Huyệt Thông Lý: Vị trí, Công năng và Ứng dụng trị bệnh

Ngày đăng: 24/05/2023 Biên tập viên: Trần Hoa

Huyệt Thông Lý là huyệt Lạc của kinh Thủ Thiếu âm Tâm, đồng thời có kết nối với Tiểu Trường kinh. Huyệt có khả năng điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý trên toàn cơ thể mà điển hình nhất là các bệnh mất ngủ, hồi hộp, co cứng lưỡi, tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa… Thông tin cụ thể mời quý vị tìm hiểu thêm qua bài viết.

Huyệt Thông Lý là gì? Ý nghĩa tên gọi

Thông Lý là huyệt thứ 5 của đường kinh Tâm (ký hiệu HT5), lần đầu tiên được nhắc tới trong thiên Kinh Mạch (sách Linh Khu). Trung Y Cương Mục giải nghĩa rằng, huyệt nằm ở nơi mạch khí của kinh Tâm đi qua (Thông), rồi tụ lại đi sâu vào lý, thông với Tiểu Trường kinh nên được gọi với cái tên Thông Lý.

Thông Lý là huyệt thứ 5 trên đường kinh Tâm
Thông Lý là huyệt thứ 5 trên đường kinh Tâm.

Huyệt HT5 đóng vai trò là huyệt Lạc và là huyệt kiểm soát phần sâu của kinh Tâm, lại có kết nối với Tiểu Trường kinh nên phát huy hiệu quả cao trong điều trị các bệnh nhịp tim chậm, mất ngủ, hồi hộp, tâm thần phân liệt, rối loạn tiêu hóa…

Vị trí huyệt Thông Lý và cách xác định huyệt

Huyệt Thông lý nằm ở mặt trước, phía trong cẳng tay, trên nếp gấp cổ tay và trên huyệt Thần Môn 1 thốn, tại khe giữa cơ gấp chung nông các ngón tay và gân cơ trụ trước.

Theo Giải phẫu, dưới lớp da vùng huyệt là:

  • Khe giữa cơ gấp chung nông các ngón tay và gân cơ trụ trước, cơ gấp vuông, xương trụ.
  • Các nhánh của dây thần kinh giữa và dây trụ đóng vai trò là dây thần kinh vận động cơ.
  • Tiết đoạn thần kinh D1 chi phối da vùng huyệt.
Vị trí huyệt theo giải phẫu
Vị trí huyệt theo giải phẫu.

Cách xác định vị trí huyệt Thông Lý như sau:

  • Ngửa bàn tay. Từ rãnh giữa ngón út và ngón áp út, gióng 1 đường thẳng tới cổ tay, gặp đường chỉ cổ tay thứ nhất ở đâu thì đó chính là vị trí huyệt Thần Môn.
  • Từ Thần Môn đo lên cẳng tay 1 thốn là huyệt Thông Lý.

Tác dụng của huyệt Thông Lý

Tác động lên huyệt Thông Lý giúp định tâm, an thần chí, hòa vinh, tức phong. Huyệt điều trị hiệu quả các bệnh lý sau:

  • Phạm vi tại chỗ: đau khớp cổ tay, đau cánh tay.
  • Theo đường kinh và toàn thân: Bấm huyệt trị mất ngủ, bệnh ở tâm (tim), tiểu trường (ruột non),  hồi hộp, rối loạn nhịp tim, tâm thần phân liệt, rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, còn khắc phục được các bệnh co cứng lưỡi, mất tiếng nói đột ngột, đau mắt, mụn nhọt…

Để dùng huyệt Thông Lý trị bệnh có thể sử dụng 1 trong 2 hoặc vận dụng kết hợp cả 2 phương pháp châm cứu và bấm huyệt:

  • Cách châm cứu huyệt: châm kim thẳng, sâu 0,5-0,8 thốn. Cứu từ 1-3 tráng, ôn cứu 3-5 phút.
  • Cách bấm huyệt: dùng ngón tay cái ấn giữ huyệt hoặc vừa ấn vừa day từ 1-3 phút. (Đây là phương pháp tương đối đơn giản, có thể áp dụng ngay tại nhà)
Thông Lý giúp điều trị hiệu quả các bệnh ở tâm và tiểu trường
Thông Lý giúp điều trị hiệu quả các bệnh ở Tâm và Tiểu trường.

Y học cổ truyền hiếm khi sử dụng huyệt đơn độc mà thường phối kết hợp các huyệt với nhau để tăng cường hiệu quả chữa bệnh. Đối với huyệt Thông Lý, ghi chép từ các tài liệu Y thư cổ hướng dẫn cách phối huyệt trị bệnh như sau:

  • Phối huyệt Tâm Du trị nhịp tim không đều (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Hưng Phấn và Tố Liêu trị nhịp tim chậm (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Nội Đình trị hay ngáp (theo Châm Cứu Đại Thành)
  • Phối huyệt Giải Khê trị mắt đỏ, đầu đau (theo Châm Cứu Đại Thành)
  • Phối huyệt Hành Gian và Tam  m Giao trị kinh nguyệt nhiều (theo Châm Cứu Đại Thành)
  • Phối huyệt Hành Gian, Kiên Tỉnh, Túc Lâm Khấp, Thái Xung, Thiếu Hải và Túc Tam Lý trị mụn nhọt ở lưng (theo Châm Cứu Đại Thành)
  • Phối huyệt Hành Gian, Túc Lâm Khấp, Thiếu Hải, Thái Xung và Ủy Trung trị mụn nhọt ở lưng, vai (theo Châm Cứu Tụ Anh)
  • Phối huyệt Đại Chung trị thích nằm, ít nói (theo Bách Chứng Phú)
  • Phối huyệt Kinh Cừ và Ngư Tế trị không ra được mồ hôi (theo Loại Kinh Đồ Dực)
  • Phối huyệt Kinh Cừ, Ngư Tế, Tam Gian và Túc Tam Lý trị mồ hôi ra khắp người (theo Loại Kinh Đồ Dực)

Lưu ý khi tác động lên huyệt HT5

Bên cạnh việc nắm được cách xác định vị trí và phương pháp tác động đúng cách lên huyệt Thông Lý, có một vài lưu ý khác cần ghi nhớ để việc dùng huyệt đạt được hiệu quả tốt và đảm bảo an toàn. Cụ thể như sau:

  • Sát trùng tay, da vùng huyệt và y cụ trước khi châm cứu, bấm huyệt để phòng ngừa bội nhiễm.
  • Không tác động lên huyệt Thông Lý khi da vùng huyệt đang có vết thương, đang bị viêm nhiễm hoặc xuất hiện các vết sưng bầm.
  • Không nên châm cứu hay bấm huyệt cho phụ nữ có thai, người có thể trạng yếu, người mắc bệnh xương khớp mạn tính hoặc các bệnh ngoại khoa.
  • Thời điểm thích hợp nhất để day ấn huyệt là vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ. Không nên bấm huyệt sau khi ăn no, khi bụng đang đói hoặc sau khi sử dụng thực phẩm có chứa chất kích thích.

Huyệt Thông Lýhuyệt tay có khả năng điều trị tốt các bệnh co cứng lưỡi, mất ngủ, tim đập nhanh, đau tay, rối loạn tiêu hóa… Hy vọng các thông tin mà bài viết cung cấp đã giúp quý vị có cái nhìn tổng quan về huyệt vị này và biết cách sử dụng nó sao cho hiệu quả và an toàn nhất.

Xem thêm: 

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh