (Đ.34) trị hạ sườn đau nhức (Châm Cứu Đại Toàn).
  • Phối với huyệt Lệ Đoài (Vị 45), Nội Đình (Vị 44) trị sốt rét lâu ngày khiến người bệnh không ăn được (Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối với huyệt Túc Tam Lý (Vị 36) [cứu] và Xung Dương (Vị 42) trị tình trạng cước khí (Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối với huyệt Bách Lao, Chí Dương (Đc.10), Trung Quản (Nh.120), Túc Tam Lý (Vị 36), Uyển Cốt (Tiểu trường.4) trị hoàng đản khiến tay chân đều sưng, mồ hôi ra vàng áo (Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối với huyệt Thân Mạch (Bàng quang.62), Túc Tam Lý (Vị 36), Tuyệt Cốt (Đ.39) trị chân yếu không có sức di chuyển (Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối với huyệt Nội Quan (Tâm bào.6) trị chứng bụng đau (Tịch Hoằng Phú).
  • Phối với huyệt Chí Dương (Đc.10), Tỳ Du (Bàng quang.20), Vị Du (Bàng quang.19) điều trị hoàng đản (Thần Cứu Kinh Luân).
  • Phối với huyệt Nội Đình (Vị 44), Túc Tam Lý (Vị 36) trị Tỳ hư, bụng trướng không tiêu (Thần Cứu Kinh Luân).
  • Phối với huyệt Chí Dương (Đc.10), Đởm Du (Bàng quang.19), Thần Môn (Tm.7), Tiểu Trường Du (Bàng quang.27), Ủy Trung (Bàng quang.40), Uyển Cốt (Tiểu trường.4) trị tửu đản và cả người đều vàng (Châm Cứu Tập Thành).
  • Phối với huyệt Nội Quan (Tâm bào.6) trị bụng đau tức (Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca).
  • Phối với huyệt Bát Phong, Thúc Cốt (Bàng quang.65) trị tình trạng chân tê, đau (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).
  • Phối với huyệt Nội Đình (Vị 44), Nội Quan (Tâm bào.6), Túc Tam Lý (Vị 36) trị bệnh xuất huyết đường tiêu hóa (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Nội Quan (Tâm bào.6), Tề Biên Tứ Huyệt trị trường vị viêm cấp hoặc mạn tính (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Dũng Tuyền (Nh1), Lương Khâu (Vị 34), Nhiên Cốc (Th.2), Túc Tam Lý (Vị 36) trị bệnh phong cùi (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối châm xuyên đến huyệt Dũng Tuyền (Th.1) trị bụng đau cấp và nôn mửa (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
  • Phối với huyệt Túc Tam Lý (Vị 36) và Tứ Phùng để tiêu thực, hóa trệ, hòa Vị và giáng nghịch (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
  • Phối với huyệt Nội Quan (Tâm bào.6), Thái Xung (C.3) giúp sơ Can, lý khí, hòa Vị và giáng nghịch (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).
Có thể kết hợp nhiều huyệt vị khi chữa bệnh
Có thể kết hợp nhiều huyệt vị khi chữa bệnh

Cách châm cứu bấm huyệt Công Tôn

Huyệt nằm ở vị trí khác đặt biệt và là một trong những đầu mút của cơ thể, nơi dòng kinh mạch chính đi qua. Chính vì vậy, khi thực hiện bấm huyệt hay châm cứu cần thực hiện đúng cách mới mang lại hiệu quả cao.

Cách thực hiện như sau:

Bấm huyệt Công Tôn

Trước khi bấm huyệt người bệnh nên ngâm chân với nước ấm để tăng cường hiệu quả điều trị bệnh và giúp khí huyết lưu thông nhanh chóng. Sau đó thực hiện bấm huyệt theo các bước dưới đây:

  • Ngồi ở vị trí thoải mái nhất, sau đó dùng tay xác định chính xác vị trí của huyệt.
  • Dùng ngón tay cái ấn và giữ huyệt đạo với lực vừa phải, khi cảm thấy đau tức thì dừng lại. Thời gian thực hiện bấm huyệt trong khoảng 5 – 10 phút, mỗi ngày nên kiên trì vài lần sẽ giúp giảm nhanh triệu chứng bệnh.
  • Để điều trị bệnh đạt hiệu quả cao hơn bệnh nhân có thể kết hợp bấm huyệt Công Tôn với các huyệt khác như: Chương Môn, Lương Khâu, Tỳ Du,…

Lưu ý: Khi tác động vào huyệt cần thực hiện nhẹ nhàng, nếu bấm huyệt quá mạnh thì gây ra cơn đau đột ngột và có thể dẫn đến tình trạng ngất xỉu, động kinh.

Châm cứu huyệt

Đối với châm cứu, cần thực hiện châm thẳng, hướng tới huyệt Dũng Tuyền. Độ sâu từ 0, 5 – 1 thốn, cứu từ 3 – 5 tráng và ôn cứu khoảng 5 – 10 phút. Liệu trình kéo dài tùy theo tình trạng của người bệnh, nhưng để có kết quả tốt nhất nên kiên trì trong khoảng 20 ngày.

Chú ý: Huyệt nằm ở vị trí đầu mối của các dây thần kinh, do đó người bệnh nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Vì khi châm sai huyệt có thể gây ra các hệ lụy rất nghiêm trọng.

Ứng dụng huyệt trong điều trị bệnh hàng ngày

Huyệt Công Tôn ở vị trí quan trọng do đó khi tác động lên huyệt có thể điều trị cho rất nhiều bệnh lý. Trong đó phải kể đến các bệnh về đường tiêu hóa và tiểu đường. Dưới đây là một số cách chữa bệnh bằng huyệt Công Tôn được áp dụng rộng rãi trong cuộc sống.

Chữa bệnh dạ dày

Huyệt Công tôn là một trong những huyệt đạo mang hiệu quả cao trong điều trị các bệnh về dạ dày như trào ngược dạ dày, đau dạ dày, tiêu chảy,…

Chính vì vậy, khi bạn có dấu hiệu mắc các bệnh lý này nên thực hiện điều trị bằng các sau.

  • Làm ấm bụng bằng cách sử dụng 1 hoặc cả 2 lòng bàn tay đè lên nhau rồi xoa bụng theo chiều kim đồng hồ với lực vừa phải trong khoảng 5 phút. Có thể kết hợp với dầu nóng để nhanh chóng đạt hiệu quả hơn.
  • Sau đó xác định chính xác vị trí huyệt Công Tôn rồi dùng ngón tay cái day ấn huyệt ở 2 bên bàn chân. Người bệnh nên day ấn huyệt trong khoảng 1 – 2 phút, kết hợp hít thở sâu.
  • Bên cạnh đó, để tăng hiệu quả giảm triệu chứng bệnh dạ dày có thể kết hợp bấm các huyệt như: Cự Khuyết, Thượng Quản, Lậu Cốc, Trung Quản, Tam Túc Lý, Thiên Xu, Nội Quan, Thái Xung,…

Thời điểm thích hợp nhất để xoa bóp bấm huyệt đau dạ dày là vào buổi sáng khi vừa thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Đặc biệt, khi ấn huyệt vào buổi tối còn giúp người bệnh giảm lo lắng, hồi hộp và cải thiện chứng mất ngủ do triệu chứng bệnh dạ dày gây nên.

Chú ý: Cần tránh bấm huyệt khi vừa mới ăn no hoặc khi đang quá đói. Vì tác động lên huyệt vào thời gian này có thể khiến tình trạng bệnh gia tăng và dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm khác.

Bấm huyệt Công Tôn giảm triệu chứng bệnh dạ dày bằng cách bấm huyệt ở lòng bàn chân
Bấm huyệt Công Tôn giảm triệu chứng bệnh dạ dày bằng cách bấm huyệt ở lòng bàn chân

Chữa ăn uống khó tiêu

Tình trạng khó tiêu, đầy bụng, khó chịu thường xảy ra khi ăn uống quá nhiều, hoặc ăn uống không đúng cách như tiêu thụ nhiều chất béo, chất đạm, đường, bột mà lại ăn ít rau quả tươi. Ngoài ra nếu ăn uống không đúng bữa, ăn thức ăn để lâu ngày, uống nhiều bia rượu, cà phê, chè đặc, hút thuốc lá cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó tiêu.

Khi gặp tình trạng này, người bệnh không chỉ cảm thấy khó chịu mà còn chán ăn, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và dạ dày.

Để điều hòa nhu động ruột và giúp tăng cường chức năng hệ tiêu hóa bạn có thể thực hiện bấm huyệt Công Tôn để điều trị như sau:

  • Ngồi ở tư thế thoải mái sau đó xác định huyệt Công Tôn và các huyệt Hợp Cốc, Túc Tam Lý, Thái Xung, Tam Âm Giao.
  • Sau đó dùng ngón tay cái bấm và giữ lần lượt các huyệt, mỗi huyệt trong khoảng 10 – 30 giây.
  • Mỗi ngày người bệnh nên thực hiện khoảng 2 lần, kiên trì đến khi các triệu chứng đầy bụng, khó tiêu giảm dần là được.

Ngoài ra, để nhanh chóng khỏi bệnh, việc thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt là hết sức cần thiết. Khi đó người bệnh cần tránh sử dụng các loại thực phẩm có hại, nên ăn nhiều rau quả và nghỉ ngơi đúng giờ.

 Bấm huyệt chữa tiểu đường

Theo y học cổ truyền, xoa bóp, bấm huyệt giúp lưu thông khí huyết, phá tan ứ trệ, cân bằng năng lượng trong đường kinh mạch và lục phủ ngũ tạng. Qua đó chính khí của cơ thể được nâng cao, bệnh tật sẽ dần dần bị đẩy lùi và không tái phát lại nữa.

Đối với bệnh tiểu đường cũng vậy, người bệnh hoàn toàn có thể bấm huyệt, xoa bóp để giảm nhanh triệu chứng bệnh.

Cách thực hiện:

  • Xát vùng lưng chậu: Bệnh nhân ngồi ở tư thế thoải mái, rồi ép sát 2 bàn tay vào vùng lưng và chà xuống đến vùng chậu. Nên lặp lại động tác này nhiều lần trong 1 phút để da nóng lên.
  • Ấn và day huyệt: Người bệnh xác định vị trí huyệt Lao Cung (PC8) ở giữa lòng bàn tay và Công Tôn (SP4) ở chỗ lõm tại mặt trong của bàn chân. Sau đó dùng ngón tay cái day ấn lần lượt vào vị trí các huyệt, mỗi huyệt nên ấn khoảng 1 phút.
  • Đẩy bụng: Sau khi bấm huyệt, để bệnh nhân nằm ngửa rồi đặt 2 bàn tay lên mé ngoài của bụng và làm động tác đẩy từ trên xuống dưới trong khoảng 3 phút.

Để đạt hiệu quả giảm triệu chứng bệnh tiểu đường nhanh chóng, người bệnh cần kiên trì thực hiện các động tác day bấm huyệt hàng ngày. Ngoài ra, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống ít đường, tinh bột, thay vào đó nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả để điều hòa lượng đường trong máu.

Có thể điều trị bệnh dạ dày bằng cách kết hợp bấm huyệt Lao Cung và Công Tôn
Có thể điều trị bệnh dạ dày bằng cách kết hợp bấm huyệt Lao Cung và Công Tôn

Lưu ý khi thực hiện xoa bóp, bấm huyệt trị bệnh

Xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt Công Tôn là phương pháp trị bệnh phổ biến, được đánh giá có mức độ an toàn và hiệu quả cao trong Đông y. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phát huy hiệu quả khi người bệnh tác động đúng cách vào huyệt. Vì nếu tác động sai cách có thể khiến bệnh lý gia tăng hoặc gây ra biến chứng nguy hại cho sức khỏe.

Để đảm bảo tác động vào huyệt đúng cách và an toàn người bệnh cần chú ý:

  • Nếu không có kiến thức về châm cứu, bấm huyệt bạn nên đến cơ sở y tế hoặc nhờ người có chuyên môn thực hiện.
  • Xo bóp, bấm huyệt trị bệnh có tác dụng chậm, do đó bệnh nhân cần kiên trì tác động vào huyệt hàng ngày mới có hiệu quả điều trị cao.
  • Phụ nữ mang thai (đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ) không nên tác động vào huyệt vì có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.
  • Cần tránh tác động vào huyệt sau khi uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  • Người bệnh bị giãn tĩnh mạch, chấn thương xương khớp hoặc mắc các bệnh ngoại khoa khác cũng cần cân nhắc khi tác động lên huyệt để trị bệnh. Tốt nhất những trường hợp này nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
  • Để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, ngoài kiên trì thực hiện châm cứu bấm huyệt người bệnh cần có lối sống lành mạnh. Bên cạnh đó nên kết hợp sử dụng các phương pháp đặc trị khác như dùng thuốc Đông y, Tây y để rút ngắn thời gian trị bệnh hơn.

Huyệt Công Tôn có vai trò cực kỳ quan trọng với cơ thể, do vậy người bệnh cần hiểu rõ vị trí, cũng như cách tác động để tránh hệ lụy có thể xảy ra. Đặc biệt, khi châm cứu bấm huyệt chỉ có tác dụng cao đối với trường hợp bệnh nhẹ, do đó nếu bệnh trở nặng hoặc kéo dài không khỏi cần đến cơ sở y tế kiểm tra.

Tham khảo thêm

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh