Huyệt Nội Quan: Huyệt tay đặc trị đau dạ dày, xuất tinh sớm

Ngày đăng: 25/05/2023 Biên tập viên: Trần Hoa

Huyệt Nội Quan nằm trên cổ tay, có công dụng nổi bật là định tâm, an thần. Huyệt chủ trị các bệnh ở Tâm, ngực, Vị; được đánh giá cao về hiệu quả điều trị bệnh đau dạ dày và xuất tinh sớm. Mời quý vị cùng tìm hiểu chi tiết về vị trí, công dụng và cách dùng huyệt Nội Quan trong bài viết dưới đây.

Huyệt Nội Quan là gì? Ý nghĩa tên gọi

Nội Quan thuộc 1 trong số 108 đại huyệt trên cơ thể, có xuất xứ từ thiên Kinh Mạch (thiên 10 sách Linh Khu). Huyệt nằm ở khe mạch trên tay, là nơi thần khí lưu chuyển ra vào (Quan – cửa ải), lại chuyên trị các bệnh về ở Tâm, ngực, Vị (Nội- bên trong) nên được gọi là huyệt Nội Quan.

Huyệt Nội Quan ở cổ tay là huyệt vị thứ 6 trên đường kinh Thủ Quyết  âm Tâm Bào, nổi bật với các đặc tính sau:

  • Là huyệt Giao hội với mạch  Âm Duy.
  • Là huyệt Lạc.
  • Nằm trong số Lục tổng huyệt (6 huyệt điều trị bệnh cho các vùng khác nhau trên cơ thể, bao gồm Hợp Cốc, Liệt Khuyết, Nội Quan, Ủy Trung, Túc Tam Lý, Tam Âm Giao) với vai trò là huyệt trị bệnh vùng ngực.
Bấm huyệt chống say xe - huyệt Nội quan
Bấm huyệt chống say xe – huyệt Nội quan

Ngoài khả năng cải thiện các bệnh ở Tâm, ngực, vị như đau ngực, đau tim, khó thở, bấm huyệt trị đau dạ dày… Ở phạm vị toàn thân, Nội Quan còn khắc phục tốt nhiều bệnh lý khác như đau hông sườn, hội chứng cổ tay, viêm khớp, xuất tinh sớm…

Vị trí huyệt Nội Quan và cách xác định huyệt

Để có thể dùng huyệt an toàn và hiệu quả thì xác định vị trí huyệt là bước quan trọng trước tiên. Vậy vị trí chính xác của huyệt Nội Quan nằm ở đâu? Đó là ở mặt trước cổ tay, giữa gân cơ gan tay bé và lớn, cách nếp lằn chỉ cổ tay 2 thốn.

Theo Giải Phẫu:

  • Dưới lớp da vùng huyệt là khe giữa gân cơ gan tay bé, gân cơ gan tay lớn, gân cơ gấp dài ngón tay cái, gân cơ gấp chung ngón tay nông và sâu, cơ sấp vuông, màng gian cốt trụ và quay.
  • Các nhánh của dây thần kinh giữa và các nhánh của dây thần kinh trụ đóng vai trò là dây thần kinh vận động cơ.
  • Da vùng huyệt do tiết đoạn thần kinh D1 hoặc C6 chi phối.
Cách xác định vị trí Nội Quan rất đơn giản
Cách xác định vị trí Nội Quan rất đơn giản.

Cách xác định huyệt Nội Quan rất đơn giản như sau: bệnh nhân ngửa tay ra, dùng 3 ngón giữa của bàn tay đối diện áp lên cổ tay sao cho ngón áp út nằm sát đường chỉ cổ tay. Lúc này, điểm nằm sát ngón trỏ, giữa hai đường gân cơ gan tay chính là vị trí huyệt Nội Quan.

Huyệt Nội Quan có tác dụng gì?

Các tác dụng nổi bật của huyệt Nội Quan là định tâm, an thần, thanh Tâm bào, lý khí và trấn thống. Huyệt phát huy hiệu quả cao trong điều trị các bệnh lý sau đây:

  • Các bệnh vùng ngực: tác động lên Nội Quan giúp cơ thể thư giãn, giải phóng lồng ngực; điều trị tốt các trường hợp hồi hộp, khó thở, đau tim, đau ngực, hen phế quản… Đặc biệt hữu ích khi sử dụng để cấp cứu ban đầu, giúp người bệnh vượt qua cơn nguy kịch.
  • Bệnh dạ dày: huyệt PC6 có mối quan hệ với Vị nên giúp cải thiện các triệu chứng buồn nôn, trào ngược dạ dày, đau dạ dày hiệu quả.
  • Mất ngủ, động kinh: Với công dụng định tâm, an thần, kích thích lên huyệt Nội quan là cách rất đơn giản để giải tỏa áp lực và điều hòa các sóng thần kinh, giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và điều trị động kinh hiệu quả.
  • Ngoài ra, Nội Quan còn phát huy công dụng tốt trong điều trị xuất tinh sớm, hội chứng cổ tay, đau hông sườn, say tàu xe…

Hai phương pháp cơ bản để kích thích lên huyệt Nội Quan là liệu pháp châm cứu và bấm huyệt. Dựa trên tình trạng bệnh mà người thầy thuốc sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất với từng bệnh nhân.

Bấm huyệt Nội Quan
Bấm huyệt Nội Quan.

Cách châm cứu Nội Quan: châm đứng kim, sâu 0,5 – 0,8 thốn. Cứu từ 3-5 tráng, ôn cứu trong 5-10 phút.

  • Châm mũi kim hướng lên khi trị bệnh đau ở phần trên.
  • Châm mũi kim hướng xuống 1 bên tay quay khi trị các ngón tay tê dại.
  • Có thể châm xiên sang huyệt Ngoại Quan khi trị mất ngủ và suy nhược thần kinh.

Cách bấm huyệt: dùng ngón tay cái ấn vào vị trí huyệt, tác động lực mạnh dần tới mức có thể chịu đựng được, sau đó giữ huyệt từ 1-3 phút.

Cách phối huyệt Nội Quan chữa bệnh

Khi dụng huyệt chữa bệnh, YHCT thường kết hợp các huyệt với nhau nhằm mục đích nâng cao hiệu quả điều trị. Việc phối huyệt cần được thực hiện thận trọng dựa trên cơ sở thông hiểu về huyệt vị nhằm tránh trường hợp kết hợp huyệt tương khắc, không những không có lợi mà còn gây hại cho sức khỏe.

Huyệt Nội Quan trên đường kinh Tâm bào
Vị trí huyệt Nội Quan trên đường kinh Tâm bào.

Cách phối huyệt Nội Quan trị bệnh được ghi chép lại trong các tài liệu Y thư cổ như sau:

  • Phối huyệt Tâm Du và Thần Môn trị hồi hộp (theo Châm Cứu Đại Thành)
  • Phối huyệt Tâm Du,  m Khích và Thông Lý trị Tâm hư yếu, hồi hộp, lo sợ (theo Châm Cứu Đại Thành)
  • Phối huyệt Túc Tam Lý và Ngư Tế trị ăn không xuống (theo Châm Cứu Đại Thành)
  • Phối huyệt Túc Tam Lý và Trung Quản trị bụng đau (theo Châm Cứu Đại Thành)
  • Phối huyệt Cách Du trị ngực đầy tức (theo Châm Cứu Đại Thành)
  • Phối huyệt Hợp Cốc, Dũng Tuyền, Đại Lăng, Thập Tuyên và Tứ Hoa trị ngũ tâm phiền nhiệt (theo Châm Cứu Đại Thành)
  • Phối huyệt Hợp Cốc, Khúc Trì, Khúc Trạch, Liệt Khuyết, Ngư Tế, Phế Du và Thần Môn trị phong độc ẩn chẩn (mề đay) (theo Châm Cứu Đại Thành)
  • Phối huyệt Bá Hội và Thần Môn trị Tâm hư, kinh sợ, tâm thần không yên (theo Châm Cứu Đại Toàn)
  • Phối huyệt Tâm Du,  Âm Khích và Thông Lý trị các chứng hư của tim, tim hồi hộp, hay sợ (theo Châm Cứu Đại Toàn)
  • Phối huyệt Cách Du, Can Du, Thừa Sơn và Trường Cường trị đi tiêu ra máu không cầm, tạng độc (theo Châm Cứu Đại Toàn)
  • Phối huyệt Công Tôn trị bụng đau (theo Tịch Hoằng Phú)
  • Phối huyệt Chiếu Hải trị bụng đau do kết tụ (theo Ngọc Long Kinh)
  • Phối huyệt Kiến Lý trị bồn chồn trong ngực (theo Tịch Hoằng Phú)
  • Phối huyệt Cao hoang, Dịch Môn, Thần Môn và Giải Khê trị tim hồi hộp, hay quên, mất ngủ (theo Thần Cứu Kinh Luân)
  • Phối huyệt Thiên Đột trị nấc (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Túc Tam Lý trị đau dạ dày (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Công Tôn trị đau dạ dày (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Gian Sử và Thiếu Phủ trị thấp tim (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Gian Sử và Túc Tam Lý trị tim quặn đau (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Dũng Tuyền và Túc Tam Lý trị hôn mê do trúng độc (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Tố Liêu trị huyết áp thấp (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Nội Đình, Trung Quản, Tam  Âm Giao và Túc Tam Lý trị ợ hơi (theo Trung Hoa Châm Cứu Học)
  • Phối huyệt Phong Trì trị nôn mửa (theo Châm Cứu Học Thủ Sách)
  • Phối huyệt Cách Du, Cự Khuyết và Túc Tam Lý trị nấc (theo Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học)

Cách bấm huyệt Nội Quan phòng và trị bệnh

Tác động lên huyệt Nội quan bằng bấm huyệt là phương pháp tương đối đơn giản và an toàn. Các bệnh nhân có thể áp dụng ngay tại nhà để khắc phục bệnh khi mới chớm hoặc hỗ trợ cải thiện triệu chứng bên cạnh việc sử dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu của Đông y hoặc Tây y.

Nội quan có khả năng điều trị nhiều bệnh lý. Dưới đây là hướng dẫn cách day bấm huyệt để trị một số bệnh tiêu biểu nhất.

Bấm Nội Quan trị đau dạ dày

Đau dạ dày là bệnh đường tiêu hóa phổ biến, không chỉ gây ra nhiều phiền toái trong đời sống hàng ngày mà còn có thể tiến triển thành những biến chứng vô cùng nguy hiểm…

Day ấn huyệt PC6 là phương pháp rất đơn giản để cắt cơn đau dạ dày và hỗ trợ hoạt động tiêu hóa diễn ra hiệu quả
Bấm huyệt PC6 là phương pháp rất đơn giản để cắt cơn đau dạ dày và hỗ trợ hoạt động tiêu hóa diễn ra hiệu quả.

Bấm huyệt Nội Quan là phương pháp rất hiệu quả để hỗ trợ giảm đau và cải thiện hoạt động của hệ tiêu hóa. Từ đó giúp cho quá trình điều trị bệnh dạ dày nhanh chóng đạt được những kết quả khả quan. Cách bấm huyệt Nội Quan chữa đau dạ dày được thực hiện như sau:

  • Xác định huyệt Nội Quan theo hướng dẫn phía trên.
  • Dùng ngón tay cái ấn lên huyệt với lực mạnh dần cho tới khi có cảm giác tê tức tại chỗ thì dừng lại.
  • Giữ huyệt hoặc có thể day huyệt ngược chiều kim đồng hồ trong vòng 1-3 phút, sau đó đổi tay và thực hiện tương tự.
  • Nên ấn huyệt đều đặn từ 1-2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối hoặc khi cơn đau xuất hiện.

Sau khi bấm huyệt, có thể sẽ xuất hiện cảm giác tê ngứa ở tay và cảm giác nóng lan tỏa trong cơ thể. Đây là hiện tượng bình thường và sẽ mất đi nhanh chóng nên người bệnh không cần lo lắng.

Bấm huyệt trị xuất tinh sớm

Với các trường hợp yếu thận, xuất tinh sớm; day ấn Nội Quan huyệt thường xuyên sẽ đem lại những hiệu quả cải thiện vô cùng tích cực.

Bệnh nhân chỉ cần duy trì bấm huyệt từ 1-2 lần mỗi ngày, mỗi lần bấm khoảng 100 cái (mỗi bên tay) là có thể cải thiện tình trạng xuất tinh sớm. Lưu ý là nên thực hiện liên tục trong ít nhất 10 ngày hoặc nhiều hơn trong trường hợp bệnh đã nặng mới có thể đạt được kết quả tốt.

Ngoài ra, ngay trong quá trình quan hệ cũng có thể day ấn huyệt Nội Quan để phòng tránh tình trạng xuất tinh sớm xảy ra làm ảnh hưởng tới chất lượng sinh hoạt tình dục.

Day huyệt Nội quan chống say xe

Say tàu xe là tình trạng không hiếm gặp, thường biểu hiện với các triệu chứng choáng váng, nhức đầu, buồn nôn, nôn ói; gây ra rất nhiều mệt mỏi cho người mắc phải. Với các trường hợp này, chỉ cần day huyệt Nội Quan và Hợp Cốc sẽ giúp tạng phủ thông suốt, âm dương cần bằng, nhờ đó làm giảm nhanh các triệu chứng khó chịu cho người bệnh. Bấm huyệt chống say xe này được đánh giá an toàn, hiệu quả.

Day Nội Quan và Hợp Cốc để phòng chống say xe
Day Nội Quan và Hợp Cốc để phòng chống say xe.

Hướng dẫn bấm huyệt:

  • Dùng ngón tay cái ấn và day huyệt Nội Quan theo chuyển động tròn trong khoảng 2- 3 phút, tới khi cánh tay và bàn tay có cảm giác tê là đã đạt hiệu quả.
  • Sau đó, tiếp tục dùng ngón cái day nhẹ huyệt Hợp Cốc tới khi lòng bàn tay ra mồ hôi. (huyệt Hợp Cốc nằm trên mu bàn tay, tại điểm cao nhất của vùng cơ bắp ngón trỏ và ngón cái khi khép 2 ngón tay này lại).

Lưu ý an toàn khi bấm huyệt PC6

Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi bấm huyệt, các chuyên gia lưu ý tới người bệnh một số vấn đề sau khi dùng huyệt Nội Quan tại nhà:

  • Không day ấn huyệt Nội Quan chữa bệnh cho người có thể trạng yếu, phụ nữ có thai hay các bệnh nhân bị chảy máu dạ dày, viêm ruột thừa.
  • Trước khi bấm huyệt cần cắt gọn móng tay và rửa sạch tay để phòng tránh nguy cơ bội nhiễm. Đồng thời tuyệt đối không day ấn nếu da vùng huyệt đang có vết thương hoặc bị sưng viêm.
  • Thời điểm tốt nhất để bấm huyệt là vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Tránh bấm huyệt sau khi ăn no, khi bụng đang đói hoặc sau khi sử dụng rượu bia.
  • Day ấn huyệt cần đủ mạnh để phát huy tác dụng chữa bệnh nhưng cũng cần tránh quá mạnh sẽ làm bầm tím da và gây tổn thương cho hệ thống gân, cơ, mạch máu.
  • Bấm huyệt là phương pháp tác động ngoài da, chỉ cho hiệu quả hạn chế. Các trường hợp bệnh nặng không nên phụ thuộc mà cần tìm kiếm các phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Nội Quan là một trong số những huyệt tay phát huy nhiều công dụng hữu ích trong chăm sóc sức khỏe con người. Day ấn huyệt Nội Quan tại nhà không khó. Tuy nhiên, lời khuyên cho quý vị là hãy tìm tới các cơ sở YHCT uy tín để việc dùng huyệt chữa bệnh đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả tốt nhất.

Xem thêm: 

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh