Huyệt Đốc Du: Vị trí, cách xác định và tác dụng chữa bệnh

Ngày đăng: 25/05/2023 Biên tập viên: Nguyễn Trang

Trong hệ thống huyệt đạo của con người, huyệt Đốc Du chiếm vị trí rất quan trọng, có thể chữa nhiều triệu chứng bệnh. Cùng tìm hiểu rõ hơn về vị trí, tác dụng cũng như cách xác định huyệt Đốc Du để chữa bệnh trong bài viết dưới đây.

Huyệt Đốc Du là gì? Vị trí huyệt Đốc Du

Huyệt Đốc Du là một trong những huyệt đạo quan trọng của cơ thể. Đốc Du là huyệt thứ 16 trong Bàng Quang kinh, đặc biệt để tán khí Dương ở Đốc Mạch. Huyệt đạo này còn được gọi với những cái tên khác như Cao Cái, Cao Ích, Đốc Mạch Du hay Thương Cái.

Giải nghĩa tên gọi huyệt Đốc Du:

  • Đốc có nghĩa là thống lĩnh, đốc suất.
  • Du có nghĩa là nơi kinh khí ra vào.

Do vậy, Đốc Du tức là có tác dụng đưa kinh khí vào (du) mạch Đốc. Nói đến Đốc mạch, mạch thống trị của các kinh dương, các thầy thuốc ngày xưa cho rằng khí của Đốc mạch rót vào bên trong cơ thể qua huyệt này.

Hình ảnh huyệt Đốc Du
Hình ảnh huyệt Đốc Du

Vị trí huyệt Đốc Du là: Ở hai bên xương sống, dưới gai đốt sống lưng 6, đo ngang ra 1,5 thốn, ngang huyệt Linh Đài (Đc.10).

Hoặc cách xác định huyệt Đốc Du có thể thực hiện như sau: Lấy ở điểm giao nhau của đường ngang qua đầu mỏm gai đốt sống lưng 6 và đường thẳng ngoài mạch Đốc 1,5 tấc.

Tác dụng của huyệt Đốc Du

Theo y học hiện đại, vị trí huyệt Đốc Du được chi phối bởi:

  • Dưới da là cơ thang, cơ lưng to, cơ lưng dài, cơ ngang gai, cơ ngang sườn, cơ bán gai của ngực vào trong là phổi.
  • Thần kinh vận động cơ là nhánh đám rối cánh tay, nhánh dây thần kinh sọ não XI, nhánh đám rối cổ sâu, nhánh của dây sống lưng 6 và nhánh của dây thần kinh gian sườn 6.
  • Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn của thần kinh D3.

Theo các sách y học cổ truyền, tác động vào huyệt đạo này chủ trị cứng gáy, vẹo cổ, viêm màng tim trong và ngoài, sôi ruột, bụng đau, tóc rụng, nấc cụt, ngứa ngoài da.

Phối huyệt trị bệnh sẽ làm tăng hiệu quả trị liệu lên vài phần
Phối huyệt trị bệnh sẽ làm tăng hiệu quả trị liệu lên vài phần

Có thể phối huyệt để chữa bệnh theo các cách như sau:

  • Theo sách Tư Sinh Kinh, phối Chiên Trung (Nh.17) để trị ho.
  • Theo sách Châm Cứu Học Thượng Hải, phối Cách Du (Bàng quang.17) + Huyết Hải (Tỳ 10) + Phế Du (Bàng quang.13) +Khúc Trì (Đại trường.11) để trị chứng ngứa ngoài da.
  • Hoặc phối Cách Du (Bàng quang.17) + Tâm Du (Bàng quang.15) + Đại Chùy (Đc.14) để trị viêm chân lông viêm.

Ứng dụng huyệt Đốc Du trong chữa bệnh

Như đã đề cập, khi tác động huyệt Đốc Du đúng cách sẽ giúp cải thiện nhiều loại bệnh lý. Dưới đây là cách châm cứu, day bấm huyệt chính xác cho từng loại bệnh.

Trị đau ngực

Khi cơ thể xuất hiện các cơn đau tức ở vùng ngực chính là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh liên quan đến tim mạch, trong đó có bệnh viêm màng tim. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải chịu nhiều tác động xấu đến sức khỏe hoặc thậm chí là tử vong.

Một trong những biện pháp giúp giảm các cơn đau là bấm huyệt trị bệnh. Khi tác động lên các huyệt vị, ngoài tác dụng giảm đau tức còn giúp điều chỉnh lượng máu để không gây áp lực lên tim, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Cách thực hiện như sau:

  • Bước 1: Xác định chính xác vị trí huyệt Đốc Du.
  • Bước 2: Dùng tay hoặc dụng cụ bấm huyệt đặt lên vị trí đã xác định. Từ từ ấn và day với lực vừa phải theo chiều kim đồng hồ. Sau đó tăng dần cường độ cho tới khi thấy hơi đau tức ở vùng ngực thì dừng lại.
  • Bước 4: Thực hiện lặp lại khoảng 3 – 5 lần mỗi ngày, mỗi lần thực hiện trong khoảng 2 – 3 phút hoặc khi có cơn đau tức ngực.

Lưu ý: Nếu tình trạng người bệnh đau tức nhiều, liên tục, các cơn đau tăng mạnh theo cường độ hay có hiện tượng toát mồ hôi, da tím tái thì không nên áp dụng phương pháp bấm huyệt. Trường hợp này, người bệnh cần được chuyển ngay đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.

Chữa đau vai gáy

Đau vai gáy thường gặp ở những người làm việc lâu trong một tư thế như nhân viên văn phòng, tài xế lái xe, học sinh,…, gây đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và công việc của người bệnh.

Người bị đau vai gáy thường gặp các biểu hiện như: đột nhiên cổ vai gáy đau cứng, có thể đau một bên hoặc cả hai bên, quay cổ khó khăn, hạn chế hoặc không thể quay cúi cổ.

Lúc này, khi tác động kết hợp 5 huyệt đạo sau đây, chứng bệnh này sẽ thuyên giảm nhanh chóng: Huyệt Đốc Du, huyệt Phong Trì, huyệt Phong Môn, huyệt Đại Trùy và huyệt Kiên Tỉnh.

Huyệt Đốc Du thường được tác động để trị đau vai gáy
Huyệt Đốc Du thường được tác động để trị đau vai gáy

Cách thực hiện như sau:

  • Bước 1: Xác định vị trí của các huyệt đạo trên. Sau đó người bấm huyệt sử dụng đầu ngón tay cái day và ấn vào các huyệt như trên. Giữ nguyên chúng trong khoảng 15 – 20 giây.
  • Bước 2: Trong quá trình bấm huyệt, người bệnh kết hợp với vận động cổ. Người bấm huyệt sẽ dùng một tay kê ở cổ người bệnh để làm điểm tựa, tay còn lại điều khiển cổ nghiêng theo các tư thế: trái – phải – cúi – ngửa.
  • Bước 3: Người bấm huyệt tiến hành kiểm tra vùng cơ ở huyệt Đốc Du của bệnh nhân có bị co cứng hay không. Nếu đau thì bấm kết hợp với day nhẹ để giảm đau mỏi vai gáy giúp bệnh nhân vận động dễ dàng hơn.

Lưu ý: Trường hợp bệnh nhân bị đau vai gáy mạn tính thì hãy chụp X-quang phổi để xem xét có bị mắc các bệnh lý về phổi hay trung thất hay không rồi mới tiến hành thực hiện liệu pháp xoa bóp bấm huyệt.

Trị mẩn ngứa

Đa số các trường hợp bị mẩn ngứa là do vấn đề ăn uống, suy nhược cơ thể hoặc kích ứng với sự thay đổi thời tiết và một số yếu tố dị ứng khác. Theo Y học cổ truyền, ngứa ngáy do mẩn ngứa do các tạng trong cơ thể không thể loại bỏ hết các tác nhân gây kích ứng, khó chịu ra bên ngoài.

Bấm huyệt trị mẩn ngứa là một phương pháp trị bệnh được các thầy thuốc ứng dụng từ lâu đời. Mục đích chính là giúp cho các huyệt đạo được hoạt động mạnh hơn, kích thích các tạng trong cơ thể tăng khả năng thải độc tố ra ngoài.

Cách thực hiện như sau:

  • Bước 1: Xác định chính xác vị trí các huyệt sau trên cơ thể bệnh nhân: Huyệt Đốc Du, huyệt Cách Du, huyệt Huyết Hải, huyệt Phế Du và huyệt Khúc Trì.
  • Bước 2: Người bấm huyệt sử dụng đầu ngón tay cái day và ấn vào các huyệt đạo trên. Giữ nguyên chúng trong khoảng 15 – 20 giây. Từ từ ấn và day với lực vừa phải theo chiều kim đồng hồ rồi tăng dần cường độ.
  • Bước 3: Thực hiện lặp lại khoảng 3 – 5 lần mỗi ngày, mỗi lần thực hiện trong khoảng 2 – 3 phút để có kết quả tốt nhất.

Ngoài việc tác động bằng cách bấm huyệt, để trị bệnh được hiệu quả hơn, có thể sử dụng cách châm cứu vào huyệt Đốc Du:

  • Dùng kim châm xiên về phía cột sống khoảng 0.5 – 0.8 thốn.
  • Cứu 3 – 5 tráng thì ôn cứu trong khoảng 5 – 10 phút.

Một vài lưu ý khi thao tác bấm huyệt, châm cứu

Vì huyệt Đốc Du nằm trên kinh mạch quan trọng của cơ thể nên để đảm bảo kết quả trị liệu được tốt nhất, bạn đọc cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Thực hiện day ấn huyệt với động tác nhịp nhàng và lực ấn vừa phải. Nếu không muốn dùng tay ấn, có thể dùng đầu que, đũa nhỏ hoặc 5 – 6 chiếc tăm buộc chặt để thay thế.
  • Trị bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền cần kiên trì mới có kết quả rõ rệt. Có thể thay đổi liệu trình trị bệnh tùy thuộc vào tình trạng, diễn biến của bệnh cũng như chỉ định của thầy thuốc.
  • Nếu trong quá trình điều trị, người bệnh đột ngột chóng mặt, ra mồ hôi nhiều, mạch đập nhanh, hoa mắt,… thì lập tức ngừng bấm huyệt, châm cứu.
  • Bệnh nhân trên 45 tuổi cần phải được kiểm tra mật độ khoáng chất của xương trước khi thực hiện xoa bóp bấm huyệt.
  • Chỉ nên thực hiện bấm huyệt, châm cứu theo liệu trình được hướng dẫn. Tuyệt đối không lạm dụng hay tăng giảm liệu trình khi chưa được chỉ định bởi thầy thuốc.

Trên đây là toàn bộ các thông tin tham khảo về huyệt Đốc Du. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc có thêm được kiến thức về huyệt đạo này cũng như cách tác dụng và những lưu ý để quá trình chữa bệnh diễn ra thuận lợi nhất.

Tham khảo thêm

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh