Huyệt Kỳ Môn: Vị Trí, Những Công Dụng Và Cách Tác Động

Ngày đăng: 02/06/2023 Biên tập viên: An Nguyệt

Nằm ở gần ngực, huyệt Kỳ Môn có nhiều tác dụng trong các vấn đề đau tức ngực hay viêm gan… nếu được tác động đúng cách. Vậy vị trí chính xác của huyệt đạp nằm ở đâu và cách bấm, châm cứu hỗ trợ trị bệnh như thế nào?

Tổng quan về huyệt Kỳ Môn

Theo y học cổ truyền, huyệt Kỳ Môn đã được phát hiện từ rất lâu với những công dụng tuyệt vời. Tên gọi của huyệt đạo cũng mang ý nghĩa thú vị với “kỳ” có nghĩa là chu kỳ, “môn” có nghĩa là phần cuối của chu kỳ.

Cơ thể con người có 12 kinh mạch, lưu thông bắt đầu từ Vân Môn cho tới Đại Trường, Phế, chạy qua Vị, Tỳ đến Tâm, Tiểu Trường… và dừng lại ở Kỳ Môn. Theo chu kỳ, huyệt nằm ở cuối nên được lấy tên gọi là Kỳ Môn.

Huyệt Kỳ Môn còn có tên gọi khác là Can Mộ, xuất xứ từ Thương Hàn Luận. Nằm tại vị trí số 14 thuộc kinh Can, huyệt đạo này hội với túc Thái Âm, túc Quyết Âm, Âm Duy Mạch. Kỳ Môn cũng là huyệt quan trọng ở vùng ngực.

Huyệt Kỳ Môn ở vị trí gần ngực 
Huyệt Kỳ Môn ở vị trí gần ngực

Huyệt Can Mộ nằm ở thẳng phần đầu núm vú xuống dưới 2 xương sườn, ở mé ngoài huyệt Bất Dung với khoảng cách 1.5 tấc. Tại đây, huyệt Kỳ Môn chính là giao điểm giữa đường ngang huyệt Cự Khuyết với đường thẳng đi qua đầu núm vú.

Công dụng tuyệt vời của huyệt Kỳ Môn

Theo y học cổ truyền, huyệt Kỳ Môn có nhiều tác dụng như điều hòa bán biểu bán lý, làm thanh huyết nhiệt, hóa đờm, lợi khí, làm bình can và tiêu ứ, chữa chứng ợ, nôn nước chua hoặc không ăn được. Kỳ Môn là huyệt mộ của phần gan nên khi được tác động đúng cách sẽ giúp cho gan được thông ký, hoạt động trơn tru, từ đó điều tiết hiệu quả chức năng gan.

Về mặt chủ trị, huyệt Can Mộ có những chủ trị chính sau:

  • Chủ trị chứng màng ngực bị viêm.
  • Chủ trị bệnh gan viêm, ngực đau tức.
  • Chủ trị đau dây thần kinh.
Huyệt Can Mộ có tác dụng hóa đờm, lợi khí
Huyệt Can Mộ có tác dụng hóa đờm, lợi khí

Ngoài ra, huyệt đạo này còn có thể kết hợp với các huyệt xung quanh để trị một số bệnh như:

  • Phối với huyệt Hiệp Bạch, huyệt Thiên Đột, huyệt Trung Xung, huyệt Trường Cường giúp trị hụt hơi.
  • Kết hợp với huyệt Khuyết Bồn có tác dụng khắc phục chứng tức ngực.
  • Phối huyệt Khúc Trì và huyệt Khí Hải có công dụng trị chứng thương hàn phát cuồng.
  • Phối cùng huyệt Túc Tam Lý, huyệt Hợp Cốc mang lại hiệu quả với các bệnh liên quan đến dạ dày.
  • Phối với huyệt Đàn Trung, huyệt Đại Lăng và huyệt Lao Cung giúp trị thương hàn gây đau sườn bên hông.
  • Kết hợp cùng huyệt Ôn Lưu có tác dụng trị bệnh thương hàn khiến cổ cứng.
  • Phối với huyệt Đại Đôn nhằm khắc phục sán khí và thoát vị.
  • Kết hợp cùng huyệt Tam Lý trị thương hàn gây tình trạng không tiết mồ hôi.
  • Phối cùng huyệt Thiên Dột và huyệt Gian Sử có tác dụng hiệu quả với tình trạng khan tiếng.
  • Nếu phối cùng huyệt Trung Quản và huyệt Đản Trung có tác dụng trị nấc cụt.
  • Phối với huyệt Nội Quan và huyệt Thái Xung sẽ cải thiện vùng ngực hoành đau.

Cách tác động vào huyệt Kỳ Môn chữa bệnh

Để huyệt Kỳ Môn phát huy được hiệu quả trị bệnh, y học cổ truyền sử dụng hai phương pháp tác động gồm châm cứu và bấm huyệt.

Cách bấm huyệt

Người thực hiện sẽ dùng ngón tay hoặc mu bàn tay ấn chính xác vào vị trí của huyệt. Sau đó sẽ thực hiện vuốt ấn hoặc day ngón tay qua lại theo chiều lên xuống tại vùng da xung quanh huyệt. Khi bệnh nhân có cảm giác nóng dần túc là huyệt đã được tác động đúng cách.

Bạn có thể day bấm huyệt đều đặn mỗi ngày, mỗi lần từ 3 – 5 phút để giảm triệu chứng bệnh lý.

Cách châm cứu huyệt

Châm cứu được thực hiện bằng cách xiên hoặc luồn kim bên dưới da. Độ sâu của kim châm từ 0.5 – 0.8 thốn. Ôn cứu từ 5 – 15 phút; cứu từ 3 – 7 tráng. Chú ý không châm sâu bởi ngay dưới huyệt đạo là gan, kết trường ngang và đáy dạ dày ở bên phải.

Không châm sâu vào huyệt đạo vì có thể ảnh hưởng đến gan, dạ dày
Không châm sâu vào huyệt đạo vì có thể ảnh hưởng đến gan, dạ dày

Những điều cần chú ý khi bấm huyệt, châm cứu

Xoa bóp bấm huyệt và châm cứu là phương pháp trị liệu được áp dụng từ lâu, đồng thời khá an toàn. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần chú ý những vấn đề sau để quá trình trị liệu an toàn:

  • Bấm huyệt tưởng chừng rất đơn giản và có thể thực hiện nhà, thế nhưng nó chỉ hiệu quả, an toàn khi được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn, giàu kinh nghiệm.
  • Nếu tự ý bấm huyệt tại nhà có thể xảy ra những sai sốt ngoài ý muốn gây rạn xương, tổn thương cơ và biến chứng nguy hiểm.
  • Bấm huyệt thường không ra đau đớn. Vì vậy, nếu gặp các cơn đau sau khi bấm huyệt cần trao đổi với bác sĩ trị liệu.
  • Phụ nữ mang thai cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bấm huyệt.
  • Dừng quá trình bấm huyệt và châm cứu khi cơ thể gặp các vấn đề như choáng váng, buồn nôn…
  • Nếu gặp hiện tượng chân tay co rút thì phải dừng ngay. Khi cơ thể bình thường trở lại mới tiếp tục bấm huyệt.
  • Không nên bấm huyệt khi vừa ăn quá no hoặc bụng đang đói.
  • Trước khi bấm huyệt cần giữ tinh thần thoải mái.
  • Nên đến các cơ sở uy tín để quá trình bấm huyệt, châm cứu hiệu quả nhất.
 Bệnh nhân không tự ý xoa bóp bấm huyệt hay châm cứu tại nhà
Bệnh nhân không tự ý xoa bóp bấm huyệt hay châm cứu tại nhà

Như vậy, huyệt Kỳ Môn có nhiều tác dụng quan trọng với sức khỏe con người. Nếu biết cách bấm huyệt, châm cứu và phối hợp với các huyệt đạo khác thì hiệu quả trị bệnh của Kỳ Môn rất lớn.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh