Đại Trường Du – Huyệt chăm sóc sức khỏe cột sống và đường ruột

Ngày đăng: 25/05/2023 Biên tập viên: Trần Hoa

Huyệt Đại Trường Du là huyệt thứ 25 của kinh Bàng Quang, đồng thời giữ vai trò là huyệt Bối Du của kinh Đại Trường. Vì vậy mà mang lại nhiều lợi ích tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe cột sống và đường ruột. Hiểu rõ về huyệt này sẽ giúp ích rất nhiều cho quý vị trong việc phòng chống các bệnh lý thường gặp như đau lưng, đau thần kinh tọa, táo bón…

Thông tin chung về huyệt Đại Trường Du

Huyệt Đại Trường Du có xuất xứ từ Mạch Kinh. Đại Trường có nghĩa là ruột già, du chỉ huyệt du – là nơi kinh khí ra vào. Tên gọi Đại Trường Du nhằm ám chỉ công năng và vai trò quan trọng của huyệt trong việc nhận diện và phòng trừ bệnh tật ở Đại trường.

Đại Trường Du là huyệt thứ 25 của kinh Túc Thái dương Bàng Quang (ký hiệu BL25), đồng thời là huyệt Bối Du của kinh Thủ Dương minh Đại Trường (được dùng để tán khí Dương của Đại trường). Vì vậy, huyệt có khả năng cải thiện tốt bệnh lý xuất phát từ những rối loạn ở 2 đường kinh này, bao gồm các vấn đề ở lưng và chi dưới, dạ dày và đường ruột.

Vị trí huyệt Đại Trường Du, Cách xác định huyệt

Để có thể dùng huyệt phòng và trị bệnh, trước hết cần nắm được vị trí huyệt Đại Trường Du ở đâu.

Đây là một huyệt nằm trên vùng thắt lưng, ngang với huyệt Yêu dương quan. Từ chỗ lõm dưới gai sống thắt lưng 4 đo ngang ra 1,5 thốn là vị trí huyệt. Có 2 huyệt Đại Trường Du nằm hai bên cột sống.

Hình ảnh giải phẫu của huyệt Đại Trường Du
Hình ảnh giải phẫu của huyệt Đại Trường Du.

Theo Giải phẫu: (xem hình ảnh huyệt Đại Trường Du):

  • Dưới da vùng huyệt là cân ngực – thắt lưng của cơ lưng to, khối cơ chung của các cơ rãnh cột sống, cơ vuông thắt lưng và cơ đái – chậu ở trước mỏm ngang.
  • Thần kinh vận động cơ bao gồm: nhánh của đám rối cánh tay, nhánh của đám rối thắt lưng và nhánh của dây sống thắt lưng 4.
  • Da vùng huyệt do tiết đoạn thần kinh L3 hoặc L4 chi phối.

Cách xác định huyệt Đại Trường Du như sau:

  • Từ hai bên hông, sờ tìm điểm cao nhất của xương chậu rồi đo vòng ra sau tới chính giữa cột sống sẽ gặp điểm lõm dưới gai sống thắt lưng 4.
  • Từ điểm lõm này đo ngang ra mỗi bên 1,5 thốn (bằng bề ngang 2 ngón tay giữa và trỏ của bệnh nhân) là vị trí 2 huyệt BL25.

Tác dụng của huyệt Đại Trường Du đối với sức khỏe

Huyệt Đại Trường Du có tác dụng lý khí, hóa trệ, điều Trường vị. Huyệt phát huy hiệu quả tốt trong điều trị các bệnh lý sau:

  • Bệnh ở vùng lưng và chi dưới: Bấm huyệt giảm đau lưng, căng cứng lưng, co giật ở lưng, đau thần kinh tọa, liệt chi dưới…
  • Bệnh dạ dày và tiêu hóa: đau bụng, đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, kiết lỵ…
Đại Trường Du là huyệt điều trị tốt các bệnh ở vùng lưng, chi dưới và đường tiêu hóa
Huyệt BL25 điều trị tốt các bệnh ở vùng lưng, chi dưới và đường tiêu hóa.

Y học cổ truyền thông thường sẽ kết hợp Đại Trường Du với một vài huyệt vị khác nhằm nâng cao hiệu quả trị bệnh. Ghi chép trong các tài liệu Y thư cổ hướng dẫn cách phối huyệt như sau:

  • Phối huyệt Bát Liêu trị đại tiểu tiện không thông (theo Thiên Kim Phương)
  • Phối huyệt Thận Du trị đi tiêu sống phân, ăn uống không tiêu (theo Tư Sinh Kinh)
  • Phối huyệt Tiểu Trường Du và Túc Tam Lý trị lỵ, bụng đau (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Hành Gian và Nhị Bạch trị đường ruột bị rối loạn cấp (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối  Âm Lăng Tuyền thấu Dương Lăng Tuyền, Bạch Hoàn Du, Điều Khẩu thấu Thừa Sơn, Mệnh Môn trị cơ teo từ từ (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Khí Hải, Thiên Xu và Tam  Âm Giao trị kiết lỵ (theo Trung Hoa Châm Cứu Học)
  • Phối huyệt Thiên Xu và Túc Tam Lý trị ruột viêm cấp ở trẻ nhỏ (theo Tân Châm Cứu Học)
  • Phối huyệt Hợp Cốc, Nội Quan và Túc Tam Lý trị bụng đau quặn do giun (theo Châm Cứu Học Thủ Sách)
  • Phối huyệt Chi Câu, Thiên Xu và Thượng Cự Hư trị táo bón (theo Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học)
  • Phối huyệt Quan Nguyên, Thần Khuyết và Tỳ Du trị người già yếu hư nhược, tiêu chảy (theo Thần Cứu Kinh Luân)
  • Phối cứu Thông Cốc và Thúc Cốt trị tiểu trường đau, đồi sán (theo Thần Cứu Kinh Luân)
  • Phối huyệt Bá Hội, Hợp Cốc, Kiên Tỉnh, Khí Xung và Trường Cường trị thoát giang, lòi dom (theo Châm Cứu Tập Thành)
YHCT thông thường sẽ kết hợp Đại Trường Du với một vài huyệt vị khác nhằm nâng cao hiệu quả trị bệnh.
YHCT thông thường sẽ kết hợp Đại Trường Du với một vài huyệt vị khác nhằm nâng cao hiệu quả trị bệnh.

Phương pháp châm cứu, bấm huyệt BL25

Châm cứu và bấm huyệt là các phương pháp trị liệu tinh hoa của Y học cổ truyền. Thông qua các kích thích vật lý trực tiếp lên vị trí huyệt mà điều chỉnh được các yếu tố về thần kinh, nội tiết và thể dịch bên trong cơ thể. Từ đó giúp bảo vệ sức khỏe và phòng chống bệnh tật hiệu quả.

Bởi những khác biệt về đặc điểm giải phẫu và công dụng trị bệnh, mỗi huyệt đạo cần được tác động theo các cách riêng biệt. Đối với huyệt Đại Trường Du, phương pháp châm cứu và  bấm huyệt được hướng dẫn như sau:

Cách châm cứu: châm thẳng, sâu từ 1-1,5 thốn. Cứu 3-5 tráng. Ôn cứu trong 5-15 phút. (Nên cứu huyệt 2 bên cùng lúc).

  • Hướng mũi kim xiên ra bên ngoài khi trị đau thần kinh tọa.
  • Hướng mũi kim về phía huyệt Tiểu Trường Du khi trị đau khớp chậu, đau khớp háng.

Cách bấm huyệt:

  • Bệnh nhân ngồi thả lỏng trên ghế, giữ thẳng lưng hoặc nằm sấp trên giường.
  • Xác định vị trí huyệt Đại Trường Du rồi dùng ngón tay cái ấn và day huyệt với lực vừa phải. Day liên tục từ 1-2 phút để đảm bảo hiệu quả tác động.

Tuy nhiên người bệnh không thực hiện bấm huyệt tại nhà, cần đến cở sở YHCT uy tín, nơi có đầy đủ thiết bị y tế cần thiết và nguồn nhân lực có chuyên môn.

Châm cứu, bấm huyệt nên được thực hiện tại các cơ sở YHCT uy tín đề đảm bảo an toàn và hiệu quả trong trị liệu
Châm cứu, bấm huyệt nên được thực hiện tại các cơ sở YHCT uy tín đề đảm bảo an toàn và hiệu quả trị liệu.

Ngoài châm cứu và bấm huyệt, các bệnh nhân có thể chà xát hoặc chườm nóng vùng huyệt BL25 hàng ngày. Đây là biện pháp đơn giản nhưng cũng có hiệu quả đáng kể, giúp trừ phong thấp, tăng cường sức khỏe cho cột sống và hỗ trợ hoạt động bài tiết chất thải cho đường ruột.

Lưu ý sử dụng huyệt an toàn, hiệu quả

Bất kể châm cứu, bấm huyệt được thực hiện bởi chuyên gia hay người không có chuyên môn (với bấm huyệt), quá trình trị liệu cũng cần tuân thủ các nguyên tắc nhất định để đảm bảo an toàn và hiệu quả chữa bệnh. Các lưu ý quan trọng nhất cần ghi nhớ khi tác động lên huyệt Đại Trường Du là:

  • Trước khi châm cứu hoặc day ấn huyệt, cần sát khuẩn tay và da vùng huyệt. Đồng thời chú ý không tác động trong trường hợp trên da đang có vết thương, vết bầm hoặc có dấu hiệu viêm nhiễm.
  • Khi bụng đang quá đói, quá no hoặc sau khi sử dụng rượu bia cũng không được kích thích lên huyệt đạo.
  • Nếu chưa chắc chắn về cách xác định vị trí và day ấn huyệt khi thực hiện tại nhà, nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ các bác sĩ Đông y.
  • Duy trì bấm huyệt từ 1-2 lần mỗi ngày vào sáng sớm và trước khi đi ngủ vào buổi tối để đạt được lợi ích sức khỏe tốt nhất.
  • Trị bệnh bằng châm cứu, bấm huyệt cần kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn và thói quen sinh hoạt để có thể sớm cải thiện triệu chứng và đẩy lùi bệnh tật một cách triệt để.
  • Chống chỉ định châm cứu, bấm huyệt cho người có thể trạng yếu, phụ nữ có thai, người bị chấn thương xương khớp hoặc mắc các bệnh ngoại khoa.

Huyệt Đại Trường Du là huyệt phát huy nhiều công dụng tích cực trong điều trị đau lưng, đau thần kinh tọa và các bệnh lý đường tiêu hóa. Hy vọng những thông tin được tổng hợp trong bài viết sẽ giúp ích cho quý vị trong việc nhận diện và sử dụng huyệt vị này.

Xem thêm:

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh