Huyệt Thiên Đột: Vị trí, cách xác định và công dụng huyệt

Ngày đăng: 02/06/2023 Biên tập viên: Nguyễn Trang

Huyệt Thiên Đột là huyệt vị quan trọng ở vùng cổ và ngực. Khi tác động lên huyệt vị này có thể trị các bệnh về hô hấp, phế quản rất hiệu quả. Vậy, huyệt Thiên Đột nằm ở đâu và nên tác động huyệt như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất. Hãy theo dõi ngay bài chia sẻ về huyệt dưới đây.

Thiên Đột là huyệt gì?

Tên gọi: Thiên Đột.

Giải nghĩa: 

  • Thiên có nghĩa là vùng bên trên.
  • Đột ám chỉ ống khói.
  • Huyệt có tác dụng thông phế khí giúp không khí từ phổi ra ngoài (qua ống khói) tốt hơn, vì vậy có tên gọi là Thiên Đột (theo Trung Y Cương Mục).

Tên gọi khác: Ngọc Hộ, Thiên Cù.

Xuất xứ: Thiên Bản Du (Linh Khu 2).

Hình ảnh huyệt Thiên Đột
Hình ảnh huyệt Thiên Đột

Đặc tính:

  • Huyệt vị thứ 22 của mạch Nhâm.
  • Hội của mạch Nhâm và Âm duy.
  • Là một trong 4 huyệt Hội của Khí Âm và Dương: Gồm Quan Nguyên (Nh 4), Trung Quản (Nh 12), Thiên Đột (Nh 22) và Chí Dương (Đc 10).

Cách xác định huyệt Thiên Đột

Huyệt Thiên Đột ở đâu? – Vị trí huyệt Thiên Đột nằm tại ngay phần lõm trên của xương ngực, sát với xương ức và ngang với phần xương đòn ở cả 2 bên.

Giải phẫu huyệt:

  • Phần bên trong của huyệt được tạo bởi cơ ức, cơ đòn, cơ chũm, bờ bên trong của cả các cơ ức, đòn, móng cùng với cơ ức và giáp trạng.
  • Dây thần kinh vận động huyệt được điều tiết từ các nhánh dây thần kinh số 11, 12.
  • Phần da tại vùng huyệt được điều tiết từ dây thần kinh C3.

Tác dụng huyệt trong y học

  • Tác dụng: Tuyên Phế, hóa đờm, lợi yết (hầu), khai âm (thanh) và điều khí.
  • Chủ trị: Trị họng đau, mất tiếng đột ngột, ho, hen suyễn, ợ, nấc,…

Trong y học, Thiên Đột thường được áp dụng để điều trị các chứng bệnh tiêu biểu như: viêm đau họng, hen suyễn, nấc cụt,…

Giảm đau họng, ho hen suyễn do viêm phế quản

Do huyệt Thiên Đột có tác dụng tuyên phế, hóa đờm, điều khí, nên khi tác động lên có thể xoa dịu cổ họng và phế quản bị viêm. Kiên trì tác động huyệt sẽ giảm nhanh các chứng đau họng, ho hen suyễn.

Để điều trị viêm phế quản, người bệnh cần bấm huyệt Thiên Đột và các huyệt vị như Đản Trung, Đại Chùy, Phế Du, Tam Túc Lý, Phong Long, Toàn Cơ, Phong Môn.

Cách bấm: Dùng ngón tay cái bấm với lực vừa phải rồi day ấn mỗi huyệt trong khoảng 30 giây. Thực hiện mỗi ngày 1 – 2 lần, kiên trì hàng ngày sau khoảng 3 – 5 ngày dấu hiệu bệnh sẽ giảm dần và không gây khó chịu nữa.

Điều trị nấc

Nấc là tình trạng những cơn co thắt đột ngột, lặp đi lặp lại, không kiểm soát được của cơ hoành, khiến cho dây thanh âm đóng lại nhanh tạo ra tiếng. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do ăn quá nhanh, dây thần kinh căng thẳng, do bệnh lý,…

Bình thường triệu chứng bệnh chỉ diễn ra trong vài giờ và không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, tình trạng nấc nếu diễn ra thường xuyên sẽ khiến người bệnh rất khó chịu, lo lắng và gây mệt mỏi, mất ngủ, sụt cân. Do đó, người bệnh có thể tác động lên huyệt Thiên Đột để điều trị dứt điểm tình trạng này như sau:

  • Để người bệnh nằm ngửa một cách thoải mái trên giường.
  • Sau đó xoa, miết vùng cổ, ngực và bụng theo chiều kim đồng hồ.
  • Tiếp theo thực hiện day ấn lần lượt các huyệt Thiên Đột, Khí Xá và Cự Khuyết.
  • Ngoài ra, nếu tình trạng nấc chưa giảm có thể để bệnh nhân nằm sấp và thực hiện xoa, day vùng lưng và ấn huyệt Cách Du.
Có thể tác động lên huyệt để điều trị tình trạng nấc cụt
Có thể tác động lên huyệt để điều trị tình trạng nấc cụt

Thời gian thực hiện xoa bóp, bấm huyệt trị chứng nấc kéo dài 30 phút/lần/ngày, mỗi ngày thực hiện 1 – 2 lần.

Trị bướu cổ theo sách “Châm cứu lâm chứng thực nghiệm”

Bướu cổ là bệnh do sự mở rộng bất thường của tuyến giáp. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu iod, sử dụng một số thực phẩm hoặc thuốc Tây y,…

Bướu cổ có thể gây nên bệnh ung thư xâm lấn đến các cơ quan ở xung quanh nhất là hệ thần kinh thanh quản, phổi, gan, xương, não,…

Theo sách “Châm cứu lâm chứng thực nghiệm”, khi bướu cổ Khí và Âm đều hư có thể điều trị bằng cách ích khí, dưỡng âm, tán kết, tiêu anh. Phương pháp điều trị tốt nhất là thực hiện châm cứu huyệt Thiên Đột và các huyệt Hợp cốc, Thiên Đỉnh, Quan Nguyên, Chiếu Hải.

Cách châm: Thực hiện châm bổ mỗi ngày châm 1 lần, lưu kim 30 phút, mỗi liệu trình 20 ngày.

Cách phối hợp huyệt Thiên Đột trong y học 

Theo một số sách y học cổ truyền, để trị bệnh có thể phối kết hợp huyệt Thiên Đột với các huyệt vị sau:

  • Phối với huyệt Chiên Trung (Nh17), Giải Khê (Vi41), Kiên Trung Du (Ttr.15), Thiên Trì (Tb.1) để trị bệnh ho suyễn (Tư Sinh Kinh).
  • Phối với huyệt Phù Đột (Đtr.18) trị suyễn, hơi thở khò khè (Tư Sinh Kinh).
  • Phối với huyệt Hoa Cái (Nh20) trị tình trạng ho suyễn (Tư Sinh Kinh).
  • Phối cùng huyệt Thiên Dung (Ttr.17) trị cổ gáy bị lở (Tư Sinh Kinh).
  • Phối với huyệt Quan Xung (Ttu 1) trị khí bị ngăn nghẹn (Tư Sinh Kinh).
  • Phối với huyệt Du Phủ (Th.27), Đản Trung (Nh17), Hợp Cốc (Đtr.4), Khuyết Bồn (Vi 12), Liệt Khuyết (P.7), Phù Đột (Đtr.18), Thập Tuyên (ra máu) và Thiên Song (Ttr.16) trị ngũ anh (theo Châm Cứu Đại Thành).
  • Phối với huyệt Chiên Trung (Nh17) trị chứng ho suyễn (Ngọc Long Kinh).
  • Phối với huyệt Phế Du (Bq13) trị tình trạng ho liên tục (Bách Chứng Phú).
  • Phối với huyệt Dũng Tuyền (Th.1), Hợp Cốc (Đtr.4), Phong Long (Vi 40) trị cổ họng đau (Châm Cứu Tụ Anh).
  • Phối với huyệt Âm Cốc (Th10), Linh Đạo (Tm.4), Nhiên Cốc (Th.2), Phong Long (Vi40) và Phục Lưu (Th.7) trị câm (Loại Kinh Đồ Dực).
  • Phối với huyệt Cự Khuyết (Nh14), Đản Trung (Nh17), Hạ Quản (Nh10), Tâm Du (Bq 15), Thượng Quản (Nh13), Trung Khôi, Trung Quản (Nh12), Túc Tam Lý (Vi 36), Tỳ Du (Bq 20) và Vị Du (Bq19) trị ngũ ế, ngũ cách (Y Học Cương Mục).
  • Phối với huyệt Phế Du (Bq13) trị ho và tả Phế khí (Đan Khê Tâm Pháp).
  • Phối với huyệt Gian Sử (Tb.5), Kỳ Môn (C14) trị chứng khan tiếng (Thần Cứu Kinh Luân).
  • Phối với huyệt Đản Trung (Nh17), Hoa Cái (Nh 20), Khí Hải (Nh6), Kỳ Môn (C14), Nhũ Căn (Vi 18), Toàn Cơ (Nh21) trị hen suyễn (Thần Cứu Kinh Luân).
  • Phối với huyệt Liệt Khuyết (P.7), Nhũ Căn (Vi 18), Trung Quản (Nh12), Túc Tam Lý (Vi 36) trị lãnh háo (Trung Hoa Châm Cứu Học).
  • Phối với huyệt Chiên Trung (Nh17), Xích Trạch (P.5) trị chứng ho, suyễn (Châm Cứu Học Giản Biên).
  • Phối với huyệt Cách Du (Bq 17), Nội Quan (Tb.6) trị cơ hoành co thắt (nấc) (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Nội Quan (Tb.6), Trung Quản (Nh12) trị cơ hoành co thắt (tình trạng nấc) (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Chiếu Hải (Th.6), Liệt Khuyết (P.7) trị tình trạng trong họng có vật vướng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Đản Trung (Nh17), Thiên Trì (Tb.1) trị khí quản bị viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Dịch Môn (Ttu 2), Dũng Tuyền (Th.1), Nhiên Cốc (Th.2) trị họng sưng đau có mủ (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Chí Dương (Đc 10) trị suyễn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Đản Trung (Nh17), Định Suyễn, Phong Long (Vi 40) trị suyễn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Đản Trung (Nh17), Du Phủ (Th.27), Trung Phủ (P.1) trị tình trạng hen tim (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Phối với huyệt Định Suyễn, Hợp Cốc (Đtr.4), Khúc Trì (Đtr.11) trị khí quản bị viêm mạn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
Có thể kết hợp huyệt Thiên đột với các huyệt xung quanh để điều trị bệnh
Có thể kết hợp huyệt Thiên đột với các huyệt xung quanh để điều trị bệnh

Huyệt Thiên Đột có thể phối kết hợp với nhiều huyệt vị khác nhau để điều trị nhiều bệnh lý. Do đó, tùy theo từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ lựa chọn cách kết hợp huyệt sao cho phù hợp.

Cách xoa bóp bấm huyệt

Cũng giống các huyệt vị khác, có thể tác động lên vị trí huyệt Thiên Đột để trị bệnh bằng cách xoa bóp, bấm huyệt và châm cứu. Đây là các cách trị bệnh được lưu truyền từ xa xưa, đến nay vẫn mang lại hiệu quả cao trong y học.

Khi châm cứu và bấm huyệt, người bệnh có thể thực hiện như sau:

Bấm huyệt Thiên Đột

  • Cách thực hiện: Sử dụng ngón tay cái day bấm huyệt trong khoảng 30 giây – 1 phút theo chiều kim đồng hồ.
  • Thời gian: Mỗi lần thực hiện bấm huyệt trong khoảng 15 – 30 phút, mỗi ngày bấm 1 – 2 lần và kiên trì khoảng 20 ngày sẽ có hiệu quả.
  • Chú ý: Khi day ấn huyệt cần thực hiện với lựa vừa phải, vì bấm nhẹ sẽ không mang lại hiệu quả cao, còn khi tác động lực quá mạnh sẽ gây ra tổn thương. Bên cạnh đó, để gia tăng hiệu quả giảm triệu chứng bệnh lý, có thể kết hợp bấm thêm các huyệt vị xung quanh.

Cách châm huyệt Thiên Đột

  • Cách thực hiện: Dùng kim châm qua da 0,2 – 0,5 thốn, sau đó hướng kim theo mặt của các xương ức.
  • Thời gian: Thời gian châm từ 10 – 15 phút, mỗi ngày châm 1 lần, kiên trì khoảng 15 – 20 ngày.
Thực hiện châm cứu huyệt đúng cách mới có hiệu quả cao
Thực hiện châm cứu huyệt đúng cách mới có hiệu quả cao

Lưu ý: 

  • Không nên thực hiện châm thẳng góc vì dễ châm vào khí quản gây ho.
  • Không nên châm đắc khí tại chỗ vì có cảm giác căng tức cổ như nghẹt.

Lưu ý khi tác động lên huyệt Thiên Đột

Huyệt Thiên đột nằm ở vị trí rất nhạy cảm, nếu tác động không đúng cách ngoài giảm hiệu quả còn gây ra biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi tác động lên huyệt để trị bệnh cần chú ý:

  • Châm cứu và bấm huyệt chỉ có tác dụng giảm một phần triệu chứng bệnh, và có tác dụng chậm hơn so với cách chữa bệnh bằng thuốc Đông y hoặc Tây y. Do đó, người bệnh cần kiên trì thực hiện đúng và đủ liệu trình mới mang lại hiệu quả.
  • Không nên tự ý bấm huyệt hoặc châm cứu tại nhà nếu không có kiến thức về huyệt vị. Vì huyệt nằm gần khí quản nên khi tác động sai huyệt hoặc sai cách có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm.
  • Để gia tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian điều trị, bệnh nhân có thể kết hợp châm cứu, bấm huyệt với phương pháp điều trị khác khi bác sĩ cho phép.
  • Ngoài tác động lên huyệt vị, người bệnh cần bổ sung đủ chất sinh dưỡng, ngủ đủ giấc và tập thể thao hàng ngày để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
  • Khi tác động lên huyệt Thiên Đột mà triệu chứng bệnh trong vòng 1 tuần mà không thấy có dấu hiệu suy giảm cần đến bệnh viện thăm khám và áp dụng các biện pháp đặc trị khác.

Huyệt Thiên Đột có vai trò quan trọng đối với các bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp. Chính vì vậy, bạn nên nắm rõ về đặc điểm, tác dụng của huyệt này để có thể vận dụng vào cuộc sống hàng ngày.

Tham khảo thêm

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh