Huyệt Dương Khê: Vị trí, cách xác định và tác dụng đối với sức khỏe

Ngày đăng: 25/05/2023 Biên tập viên: Nguyễn Trang

Huyệt Dương Khê là một trong những huyệt đạo quan trọng trên cơ thể. Vậy huyệt này nằm ở đâu và có tác dụng cụ thể ra sao? Mời bạn đọc theo dõi ngay bài viết dưới đây để nắm thêm những kiến thức hữu ích về huyệt đạo này.

Huyệt Dương Khê là gì?

Tên huyệt: Dương Khê.

Giải nghĩa tên huyệt: Huyệt nằm ở chỗ lõm (giống khe suối nên được gọi là “Khê”) tại cổ tay, ở mu bàn tay (mu, tức là mặt ngoài nên được gọi là Dương).

Tên khác: Trung Khôi.

Xuất xứ:

  • Thiên ‘Bản Du’ (Liên Khu 2).

Đặc tính:

  • Huyệt đạo thứ 5 của kinh Đại Trường.
  • Huyệt Kinh, thuộc hành Hoả.
  • Huyệt dùng để châm trong các bệnh cơ, xương, da.

Vị trí và tác dụng của huyệt đạo

Vị trí huyệt Dương Khê: Cách xác định huyệt Dương Khê đơn giản nhất là nghiêng bàn tay, đưa ngón tay thẳng về mu bàn tay để hiện rõ hõm lào giữa gân cơ duỗi và ngón cái, huyệt đạo nằm ở sát đầu mỏm trâm xương quay.

Hình ảnh huyệt Dương Khê
Hình ảnh huyệt Dương Khê

Giải phẫu:

  • Dưới da là đầu mỏm trâm – xương quay, bờ trên xương thuyền, phía ngoài có gân cơ dạng dài và gân cơ duỗi ngón tay cái, bên trong là gân cơ duỗi dài ngón tay cái và gân cơ quay 1.
  • Thần kinh vận động cơ do các nhánh của dây thần kinh quay chi phối.
  • Da vùng huyệt Dương Khê chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C8.

Tác dụng: Khu phong tiết hoả và sơ tán nhiệt ở kinh Dương Minh.

Chủ trị: Trị các trường hợp như cườm tay, bàn tay đau, bàn tay viêm, đau đầu, đau mắt, đau răng, tai ù, điếc, trẻ nhỏ tiêu hóa kém, sốt.

Các cách phối huyệt Dương Khê trị bệnh

Tất cả các huyệt trên cơ thể con người đều tương thông lẫn nhau. Do vậy, việc tác động lên một nhóm huyệt đạo cùng lúc sẽ giúp tăng khả năng trị bệnh cho bệnh nhân.

Thầy thuốc thường phối hợp huyệt Dương Khê với một số huyệt đạo sau đây:

Theo Thiên Kim Phương:

  • Phối với Dương Cốc (Ttr 5) trị mắt sưng đỏ.

Theo Bách Chứng Phú:

  • Phối với Kiên Ngung (Đtr 15) trị sốt.
Theo các y sách cổ, huyệt Dương Khê có tác dụng quan trọng đối với sức khoẻ con người
Theo các y sách cổ, huyệt Dương Khê có tác dụng quan trọng đối với sức khoẻ con người

Theo Châm cứu Đại Thành:

  • Phối với Đại Lăng (Tb.7), Giáp Xa (Vi 6), Hợp Cốc (Đtr 4), Nhị Gian (Đtr 2), Thiếu Thương (P.11), Tiền Cốc (Ttr 2), Xích Trạch (P.5) chủ trị đau họng.
  • Phối với Gian Sử (Tb.5), Toàn Trúc (Bq.2), Xích Trạch (P.5) chủ trị điên cuồng do tà nhập tâm.
  • Phối với Côn Lôn (Bq.60), Hạ Liêm (Đtr 8), Thái Uyên (P.9) chủ trị điên, nói cuồng.
  • Phối với Đại Lăng (Tb.7), Liệt Khuyết (P.7), Thuỷ Câu (Đc.26) chủ trị điên, hay cười.
  • Phối với Bá Hội (Đ 20), Dịch Môn (Ttu 2), Dương Cốc (Ttr 5), Hậu Khê (Ttr 3), Lạc Khước (Bq.8), Nhĩ Môn (Ttu 21), Thận Du (Bq.23), Thính Cung (Ttr 19), Thính Hội (Đ 2), Thương Dương (Đtr 1), Uyển Cốt (Ttr 4) chủ trị tai ù, điếc.

Theo Châm cứu Học Thượng Hải:

  • Phối với Liệt Khuyết (P.7) trị bệnh ở cổ tay.

Ứng dụng bấm huyệt, châm cứu huyệt Dương Khê vào điều trị các bệnh lý cụ thể

Đông y cho rằng châm cứu, bấm huyệt là một trong những phương pháp trị bệnh phổ biến. Mỗi vị trí huyệt đạo sẽ trên cơ thể đều có những công dụng khác nhau. Nếu biết cách châm cứu, bấm huyệt kết hợp thì công dụng chữa bệnh được sẽ tăng lên vài phần.

Sưng mắt đỏ

Các thầy thuốc Đông y gọi đau mắt đỏ là “Xích nhãn” hay “Hoả nhãn”. Khi mắc bệnh, người bệnh thường có các dấu hiệu như: mắt đỏ cộm, xung huyết, chảy nước mắt, nhiều dử, sợ ánh sáng, có thể bị một mắt rồi lây sang mắt thứ hai hoặc bị đồng thời cả hai mắt. Một số trường hợp thị lực suy giảm khiến mắt bị mờ, khả năng nhìn kém.

Nguyên nhân sinh ra bệnh chủ yếu do kinh can phong nhiệt gây nên. Trong trường hợp này, cách bấm huyệt trị sưng mắt đỏ được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Người bệnh đau mắt nằm úp hoặc ngồi trên ghế ở tư thế thoải mái nhất.
  • Bước 2: Tiếp đó, chuyên viên trị liệu sẽ xác định vị trí chính xác: Bá Hội, Dịch Môn, Dương Cốc, Nhĩ Môn, Thận Du, Thính Cung, Hậu Khê, Lạc Khước, Thính Hội,Thương Dương, Uyển Cốt cùng Dương Khê.
  • Bước 3: Tiến hành châm cứu: Châm thẳng, sâu 0, 3 – 0, 5 thốn, Cứu 3 – 5 tráng và Ôn cứu 5 – 10 phút.

Đông y cho rằng, bệnh sưng mắt đỏ mang tính truyền nhiễm rất dễ lây lan thành dịch trong gia đình và cộng đồng. Do vậy, để ngăn chặn bệnh lây nhiễm, trước hết cần chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ và hạn chế sự tiếp xúc với người bệnh.

Ù tai, điếc

Đông y cho rằng thận khai khiếu ở tai, tức tai là ngoại khiếu của thận. Khí của thận thông lên tai, khi thận khí điều hòa thì tai mới nghe được ngũ âm. Can hỏa bốc lên cũng làm cho tai ù, điếc, đầu óc choáng váng và đau nhức đầu. Khi thận hư, tinh thoát ra nhiều thì tai điếc, khi tân dịch tổn thương thì tai bị ù.

Cách thực hiện trị bệnh ù tai, điếc bằng châm cứu, bấm huyệt như sau:

  • Bước 1: Xác định chính xác vị trí các huyệt trên cơ thể người bệnh: Huyệt Dương khê và huyệt Dương Cốc.
  • Bước 2: Chuyên viên bấm huyệt sử dụng đầu ngón tay cái day ấn vào các huyệt đạo trên. Giữ nguyên trong khoảng 15 – 20 giây rồi từ từ ấn và day với lực vừa phải theo chiều kim đồng hồ, sau đó mới tăng dần cường độ.
  • Bước 3: Thực hiện lặp lại khoảng 3 – 5 lần mỗi ngày, mỗi lần trong khoảng 2 – 3 phút để có kết quả trị liệu tốt nhất.

Tuy nhiên, theo các thầy thuốc Đông y, chỉ có thể chỉ định bấm huyệt, châm cứu để điều trị một số trường hợp ù tai hay điếc do nguyên nhân chức năng. Còn trường hợp do nguyên nhân thực thể, cấu trúc của các cơ quan âm thanh ở tai bị tổn thương thì phải có biện pháp khác, chứ bấm huyệt, châm cứu không thể giải quyết được vấn đề này.

Trị nấc

Nấc chủ yếu có nguyên nhân là do vị khí nghịch lên. Bình thường, đồ ăn thức uống được đưa xuống được tiếp thu tại Vị. Nếu ngoại tà làm Vị khí suy yếu, hoặc do ảnh hưởng của ngoại tà làm cho Vị khí không đi xuống được sẽ gây ra nấc.

Có những trường hợp bệnh nhân bị nấc liên tục và không thể kiểm soát được trong thời gian dài
Có những trường hợp bệnh nhân bị nấc liên tục và không thể kiểm soát được trong thời gian dài

Tuy nhiên, một số trường hợp có tình trạng nấc kéo dài gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như việc ăn uống hàng ngày. Bấm huyệt, châm cứu điều trị nấc là một phương pháp rất hữu ích đối với những trường này.

Theo y học cổ truyền nấc có hai thể chính:

  • Nấc thực chứng: Tiếng nấc lớn, ợ chua, hôi, ngực bụng đầy trướng, táo bón, nước tiểu đỏ, hoạt, mạch huyền, thực, đại.
  • Nấc hư chứng: Tiếng nấc nhỏ hơn, người bệnh có thở ngắn, tay chân quyết lạnh, mạch hư, đồng thời tế muốn tuyệt.

Lúc này, người bệnh có thể bấm huyệt Huyệt Dương Khê. Bấm mạnh vào huyệt đạo này cho đến lúc thấy cảm giác tê, căng, nhức, nấc cụt ngừng mới thôi. Hoặc tìm đến các cơ sở trị liệu để được châm cứu trị nấc.

Một số lưu ý trong quá trình tác động vào huyệt Dương Khê

Trong quá trình chữa bệnh bằng các tác động lên huyệt Dương Khê, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Cần xác định chính xác vị trí huyệt đạo trước khi tác động để trị liệu nào. Người bệnh không nên tự ý thực hiện bấm huyệt tại nhà mà tìm đến các chuyên gia vật lý trị liệu, các bác sĩ y học cổ truyền để được hướng dẫn quá trình thực hiện chính xác nhất.
  • Không châm cứu lên các huyệt đạo tại vị trí da đang bị tổn thương, lở loét hoặc bị chảy máu. Cũng nên thực hiện châm cứu, bấm huyệt khi đang quá no hoặc quá đói.
  • Trong quá trình trị liệu, bạn đọc nên xây dựng một chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh. Tăng cường rau xanh, trái cây và vận động hợp lý là biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể.
  • Trước khi quyết định phối hợp nhiều huyệt đạo cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Việc phối hợp không hợp lý có thể gây ra nhiều hệ luỵ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

Trên đây là toàn bộ các thông tin tham khảo về huyệt Dương Khê. Châm cứu, bấm huyệt Dương Khê trị bệnh cần một khoảng thời gian nhất định mới thấy hiệu quả rõ rệt. Do vậy, bạn đọc nên kiên trì, không nên nóng vội mà bỏ lỡ cơ hội trị liệu tốt nhất.

Tham khảo thêm

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh