Huyệt Phục Lưu: Vị trí, tác dụng và cách tác động huyệt trị bệnh

Ngày đăng: 02/06/2023 Biên tập viên: Nguyễn Trang

Huyệt Phục Lưu là huyệt nằm ở chân và thuộc top 200 huyệt vị quan trọng nhất của cơ thể. Để hiểu rõ hơn về đặc điểm và tác dụng của huyệt này, bạn đọc tham khảo ngay bài viết dưới đây.

Tên gọi và đặc tính huyệt vị 

Tên gọi: Phục Lưu

Giải nghĩa: Theo Trung Y Cương Mục, mạch khí của kinh Thận khi đến huyệt Thái Khê thì đi thẳng lên rồi quay trở về vị trí phía sau mắt cá chân trong khoảng 2 thốn và lưu ở đấy nên gọi là Phục Lưu.

Tên gọi khác: Ngoại Du, Ngoại Mệnh, Ngoại Mạng, Phục Bạch, Xương Dương.

Xuất xứ: Thiên ‘Bản Du’ (LK2).

Đặc tính: 

  • Phục Lưu là huyệt thứ 7 của kinh Thận.
  • Huyệt Kinh, thuộc hành Kim, huyệt Bổ  của kinh Thận.

Vị trí huyệt Phục lưu nằm ở đâu?

Vị trí: Nằm ở trên mắt cá trong chân 2 tấc (Giáp ất, Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Cách xác định huyệt Phục lưu: Huyệt nằm ở vị trí giữa mắt cá chân trong và gân gót, trong khe của mặt trước gân gót chân và cơ gấp dài riêng ngón cái. Khi đo thẳng từ huyệt Thái Khê lên 2 thốn sẽ là vị trí Phục Lưu.

Hình ảnh huyệt Phục Lưu
Hình ảnh huyệt Phục Lưu

Giải phẫu:

  • Dưới da tại vị trí huyệt là khe giữa bờ trên gót chân, mặt sau cơ gấp dài ngón chân cái và mặt sau đầu dưới xương chày.
  • Thần kinh vận động cơ của huyệt là các nhánh của dây thần kinh chày sau.
  • Da vùng huyệt bị chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L4.

Tác dụng huyệt đối với sức khỏe

Tác dụng huyệt:

  • Tại chỗ: Trị bại liệt, tai biến, teo cơ, lạnh cẳng chân, cẳng tay.
  • Theo kinh: Trị đái rắt, lưỡi khô và mồm khô.
  • Toàn thân: Trị sôi bụng, phù thũng, ra mồ hôi trộm, bị cảm không có mồ hôi và mạch yếu nhỏ.

Một số công dụng của huyệt Phục Lưu thường được áp dụng trong việc bảo vệ sức khỏe hàng ngày.

Điều trị teo cơ, liệt cơ chân

Đây là tình trạng cơ khớp ở chân bị tác động bởi một số nguyên nhân nào đó dẫn đến suy giảm chức năng vận động.

Người bệnh không điều trị dứt điểm các cơ khớp ở vị trí này sẽ bị suy giảm khối lượng kèm theo yếu cơ. Lâu ngày dẫn đến hiện tượng hao mòn cơ bắp và gặp phải tình trạng bại liệt do thiếu hoạt động thể chất và khả năng vận động.

Chính vì vậy, để ngăn ngừa tình trạng này, người bệnh có thể tác động đến huyệt Phục Lưu và các huyệt vị vùng chân để nhanh chóng hồi phục khả năng vận động.

Điều trị lạnh tay chân

Lạnh các chi có biểu hiện co thắt từng cơn các mạch máu ở ngón tay hay ngón chân và có tính kịch phát. Lúc khởi phát thường phát triển từ từ, chỉ xảy ra trong mùa lạnh khi ngâm tay, chân trong nước lạnh.

Khi đó các ngón tay ngón chân trắng bệch sau có màu tím tái và có cảm giác lạnh, tê. Sau đó, từ màu tím tái tan đi thay bằng màu đỏ tím, có cảm giác phỏng và đau nhức mất cảm giác.

Để giảm triệu chứng lạnh chân bạn có thể tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng lên khu vực huyệt Phục Lưu và bàn chân sẽ có hiệu quả.

Giảm phù nề chân

Phù nề chân là tình trạng sưng do lượng dịch bên trong cơ thể bị dư thừa và mắc kẹt giữa các mô. Lượng dịch này là kết quả của các mao mạch bị tổn thương, gây rò rỉ và giải phóng dịch thừa ra các mô xung quanh – khoảng giữa các tế bào. Tình trạng này nếu không điều trị kịp thời sẽ khiến việc di chuyển gặp nhiều khó khăn.

Cách giảm phù nề chân hiệu quả nhất đó là thực hiện xoa bóp vùng chân, trong đó có huyệt Phục Lưu hàng ngày bằng tinh dầu, thảo dược hoặc thuốc cao chuyên dụng.

Có thể tác động lên huyệt Phục Lưu để giảm phù nề, sung đau chân
Có thể tác động lên huyệt Phục Lưu để giảm phù nề, sung đau chân

Chữa chướng bụng đầy hơi

Chứng bụng, đầy hơi, khó tiêu thường phát sinh do khí và huyết trong vị quả bị ứ trệ. Nếu chúng không được giải phóng kịp thời sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, không làm việc và sinh hoạt bình thường được. Tình trạng này kéo dài lâu ngày có thể để lại một số ảnh hưởng tiêu cực đến dạ dày và hệ tiêu hóa như đau dạ dày, trào ngược dạ dày,…

Cách điều trị tình trạng này là bấm các huyệt như Tam Túc Lý, Công Tôn, Thái Xung, Tam Âm Giao, Trung Quản, Phục Lưu, Phong Long, Hạ Quản,…

Cách phối huyệt Phục Lưu với các huyệt khác trong trị bệnh

Theo nghiên cứu của các loại sách y học cổ truyền, huyệt Phục Lưu có thể kết hợp với các huyệt dưới đây để điều trị bệnh lý cho con người:

  • Phối với huyệt Phong Long (Vi.40) để trị chứng tay chân phù (Giáp Ất Kinh).
  • Phối kết hợp huyệt Đại Đô (Ty.2), Phong Long (Vi.40) để trị tay chân sưng (Thiên Kim Phương).
  • Phối cùng huyệt Nhiên Cốc (Th.2), Thái Xung (C.3) và Trung Phong (C.5) trị chứng mồ hôi trộm (Thiên Kim Phương).
  • Phối với huyệt Thần Khuyết (Nh.8) để trị trúng thủy và khí trướng đầy (Tư Sinh Kinh).
  • Phối cùng huyệt Lao Cung (Tb.8) để trị tình trạng hay tức giận (Tư Sinh Kinh).
  • Phối huyệt Bộc Tham (Bq.61), Hoàn Cốt (Đ.12), Phi Dương (Bq.58), Túc Tam Lý (Vi.36) và Xung Dương (Vi.42) để trị chân teo hoặc chân tê rớt giày dép không biết (Tư Sinh Kinh).
  • Phối với huyệt Hội Dương (Bq.35) và huyệt Thái Xung (C.3) trị tiểu ra máu (Tư Sinh Kinh).
  • Phối cùng huyệt Thái Xung (C.3) trị chứng sữa khó ra ở phụ nữ mới sinh (Châm Cứu Tụ Anh).
  • Phối với huyệt Tả Phục Lưu, Bá Lao, bổ Hợp Cốc (Đtr.4) cùng tả Nội Đình (Vi.44) trị thương hàn nhưng không có mồ hôi (Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối cùng huyệt Hợp Cốc (Đtr.4), huyệt Khúc Trì (Đtr.11) và huyệt Nhân Trung (Đc.26) trị thương hàn gây ra tình trạng co cứng, bất tỉnh (Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối với huyệt Lệ Đoài (Vi.45), Thân Mạch (Bq.62) trị tình trạng chân lạnh (Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối với huyệt Hội Dương (Bq.35) và Thúc Cốt (Bq.65) trị tình trạng tích tụ ở ruột (Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối cùng huyệt Cách Du (Bq.17), Gian Sử (Tb.5), Hành Gian (C.3), Thận Du (Bq.23), Túc Tam Lý (Vi.36) và Tỳ Du (Bq.20) trị chứng huyết cổ (Loại Kinh Đồ Dực).
  • Phối với huyệt Liệt Khuyết (P.7) và huyệt Phong Long (Vi.40) trị tay chân phù nề (Thần ứng Kinh).
  • Phối với huyệt Hành Gian (C.2), Tam Âm Giao (Ty.6) và Túc Tam Lý (Vi.36) trị tình trạng chân không đi được (Châm Cứu Phùng Nguyên).
  • Phối với huyệt Ẩn Bạch (Ty.1), Hạ Liêu (Bq.34), Hội Dương (Bq.35), Lao Cung (Tb.8), Thái Bạch (Ty.3), Thái Xung (C.3), Thừa Sơn (Bq.57) và Trường Cường (Đc.1) trị chứng đại tiện ra máu (Thần Cứu Kinh Luân).
  • Phối cùng huyệt Cao Hoang (Bq.43) và Đại Chùy (Đc.14) trị mồ hôi tự ra hay còn gọi là tự hãn (Thần Cứu Kinh Luân).
  • Phối với huyệt Phế Du (Bq.23) và Y Hy (Bq.45) trị mồ hôi trộm hay còn gọi là đạo hãn (Thần Cứu Kinh Luân).
  • Phối với huyệt Ế Minh Thận Du (Bq.23), Thủy Phân (Nh.9), Trúc Tân (Th.9) và Túc Tam Lý (Vi.36) trị bệnh gan bị xơ cứng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Ế Phong (Ttu.17), Thận Du (Bq.23) và Túc Tam Lý (Vi.36) trị tình trạng cổ trướng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Liệt Khuyết (P.7), Quan Nguyên (Nh.4), Thận Du (Bq.23), Thiên Xu (Vi.25), Thủy Phân (Nh.9), Túc Tam Lý (Vi.36) và Tỳ Du (Bq.20) trị chứng phù thũng (Phù thũng Bệnh Trung Y Giản Dị Phương Tuyển).
Khi kết hợp huyệt với các huyệt vị lân cận có thể điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau
Khi kết hợp huyệt với các huyệt vị lân cận có thể điều trị nhiều chứng bệnh khác nhau

Khi kết hợp Huyệt Phục Lưu với các huyệt vị khác nhau sẽ có tác dụng để điều trị bệnh lý riêng. Chính vì vậy, cần áp dụng đúng cách thì mới mang lại hiệu quả điều trị cao và tránh biến chứng có thể xảy ra.

Hướng dẫn cách châm cứu, bấm huyệt Phục Lưu  

Bấm huyệt và châm cứu là 2 cách tác động lên huyệt để giảm triệu chứng các bệnh lý rất hiệu quả. Vì vậy, bạn có thể tác động lên huyệt Phục Lưu theo cách sau:

Cách bấm huyệt

Bấm huyệt là cách dùng đầu ngón tay tác động lên vị trí huyệt để điều hòa khí trễ, giảm triệu chứng bệnh và làm cho cơ thể khỏe mạnh hơn.

Cách thực hiện:

  • Đầu tiên, người bệnh cần ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái nhất.
  • Sau đó người thực hiện xác định vị trí huyệt rồi dùng đầu ngón tay bấm nhẹ vào huyệt. Tiếp theo để gia tăng hiệu quả, người thực hiện có thể vừa bấm, vừa day kết hợp di chuyển ngón tay theo chiều kim đồng hồ tại vị trí huyệt.
  • Thực hiện bấm huyệt ở mỗi bên chân trong khoảng 3 – 5 phút.  Kiên trì thực hiện khoảng 2 lần mỗi ngày sẽ mang lại kết quả tốt nhất.

Cách châm cứu

Châm cứu là phương pháp yêu cầu phải tác động đúng huyệt đạo và đúng cách thi châm. Vì châm sai cách có thể gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Để điều trị bệnh bằng huyệt Phục Lưu, cần châm thẳng hoặc xiên, sâu từ 0, 8 – 1, 2 thốn. Mỗi lần cứu khoảng 3 – 5 tráng và thời gian ôn cứu chỉ kéo dài từ 5 – 10 phút.

Cần thực hiện châm cứu đúng vị trí huyệt để tránh biến chứng xảy ra
Cần thực hiện châm cứu đúng vị trí huyệt để tránh biến chứng xảy ra

Chú ý: Không được châm cứu vào các vùng huyệt có da bị tổn thương hoặc có vết loét.

Một số lưu ý khi tác động lên huyệt Phục Lưu

Cũng giống như các huyệt vị khác, nếu tác động huyệt Phục Lưu đúng cách sẽ có hiệu quả giảm triệu chứng bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu thực hiện sai cách có thể mang đến nhiều hệ lụy nguy hiểm.

Do đó, khi tác động huyệt cần chú ý:

  • Người bệnh không nên tự ý hoặc nhờ người không có chuyên môn thực hiện châm cứu, bấm huyệt. Thay vào đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn thực hiện.
  • Không nên lạm dụng xoa bóp, bấm huyệt để trị bệnh, trong trường hợp bệnh nặng cần kết hợp dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Một số trường hợp như phụ nữ mang thai, người huyết áp cao,… nếu muốn châm cứu bấm huyệt để trị bệnh tốt nhất nên ttham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện.
  • Cần kiên trì thực hiện các biện pháp tác động lên huyệt vị mới mang lại hiệu quả điều trị cao.
  • Trước khi tác động lên huyệt cần vệ sinh tay và dụng cụ để đảm bảo an toàn, tránh bị viêm nhiễm.
  • Không nên tác động lên huyệt nếu vị trí huyệt có vết thương hở, chảy máu.
  • Để có hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất, ngoài tác động lên huyệt, người bệnh cần có thói quen sinh hoạt khoa học và luôn giữ tinh thần thoải mái.

Trên đây là toàn bộ kiến thức tổng quan về huyệt Phục Lưu. Huyệt vị này có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, do đó hi vọng bạn có thể vận dụng những kiến thức này để bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Tham khảo thêm

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh