Huyệt Thần Môn: Cách Xác Định Vị Trí, Công Năng Và Ứng Dụng

Ngày đăng: 03/03/2024 Biên tập viên: Trần Hoa

Thần Môn là huyệt đạo quan trọng ở Tâm kinh, đóng vai trò là “cửa ngõ” của tạng Tâm nên có mối liên hệ mật thiết với tim mạch và thần kinh. Vậy huyệt Thần Môn ở đâu, làm sao để xác định chính xác vị trí, công năng của huyệt vị này như thế nào… cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

Đặc điểm huyệt Thần Môn

Thần Môn là một trong 300 huyệt vị quan trọng của cơ thể. Huyệt đạo này còn có nhiều tên gọi khác như Đoài Lệ, Trung Đô, Duệ Trung, Đoài Xung. Do nằm ở vị trí giống như cánh cửa (môn) dẫn đến Tâm và Thần nên huyệt mới có tên gọi phổ biến là Thần Môn.

Huyệt nằm ở vị trí quan trọng liên quan đến Tâm và Thần
Huyệt nằm ở vị trí quan trọng liên quan đến Tâm và Thần

Theo các y văn cổ, Thần Môn huyệt có những đặc tính như sau:

  • Huyệt vị thứ 7 thuộc kinh Tâm, huyệt Tả của kinh Chính Tâm.
  • Là huyệt Du trong ngũ du huyệt, huyệt Nguyên và thuộc hành Thổ.
  • Khi châm vào kinh Tâm cơ thể sẽ run, sốt, vùng tim xuất hiện triệu chứng khó chịu nhưng sau đó sẽ nhanh chóng thanh hỏa, giải nhiệt, an thần, dễ chịu.
  • Trị chứng Thi Quyết gây nên do rối loạn kinh Biệt Phế, Thận, Tâm, Vị.

Huyệt Thần Môn nằm ở đâu? Cách xác định vị trí

Theo cuốn “Trung y cương mục”, huyệt Thần Môn nằm ở vị trí đặc biệt khi là nơi tập trung đường dương khí của Tâm kinh. Vậy cụ thể, huyệt Thần Môn nằm ở đâu, trên tay nào, làm sao để xác định huyệt Thần Môn một cách chính xác?

Thực tế, Thần Môn nằm ở bờ trong của cả cổ tay trái và phải, ngay trên đường lằn chỉ cổ tay tại vị trí lõm phía ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương trụ. Cách xác định huyệt Thần Môn khá đơn giản, có thể thực hiện theo hướng dẫn sau:

  • Bước 1: Đặt bàn tay ngửa, gióng 1 đường thẳng từ vị trí khe giữa ngón áp út với ngón út tới cổ tay.
  • Bước 2: Gập nhẹ bàn tay về phía cẳng tay để đường chỉ tay lộ rõ hơn. Giao điểm của đường lằn chỉ với đường thẳng vừa gióng chính là vị trí huyệt Thần Môn.
Cách xác định vị trí huyệt khá đơn giản
Cách xác định vị trí huyệt khá đơn giản

Tại vị trí Thần Môn huyệt khi giải phẫu sẽ thấy những đặc điểm sau:

  • Nằm dưới da vùng huyệt là gân, cơ trục trước, xương tháp, xương đậu.
  • Thần kinh vận động cơ tại vị trí này là nhánh dây thần kinh trụ.
  • Tiết đoạn thần kinh D1 chi phối hoạt động của lớp da trên huyệt đạo.

Khi tìm hiểu về vị trí của Thần Môn huyệt, không ít người đã có những hiểu lầm khá nghiêm trọng. Nhiều người nhắc đến huyệt Thần Môn ở tai, trên tai, vành tai hay huyệt Thần Môn nhĩ châm. Tuy nhiên, đây đều là những thông tin sai lệch bởi Thần Môn chỉ nằm trên cổ tay, còn Nhĩ Môn vốn là huyệt đạo nằm ở vành tai. Có thể do trong tên gọi có cùng chữ “môn” nên đã gây nên sự nhầm lẫn này.

Huyệt Thần Môn có tác dụng gì?

Tác dụng của huyệt Thần Môn đối với sức khỏe đã được Y học cổ truyền ghi chép trong các văn thư cổ. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh công năng thanh tâm nhiệt, thanh hỏa, lương vinh, điều khí nhiệt, an thần.

Do nằm ở vị trí có liên quan mật thiết với kinh Tâm nên khi tác động chính xác vào huyệt (châm cứu, day ấn, bấm huyệt) sẽ cho hiệu quả cải thiện, hỗ trợ điều trị các vấn đề như:

  • Mất ngủ, ngủ không sâu giấc, mệt mỏi uể oải sau khi thức dậy.
  • Chứng động kinh, hay quên, điều hoà khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh, tăng khả năng tập trung.
  • Tim đập nhanh, tức ngực, hồi hộp, đau tim,…
  • Tình trạng say tàu xe.
  • Sản giật, táo bón, bí tiểu, vàng da, chán ăn…
Thần Môn huyệt đem lại nhiều lợi ích sức khỏe
Thần Môn huyệt đem lại nhiều lợi ích sức khỏe

Cách tác động và khai thông huyệt

Để đảm bảo an toàn và mang đến hiệu quả sức khỏe, tận dụng tối đa công năng của Thần Môn huyệt cần tác động, khai thông đúng cách. Dưới đây là kỹ thuật châm cứu và cách bấm huyệt Thần Môn chuẩn Y học cổ truyền.

Kỹ thuật châm cứu

Phương pháp châm cứu với huyệt vị này được thực hiện như sau:

  • Bước 1: Xác định vị trí huyệt.
  • Bước 2: Sử dụng kim châm cứu chuyên biệt châm trực tiếp vào vị trí huyệt đạo, đưa đầu mũi kim hơi chếch ra ngoài và đảm bảo độ sâu của kim từ 0.3-0.5 thốn.
  • Bước 3: Tiến hành cứu từ 1-3 tráng, ôn cứu 3-5 phút.

Lưu ý: Liệu pháp châm cứu cần được thực hiện bởi kỹ thuật viên, bác sĩ, thầy thuốc có chuyên môn. Bệnh nhân không tự ý châm cứu tại nhà vì chỉ cần một sai lệch nhỏ nhất cũng tiềm ẩn những rủi ro không mong muốn đối với sức khỏe.

Thao tác châm cứu cần được thực hiện bởi người có chuyên môn
Thao tác châm cứu cần được thực hiện bởi người có chuyên môn

Kỹ thuật bấm huyệt

So với châm cứu, day bấm huyệt có thao tác đơn giản hơn, không đòi hỏi kỹ thuật quá cao hay kinh nghiệm chuyên môn của người thực hiện. Mặt khác, Thần Môn là huyệt nằm ngay cổ tay nên khá dễ xác định, người bệnh có thể tự day bấm tại nhà.

Các thao tác:

  • Bước 1: Xác định vị trí huyệt.
  • Bước 2: Dùng lực của đầu ngón tay day bấm vào huyệt theo chiều kim đồng hồ trong 3 phút, sau đó nghỉ ngơi 1 phút rồi tiếp tục lặp lại thêm 2 lần như vậy.

Kỹ thuật trên có thể áp dụng trong các trường hợp: Bấm huyệt chữa mất ngủ, suy giảm trí nhớ, hồi hộp, tim đập nhanh, tiểu bí…

Ứng dụng điều trị và cách phối huyệt

Trong điều trị bệnh không dùng thuốc, Y học cổ truyền thường tác dụng đơn lẻ vào Thần Môn huyệt hoặc phối cùng các huyệt đạo khác nhằm nâng cao hiệu quả. Cụ thể, huyệt đạo này được ứng dụng rộng rãi trong điều trị nhiều bệnh lý và có cách phối như sau:

  • Điều trị tay co rút: Thần Môn + Thiếu Hải.
  • Điều trị chứng điên cuồng: Thần Môn + Dương Cốc.
  • Chứng tiểu nhiều: Thần Môn + Quan Môn + huyệt Trung Phủ.
  • Hồi hộp: Thần Môn + Nội Quan + huyệt Tâm Du.
  • Hụt hơi, lo sợ, hồi hộp: Thần Môn + Cự Khuyết + Lãi Câu.
  • Điều trị si ngốc: Thần Môn + huyệt Dũng Tuyền + Thiếu Thương + Tâm Du.
  • Lo sợ bồn chồn không yên: Thần Môn + huyệt Nội Quan + Bá Hội.
  • Đau tim, hồi hộp: Thần Môn + Dương Lăng Tuyền + Nội Quan + Nhiên Cốc + Thiếu Xung.
  • Vàng da, vàng mắt, bí tiểu: Chí Dương + Công Tôn + Đởm Du + Tiểu Trường Du + Uyển Cốt + Ủy Trung.
  • Mất ngủ, hay quên: Thần Môn + huyệt Cao Hoang + Dịch Môn + Nội Quan + Giải Khê.
  • Mất ngủ, suy nhược thần kinh: Thần Môn + Nội Quan + huyệt Tam Âm Giao.
  • Rối loạn nhịp tim: Thần Môn + Dương Lăng Tuyền + Nội Quan + Tâm Du.
  • Khí hư: Thần Môn + huyệt Khí Hải + Trung Quản + Túc Tam Lý.
  • Chứng mất ngủ: Thần Môn + huyệt Phong Long + Trung Quản + Tâm Du + Vị Du.
Thần Môn được phối với nhiều huyệt vị khác đem lại lợi ích sức khỏe
Thần Môn được phối với nhiều huyệt vị khác đem lại lợi ích sức khỏe

Lưu ý khi châm cứu, bấm huyệt Thần Môn

Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong điều trị bệnh, cải thiện sức khỏe, khi châm cứu bấm huyệt Thần Môn cần lưu ý những điểm sau:

  • Thần Môn nằm ngay vị trí cổ tay nên rất dễ tìm, nếu không chắc chắn về vị trí đã được xác định nên tìm đến bác sĩ/thầy thuốc/người có chuyên môn để được hỗ trợ.
  • Tuyệt đối không châm cứu/day ấn khi vị trí huyệt có vết thương hở, sưng đau vì hành động này có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • Mọi dụng cụ sử dụng trong quá trình châm cứu đều cần được làm sạch, khử trùng để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
  • Tránh dùng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, cà phê cả trước và sau khi châm cứu/bấm huyệt bởi điều này sẽ làm giảm hiệu quả chữa bệnh.
  • Khi thực hiện châm cứu/bấm huyệt nếu nhận thấy cơ thể có triệu chứng bất thường như đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi… cần lập tức ngừng ngay, theo dõi phản ứng tiếp theo để kịp thời xử lý.
  • Không châm cứu, bấm huyệt cho người đang mang thai, đối tượng mắc bệnh nhiễm trùng hoặc người cao tuổi, trẻ em.

Huyệt Thần Môn là một trong những huyệt đạo trọng yếu, có tác động mạnh mẽ đối với Tâm và Thần. Bất cứ tác động nào lên huyệt cũng cần được thực hiện chính xác, đúng kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tránh những rủi ro không mong muốn.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh