Huyệt Kiên Tỉnh: Vị trí và cách trị bệnh thường gặp

Ngày đăng: 02/06/2023 Biên tập viên: Nguyễn Trang

Huyệt Kiên Tỉnh là huyệt có vị trí nằm ở vùng vai gáy. Khi tác động lên huyệt giúp điều trị các bệnh vùng đầu và vai gáy rất hiệu quả. Dưới đây là một số kiến thức tổng quan về huyệt và cách tác động để điều trị bệnh chính xác, hiệu quả nhất.

Tên gọi, đặc tính huyệt Kiên Tỉnh

Tên gọi: Kiên Tỉnh

Giải nghĩa: Theo nghĩa đen, “Tỉnh” là giếng, “Kiên” là trên vai. Vì thế, gọi là Kiên Tỉnh do huyệt nằm ở vị trí lõm ở trên vai.

Tên Khác: Bác Tỉnh, Kiên Tĩnh

Xuất Xứ: Giáp Ất Kinh.

Đặc Tính:

  •  Huyệt thứ 21 trong kinh Đởm.
  • Huyệt hội với Dương Duy Mạch, kinh Chính Vị và Tam Tiêu.

Huyệt Kiên Tỉnh nằm ở đâu? – Vị trí huyệt kiên tỉnh

Vị Trí: Nằm ở chỗ lõm ở vùng trên vai.

Hình ảnh huyệt Kiên Tỉnh trên vai
Hình ảnh huyệt Kiên Tỉnh trên vai

Cách xác định huyệt Kiên Tỉnh: Người bệnh cúi đầu sau đó dùng tay day ấn khu vực bả vai. Huyệt nằm tại giao điểm của đường thẳng ngang qua đầu ngực với đường ngang nối huyệt Đại Chùy, ở điểm cao nhất của đầu ngoài xương đòn, khi ấn vào có cảm giác ê tức.

Giải Phẫu:

  • Dưới da vị trí huyệt là cơ thang, cơ trên sống và cơ góc.
  • Thần kinh vận động cơ là nhánh dây thần kinh sọ não số XI, nhánh dây thần kinh cổ 2 và nhánh của dây thần kinh trên vai.
  • Da vùng huyệt được chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C4.

Tác dụng của Kiên Tỉnh huyệt đối với điều trị và chăm sóc sức khỏe

Một số tác dụng của huyệt Kiên Tỉnh trong y học là:

  • Giảm đau đầu vùng chẩm, co cứng cơ, đau cơ, cứng khớp ở vùng cổ hoặc bả vai.
  • Cải thiện tình trạng: Nhồi máu não, vùng cổ sưng hạch, bướu cổ và vùng đầu cổ có khối u.
  • Giúp phụ nữ mang thai sinh đẻ dễ dàng hơn, đặc biệt các trường hợp sinh khó hoặc rau thai bị sót lại trong cơ thể.
  • Giảm tình trạng thiếu sữa, tắc tia sữa ở phụ nữ mới sinh.
  • Chữa chứng bại liệt do trúng phong hàn.
  • Giảm tình trạng rong kinh cơ năng ở phụ nữ.

Cách phối huyệt Kiên Tĩnh khi chữa bệnh

Theo các sách cổ, có thể phối huyệt Kiên Tỉnh với các huyệt vị như sau:

  • Phối với huyệt Quan Xung (Tam tiêu.1) trị chứng nóng lạnh làm cho khí đưa lên không nằm được (Thiên Kim Phương).
  • Phối với huyệt Phách Hộ (Bàng quang.42) trị cổ gáy cứng khó xoay (Tư Sinh Kinh).
  • Phối với huyệt Đại Nghênh (Vị 5) và huyệt Khúc Trì (Đại trường.11) trị chứng lao hạch (Châm Cứu Tụ Anh).
  • Phối với huyệt Khúc Trì (Đại trường.11) trị cánh tay đau nhức (Tiêu U Phú).
  • Phối với huyệt Hạ Liêm (Đại trường.8) và huyệt Khúc Trì (Đại trường.11) trị cánh tay lạnh, đau nhức (Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối với huyệt Đại Nghênh (Vị 5) trị loa lịch (Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối với huyệt Hành Gian (C.2), huyệt Thái Xung (C.3), huyệt Thiếu Hải (Tm.3), huyệt Thông Lý (Tm.5), huyệt Túc Lâm Khấp (Đ.41, huyệt Túc Tam Lý (Vị 36) và huyệt Ủy Trung (Bàng quang.40) trị đinh nhọt mọc ở vùng lưng (Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối với huyệt Âm Lăng Tuyền (Tỳ 10), huyệt Khúc Trì (Đại trường.11), huyệt Tam Dương Lạc (Tam tiêu.8), huyệt Thiên Tỉnh (Tam tiêu.10) trị lao hạch (Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối với huyệt Đản Trung (Nh.17), huyệt Khí Hải (Nh.6), huyệt Kỳ Môn (C.14), huyệt Nhũ Căn (Vị 18), huyệt Phong Môn (Bàng quang.12), huyệt Tam Âm Giao (Tỳ 6), huyệt Thừa Tương (Nh.24), huyệt Trung Phủ (Phế 1), huyệt Trung Quản (Nh.12) và huyệt Túc Tam Lý (Vị 36) trị uế nghịch (Loại Kinh Đồ Dực).
  • Phối với huyệt Dương Lăng Tuyền (Đ.34), huyệt Túc Tam Lý (Vị 36) trị cước khí đau nhức (Thiên Tinh Bí Quyết).
  • Phối với huyệt Bá Hội (Đc.20), huyệt Đại Chùy (Đc.14), huyệt Gian Sử (Tâm bào.5), huyệt Khúc Trì (Đại trường.11), huyệt Phong Trì (Đ.20), huyệt Túc Tam Lý (Vị 36) trị tạng phủ trúng phong (Vệ Sinh Bảo Giám).
  • Phối Với Tam Âm Giao (Tỳ 6) và huyệt Trung Cực (Nh.3) trị nhau thai không ra (Châm Cứu Phùng Nguyên).
  • Phối với huyệt Khúc Trì (Đại trường.11), huyệt Thân Trụ (Đc.12) và huyệt Ủy Trung (Bàng quang.40) trị ung nhọt (Tân Châm Cứu Học).
  • Phối với huyệt Bá Hội (Đc.20), huyệt Nhân Trung (Đc.26), huyệt Nội Quan (Tâm bào.6), huyệt Phong Trì (Đ.21) trị trúng phong đờm dãi không nói được (Trung Hoa Châm Cứu Học).
  • Phối với huyệt Khúc Trì (Đại trường.11), huyệt Kiên Ngung (Đại trường.15) trị tay nhức mỏi không đưa lên được (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Kiên Ngung (Đại trường.15), huyệt Phong Trì (Đ.20) trị vai đau nhức (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối huyệt Hợp Cốc (Đại trường.4), huyệt Khúc Trì (Đại trường.11) và huyệt Kiên Ngung (Đại trường.15) trị tay đau nhức (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Khúc Trì (Đại trường.11), huyệt Túc Tam Lý (Vị 36) trị liệt nửa người (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  •  Phối với huyệt Trung Cực (Nh.3) trị thai không ra (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Chương Môn (C.13), huyệt Khúc Trì (Đại trường.11), huyệt Nhiên Cốc (Th.2) trị thai không ra (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Thiên Tông (Tiểu trường.11), huyệt Thiếu Trạch (Tr.1) trị vú bị viêm sưng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Dương Phụ (Đ.39), huyệt Thiếu Hải (Tm.3) trị lao hạch ở dưới nách (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Cách châm cứu và bấm huyệt nên áp dụng

Nếu thực hiện đúng kỹ thuật, việc châm cứu và bấm huyệt có thể giúp cải thiện các vấn đề sức khỏe nhanh chóng. Ngược lại, nếu thực hiện các thao tác sai cách có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Đặc biệt huyệt Kiên Tỉnh có nhiều vai trò quan trọng với sức khỏe, vì vậy khi tác động lên huyệt cần thực hiện theo đúng hướng dẫn sau:

Cách châm cứu: Thực hiện châm thẳng 0,5 – 0,8 thốn; cứu 3 – 5 tráng và ôn cứu trong khoảng 5 – 10 phút. Chú ý không châm quá sâu vì có thể châm vào xương gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Châm cứu huyệt đúng cách có thể điều trị rất nhiều bệnh liên quan đến vai gáy
Châm cứu huyệt đúng cách có thể điều trị rất nhiều bệnh liên quan đến vai gáy

Cách bấm huyệt:

Để bấm huyệt Kiên Tỉnh đúng cách, bạn có thể thực hiện những bước dưới đây:

  • Bước 1: Xác định chính xác vị trí của huyệt trên vùng vai.
  • Bước 2: Thực hiện day ấn với lực đạo vừa phải trong khoảng từ 3 – 5 phút. Nên kiên trì bấm huyệt hàng ngày để những cơn đau đầu, đau cổ và các triệu chứng của bệnh khác thuyên giảm hoàn toàn.

Huyệt Kiên Tỉnh được ứng dụng trong điều trị bệnh gì? Hướng dẫn cụ thể

Một số ứng dụng huyệt Kiên Tỉnh trong điều trị bệnh hàng ngày bạn có thể tham khảo và vận dụng vào trong cuộc sống như:

Bấm huyệt trị đau do thoái hóa đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ gặp nhiều ở trường hợp người cao tuổi, người lao động nặng thường xuyên mang vác,…

Triệu chứng nhận biết là tình trạng nhức mỏi xương, đau vai gáy, đau vùng bả vai và cánh tay bị tê cứng sau khi ngủ dậy, quay đầu khó khăn, khớp khó cử động… Để giảm triệu chứng bệnh nhanh chóng, người bệnh có thể áp dụng cách bấm huyệt Kiên Tỉnh hàng ngày.

Tác động lên huyệt Kiên Tỉnh hàng ngày giúp giảm đau nhức do thoái hóa đốt sống cổ
Tác động lên huyệt Kiên Tỉnh hàng ngày giúp giảm đau nhức do thoái hóa đốt sống cổ

Khi bấm huyệt, khí huyệt sẽ lưu thông, nhờ đó giảm tê cứng, nhức mỏi hiệu quả.

Cách thực hiện như sau:

  • Sau khi xác định chính xác vị trí của huyệt Kiên Tỉnh thì dùng ngón tay trỏ hoặc ngón giữa của tay trái bấm vào huyệt bên phải khoảng 1 – 2 phút. Sau đó đổi tay và thực hiện các bước tương tự.
  • Thời gian bấm huyệt mỗi lần nên kéo dài liên tục trong 5 – 7 phút để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Bấm huyệt Kiên Tỉnh giảm đau đầu

Đau nhức đầu do rất nhiều yếu tố gây nên trong đó có nguyên nhân do đau mỏi cổ vai gáy. Để giảm triệu chứng này, người bệnh có thể thực hiện day ấn các huyệt vị. Một trong những huyệt không nên bỏ qua khi tác động để trị bệnh đó là huyệt Kiên Tỉnh.

Tác động lên huyệt này giúp giảm được áp lực ở khu vực cổ vai gáy, nhờ đó mà những cơn đau đầu cũng được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, tình trạng co cơ bả vai, co cơ cổ hoặc ho tiêu đờm cũng sẽ giảm.

Cách thực hiện:

  • Dùng ngón tay cái hoặc là ngón tay giữa, dùng lực vừa phải ấn lên vị trí huyệt Kiên Tỉnh.
  • Chuyển động thao tác theo vòng tròn trong khoảng 30 giây đến 1 phút và sau đó làm ngược lại.
  • Thao tác này có thể thực hiện lặp đi lặp lại cho đến khi cơn đau nhức được giảm dần.

Day huyệt Kiên Tỉnh chữa tắc tia sữa

Tắc tia sữa là tình trạng thường gặp ở phụ nữ đang cho con bú. Nguyên nhân ban đầu do sữa ứ lại và gây viêm hoặc áp-xe tuyến vú, nếu không can thiệp kịp thời sẽ cứng dần và hoá mủ.

Trong Đông y, bệnh được trị liệu bằng rất nhiều biện pháp, nhưng giải pháp đơn giản nhất là thực hiện bấm huyệt, xoa bóp các huyệt vị.

Bấm huyệt Kiên Tỉnh giúp giảm tắc tia sữa nhanh chóng
Bấm huyệt Kiên Tỉnh giúp giảm tắc tia sữa nhanh chóng

Cách thực hiện như sau:

  • Để người bệnh ở tư thế nằm ngửa rồi xoa lên vùng bị đau một lớp hoạt thạch mỏng hoặc phấn rôm.
  • Dùng một tay đỡ vú, ngón giữa hoặc ngón trỏ tay kia ấn day từ đầu vú đến khối cứng và rồi lại ấn day từ khối cứng ngược trở lại đầu vú với lực vừa phải. Thực hiện động tác nhiều lần đến khi nặn đầu vú cho sữa chảy ra.
  • Tiếp tục một tay đỡ vú và dùng ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa tay kia bóp từ nhẹ đến mạnh từ gốc vú xuống tận đầu. Sau 1 thời gian sữa sẽ dần dần chảy ra, khối cứng mềm đi và tiêu dần.
  • Nếu không có hiệu quả cao, nên day ấn huyệt Kiên Tỉnh trong 2 phút sao cho đạt cảm giác tê tức là được.

Tình trạng tắc tia sữa nếu phát hiện sớm và xoa bóp tích cực mỗi ngày 2 lần thì thường có kết quả tốt. Chính vì vậy, người bệnh cần hết sức chú ý và thực hiện các thao tác day ấn đúng cách để mang lại hiệu quả nhanh chóng.

Lưu ý khi tác động lên huyệt vị

Một số lưu ý khi tác động lên huyệt Kiên Tỉnh giúp trị bệnh đạt hiệu quả cao:

  • Không thực hiện bấm huyệt khi vừa uống rượu bia, đang bị sốt hoặc mắc các bệnh có khả năng lây nhiễm.
  • Người bị giãn tĩnh mạch nên tham khảo ý kiến của bác sĩ/thầy thuốc trước khi tác động lên huyệt.
  • Không nên áp dụng các tác động huyệt trị bệnh cho phụ nữ mang thai, người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp,…
  • Để mang lại hiệu quả trị bệnh tốt nhất, nên đến những phòng khám, bệnh viện để được các bác sĩ có tay nghề thực hiện.

Trên đây là một số kiến thức về huyệt Kiên Tỉnh bạn nên tìm hiểu để áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Hi vọng bạn có thể áp dụng và điều trị bệnh mang lại hiệu nhanh chóng.

Tìm hiểu thêm:

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh