Huyệt Mệnh Môn – Cửa sinh mệnh: Bí quyết trị bách bệnh của YHCT

Ngày đăng: 25/05/2023 Biên tập viên: Trần Hoa

Huyệt Mệnh Môn là huyệt có vai trò vô cùng quan trọng trên cơ thể, được Đông y ví như “cửa ngõ sinh mệnh” của mỗi người. Vậy lý do tại sao huyệt vị này lại được đánh giá cao như vậy? Cách sử dụng huyệt để chăm sóc sức khỏe và phòng trừ bệnh tật như thế nào? Mời quý vị tham khảo thông tin chi tiết trong bài viết.

Huyệt Mệnh Môn là gì? Ý nghĩa tên gọi

Mệnh Môn là huyệt thứ 4 trên đường mạch Đốc (ký hiệu GV4), được nhắc tới lần đầu tiên trong Giáp Ất Kinh. Ngoài cái tên Mệnh Môn, huyệt còn được biết đến với một vài tên khác như Mạng Môn, Trúc Trượng, Thuộc Lũy hay Tinh Cung.

Mệnh có nghĩa là sinh mệnh, Môn là cánh cửa. Mệnh Môn nằm giữa 2 quả thận, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa những rối loạn liên quan tới Thận dương. Mà thận lại là nền móng cơ bản, là nơi khởi nguồn sự sống và sinh sản. Chính vì vậy mà Đông y đặc biệt đề cao vai trò của huyệt vị này, coi nó là cánh cửa sinh mệnh của mỗi người.

Hình ảnh huyệt Mệnh Môn.
Hình ảnh huyệt Mệnh Môn.

Mệnh Môn có 2 huyệt. Huyệt bên phải là chân Hỏa, thuộc Dương, chủ trì về sinh dục. Huyệt bên trái là chân Thủy, thuộc  Âm, kiểm soát chuyển hóa về huyết dịch trong cơ thể. Chân Thủy và chân Hỏa hòa hợp thì Thận khí sung mãn, cơ thể khỏe mạnh. Trái lại,  Âm Dương mất cân bằng sẽ sinh ra bệnh tật. Bởi vậy, chỉ cần dựa vào huyệt Mệnh Môn là có thể đoán định và điều trị rất nhiều bệnh lý trên toàn cơ thể.

Bên cạnh vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe con người, Mệnh Môn còn được xếp vào hệ thống 36 tử huyệt trên cơ thể. Tức là một huyệt nhạy cảm, nếu tác động quá mạnh có thể gây tử vong. Vì vậy, việc sử dụng huyệt Mệnh Môn cần được đặc biệt chú ý và thận trọng hơn so với các huyệt đạo thông thường.

Huyệt Mệnh Môn nằm ở đâu? Cách xác định huyệt

Huyệt Mệnh Môn nằm trên cột sống lưng, tại chỗ lõm dưới mỏm gai đốt sống thắt lưng 2, ngang lỗ rốn ở đằng trước. Giải phẫu cho thấy dưới da vùng huyệt là:

  • Cân ngực – thắt lưng của cơ lưng to, chỗ bám của cơ răng bé sau – dưới, cơ ngang gai, cơ gian gai, dây chằng trên gai, dây chằng gian gai, dây chằng vàng, ống sống.
  • Các nhánh của dây thần kinh sống đóng vai trò là dây thần kinh vận động cơ.
  • Tiết đoạn thần kinh D11 chi phối da vùng huyệt.

Cách xác định huyệt Mệnh Môn đơn giản nhất là gióng thẳng từ rốn ra sau cột sống. Điểm lõm giữa cột sống, đối diện với lỗ rốn chính là vị trí huyệt.

Vị trí huyệt theo giải phẫu
Vị trí huyệt GV4 theo giải phẫu.

Tác dụng huyệt Mệnh Môn

Mệnh Môn là huyệt có nhiều công năng hữu ích như: bổ Thận, bồi nguyên, cố tinh, chỉ trệ, hòa huyết, thư cân, sơ kinh, điều khí, thông lợi vùng lưng và cột sống. Trong chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh tật, huyệt phát huy các tác dụng chủ yếu sau:

  • Dưỡng Thận: Mệnh Môn được coi là nơi dương khí của Thận tụ hội. Tác động lên huyệt này giúp làm ấm thận, kích thích thận hoạt động mạnh mẽ và hiệu quả. Nhờ đó, tăng cường sức mạnh cho cơ thể, cải thiện tốt các bệnh lý do thận yếu gây ra như mộng tinh, đau mỏi thắt lưng…
  • Giảm đau, an thần: Bấm huyệt tác dụng giảm đau đầu, an thần hiệu quả. Các trường hợp thường xuyên đau nhức cơ thể, mất ngủ do bệnh lý hay trẻ quấy khóc đêm có thể bấm Mệnh Môn để cải thiện.
  • Trị bệnh đường sinh dục: Mệnh Môn được coi là điểm kết nối giữa hai huyệt Thận du, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa chức năng tình dục. Tác động lên huyệt này giúp tăng cường ham muốn tình dục, rất có ích trong việc điều trị các bệnh liệt dương, yếu dương, xuất tinh sớm, bệnh lậu, lãnh cảm…
  • Trị đau lưng, đau cột sống: day ấn huyệt Mạng Môn giúp tăng cường chức năng cho tạng thận và điều hòa lưu thông khí huyết trong cơ thể. Vì vậy mà điều trị hiệu quả các bệnh lý xương khớp như đau cột sống, đau lưng, loãng xương…
  • Trị bệnh về bài tiết: chức năng bài tiết có liên quan mật thiết với hoạt động của Thận. Bởi vậy, Mệnh Môn cũng thường xuyên được sử dụng trong điều trị các hội chứng rối loạn bài tiết như tiểu đêm, tiểu dầm…
  • Trị bệnh do lạnh gây ra: Mệnh Môn còn có khả năng điều trị chứng dương suy, tức là bệnh do dương khí bất túc, các cơ quan trong cơ thể bị nhiễm lạnh mà ra. Nếu có các biểu hiện của dương suy như yếu sức, thường xuyên mệt mỏi, hụt hơi, sắc mặt xanh sao, tay chân lạnh… Nên day ấn huyệt Mệnh Môn đều đặn mỗi ngày để tăng cường khí dương và nâng cao sức khỏe cho cơ thể.
Huyệt Mạng Môn có mối quan hệ mật thiết với thận, có khả năng dưỡng thận, điều trị tốt các bệnh lý do thận hư, thận yếu gây ra
Huyệt Mạng Môn có mối quan hệ mật thiết với thận, có khả năng dưỡng thận, điều trị tốt các bệnh lý do thận hư, thận yếu gây ra.

Cách phối huyệt Mệnh Môn trị bệnh

Sử dụng duy nhất huyệt Mệnh Môn đã có thể đem tới rất nhiều hiệu quả tích cực trong việc chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Tuy nhiên, YHCT còn thường xuyên vận dụng kết hợp các huyệt vị để nâng cao công hiệu và rút ngắn thời gian trị bệnh.

Đối với huyệt Mạng Môn, các tài liệu Y thư cổ ghi chép lại cách phối huyệt trị bệnh như sau:

  • Phối huyệt Thận Du trị tiểu nhiều, tiểu không tự chủ (theo Ngọc Long Ca)
  • Phối cứu Bá Hội, Quan Nguyên, Trung Liêu và Tam Âm Giao trị di tinh, tiểu dầm (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Bàng Quang Du, Thận Du và Thủy Đạo trị Thận viêm (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Cách Du, Đại Chùy, Khúc Trì và Túc Tam Lý trị thiếu máu do thiếu chất sắt (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Thận Du trị lưng đau cho người lớn tuổi (theo Châm Cứu Tập Thành)
  • Phối huyệt Thân Du, Khí Hải và Nhiên Cốc trị liệt dương (theo Loại Kinh Đồ Dực)
  • Phối huyệt Khí Hải, Quan Nguyên và Thiên Xu trị Thận tả (theo Thần Cứu Kinh Luân)
  • Phối cứu Quan Nguyên trị tiêu chảy do Thận, Tỳ bất túc (theo Thần Cứu Kinh Luân)
  • Phối huyệt Thần Khuyết và Trung Cực đều cứu 7 tráng trị bạch đới (theo La Di Biên)
Có thể phối hợp Mệnh Môn cùng các huyệt vị tương hợp để nâng cao hiệu quả trị bệnh
Có thể phối Mệnh Môn cùng các huyệt vị tương hợp để nâng cao hiệu quả trị bệnh.

Cách sử dụng huyệt Mệnh Môn

Để dùng huyệt Mệnh Môn dưỡng Thận và phòng trừ bệnh tật, châm cứu và bấm huyệt là 2 phương pháp thông dụng nhất. Ngoài ra, còn có 1 phương pháp ít phổ biến hơn nhưng cũng đem lại những lợi ích sức khỏe vô cùng tích cực là thở thiền ở Mệnh Môn.

Châm cứu

Châm cứu thực chất là sự kết hợp của hai phương pháp tác động lên huyệt bao gồm Châm (dùng kim châm qua da) và Cứu (hơ huyệt bằng ngải cứu nóng). Phương pháp châm cứu Mệnh Môn đúng cách như sau:

  • Châm kim chếch lên, luồn dưới mỏm gai, hướng vào khoảng gian đốt sống 2 và 3, sâu từ 0,3-0,5 thốn.
  • Cứu trong 5-10 phút.

Châm cứu là kỹ thuật phức tạp. Vì vậy nếu có nhu cầu trị liệu, quý vị nên tìm tới các cơ sở YHCT uy tín để được châm cứu bởi các bác sĩ Đông y có chuyên môn và kinh nghiệm.

Bấm huyệt

So với châm cứu thì bấm huyệt là phương pháp tác động huyệt đơn giản hơn. Phương pháp này phù hợp với đại chúng, có thể áp dụng ngay tại nhà để phòng ngừa và hỗ trợ trị bệnh. Cách day ấn huyệt Mệnh Môn như sau:

  • Dùng ngón cái hoặc ngón trỏ ấn lên vị trí huyệt Mệnh Môn với lực vừa phải rồi day huyệt 9 lần theo chiều kim đồng hồ và 9 lần theo chiều ngược lại. Có thể lặp đi lặp lại thao tác này khoảng 4 lần để cải thiện các vấn đề ở lưng và đầu gối.
  • Vì Mệnh Môn là tử huyệt nên cần đặc biệt thận trọng khi tác động. Bấm huyệt này quá mạnh có thể dẫn tới phá khí cơ và gây liệt nửa người.
Dùng lòng bàn tay xoa vùng huyệt cho nóng lên để giúp làm ấm Thận và đả thông Đốc Mạch
Dùng lòng bàn tay xoa vùng huyệt Mạng Môn cho nóng lên để giúp làm ấm Thận và đả thông Đốc Mạch.

Ngoài phương pháp day ấn, còn có thể tác động lên huyệt bằng cách xoa bóp. Dùng lòng bàn tay xoa Mệnh Môn đồng thời cũng sẽ tác động lên huyệt Lao Cung (huyệt Hỏa) trong lòng bàn tay, làm tăng yếu tố hỏa của Mệnh Môn nên giúp nâng cao được công hiệu của huyệt.

Chỉ cần xoa huyệt Mệnh Môn khoảng 10 phút để làm nóng vùng huyệt sẽ giúp làm ấm Thận và đả thông Đốc Mạch, giúp cải thiện tình trạng tiểu gấp, tiểu nhiều, suy giảm chức năng sinh lý ở nam giới… Thao tác này có thể được thực hiện trước khi bấm huyệt để nâng cao hiệu quả tác động tổng thể.

Tập thở thiền ở huyệt Mệnh Môn

Thở thiền ở huyệt Mệnh Môn là một cách thở Đan Điền (thuộc Khí Công Y Đạo của YHCT – phương pháp chữa bệnh tổng hợp kết hợp giữa điều chỉnh ăn uống, tập luyện cơ thể và tập thở thiền). Thở Đan Điền giúp điều chỉnh dòng chảy năng lượng trong cơ thể, làm cho khí huyết vận hành thông suốt, âm dương cân bằng. Từ đó bảo vệ sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật và kéo dài tuổi thọ.

Thở thiền ở Mệnh Môn đem lại những lợi ích sức khỏe không thua kém gì các cách tác động huyệt bằng kích thích vật lý trực tiếp. Các chứng bệnh mà Mệnh Môn chủ trị như tiểu nhiều, tiểu đêm, mất ngủ, suy thận, yếu sinh lý, huyết áp cao… đều có thể chữa trị được bằng phương pháp tập thở này.

Thở thiền ở Mệnh Môn là phương pháp dùng hơi thở và tinh thần để dẫn dắt dòng chảy năng lượng bên trong cơ thể
Thở thiền ở Mệnh Môn là phương pháp dùng hơi thở và tinh thần để dẫn dắt dòng chảy năng lượng bên trong cơ thể.

Thở thiền Mệnh Môn dựa trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa việc điều thân và điều ý, dùng hơi thở và tinh thần để dẫn dắt năng lượng. Vì vậy, bên cạnh việc cải thiện sức khỏe, phương pháp này còn giúp người tập luyện duy trì một tinh thần minh mẫn và thông tuệ.

Lưu ý khi tác động lên huyệt Mạng Môn

Tác động lên huyệt Mệnh Môn bằng xoa bóp hay bấm huyệt là phương pháp tương đối an toàn, ít gây tác dụng phụ. Tuy nhiên để đạt được điều này, ngoài việc xác định đúng vị trí huyệt và thực hiện châm cứu, bấm huyệt đúng phương pháp bệnh nhân cần tuân thủ một số lưu ý quan trọng sau:

  • Xác định và day bấm huyệt Mạng Môn ở tư thế nằm sấp là tốt nhất vì khi huyệt hướng lên trên sẽ hấp thụ được nhiều dương khí hơn.
  • Chú ý sát khuẩn tay, da vùng huyệt và kim châm trước khi châm cứu, bấm huyệt để phòng tránh nguy cơ bội nhiễm.
  • Nên kiên trì bấm huyệt 2 lần mỗi ngày vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ để đạt được hiệu quả tốt nhất.
  • Không tác động lên huyệt trong các trường hợp bất lợi sau: da vùng huyệt đang có vết thương hoặc bị viêm nhiễm, bụng đang quá đói hoặc quá no, sau khi sử dụng thực phẩm có chứa chất kích thích.
  • Các bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng, bệnh ngoại khoa, bị chấn thương xương khớp hay người đang mang thai không nên trị bệnh bằng châm cứu, bấm huyệt.

Huyệt Mệnh Môn là huyệt có nhiều ứng dụng trong chăm sóc sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật, đồng thời cũng là vị trí huyệt có khả năng đe dọa tính mạng con người. Bởi vậy, để đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất khi sử dụng huyệt này, quý vị nên tìm tới các cơ sở YHCT uy tín để được các bác sĩ Đông y có chuyên môn kinh nghiệm trực tiếp thăm khám và trị liệu.

Xem thêm: 

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh