Huyệt Thừa Phù: Vị trí, Công năng và Lưu ý sử dụng

Ngày đăng: 25/05/2023 Biên tập viên: Trần Hoa
Đánh giá bài viết

Huyệt Thừa Phù nằm ở giữa nếp lằn chỉ mông, là huyệt vị có mối liên hệ trực tiếp với dây thần kinh hông và chi dưới. Nắm rõ vị trí, đặc điểm và công dụng của huyệt Thừa Phù sẽ giúp ích rất nhiều cho việc phòng ngừa và điều trị các chứng bệnh liên quan.

Thông tin chung về huyệt Thừa Phù

Theo Trung Y Cương Mục, Thừa Phù là tên gọi dùng để chỉ huyệt nằm ở vị trí tiếp xúc với chi dưới khi cơ thể chuyển động (Thừa nghĩa là tiếp nhận, Phù chỉ chỗ chi tiếp xúc với cơ thể). Ngoài ra, huyệt vị này còn được gọi với nhiều tên khác như Phù Thừa, Phò Thừa, Thừa Phò, Nhục Khích,  Âm Quang, Bì Bộ.

Huyệt Thừa Phù có nguồn gốc từ Giáp Ất Kinh và là huyệt thứ 36 của kinh Bàng Quang (ký hiệu BL36). Đây là huyệt vị điều trị tốt các chứng bệnh ở vùng thắt lưng, chi dưới và hậu môn.

Vị trí huyệt Thừa Phù và cách xác định huyệt

Huyệt Thừa Phù nằm ở giữa nếp lằn chỉ mông, ở chính ụ ngồi của xương chậu. Có thể xác định huyệt rất dễ dàng khi để người bệnh ở tư thế nằm sấp, đường lằn ngang mông sẽ hiện rõ, Thừa Phù nằm chính giữa nếp gấp này. Khi tác động một lực vừa phải lên huyệt sẽ cảm thấy đau, nếu dùng lực mạnh hơn một chút thì cơn đau tê sẽ lan dần từ mông tới đầu gối.

Vị trí huyệt Thừa Phù
Vị trí huyệt Thừa Phù trên mông.

Về mặt giải phẫu:

  • Dưới lớp da vùng huyệt là bờ dưới cơ mông to, bờ trong cơ 2 đầu đùi, bờ ngoài cơ bán mạc, bờ ngoài cơ bán gân, cơ khép lớn và cơ khép bé.
  • Thần kinh vận động cơ bao gồm các nhánh của dây thần kinh hông (dây thần kinh tọa) và các nhánh của dây thần kinh bịt.
  • Da vùng huyệt do tiết đoạn thần kinh S2 chi phối.

Tác dụng của huyệt Thừa Phù

Huyệt Thừa Phù có tác dụng khứ phong, chỉ thống, thư cân, hoạt lạc. Huyệt điều trị hiệu quả các chứng bệnh ở vùng chi dưới và hậu môn, bao gồm: đau thần kinh tọa, liệt chi dưới, đại tiện và tiểu tiện khó khăn, trĩ. Tác động lên huyệt Thừa Phù giúp giải phóng các cơn đau nhức, giảm căng cứng cơ từ khu vực trong đùi đến âm bộ.

Nếu bị đau chân, ấn nhẹ lên nếp nhăn dưới mông của người bệnh sẽ gặp 1 điểm tê cứng (do mông làm việc hết sức để bảo vệ cho chân bị đau). Trường hợp này chỉ cần day bấm hoặc châm cứu huyệt Thừa Phù sẽ giúp thư giãn cơ, giải tỏa tình trạng tê cứng và làm giảm các cơn đau.

Bên cạnh việc sử dụng độc lập, có thể phối huyệt Thừa Phò với các huyệt khác để tăng cường hiệu quả điều trị. Cụ thể như sau:

  • Phối huyệt Quan Nguyên Du, Phong Thị, Tam  Âm Giao, Thận Du, Túc Tam Lý trị đau thần kinh tọa (theo Châm Cứu Học Giản Biên).
  • Phối huyệt Quan Nguyên Du, Ủy Trung, Tọa Cốt trị đau đùi, đau thắt lưng (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).
Thừa Phù có thể được sử dụng độc lập hoặc phối kết hợp với các huyệt khác để trị bệnh đạt hiệu quả cao hơn
Thừa Phù có thể được sử dụng độc lập hoặc phối kết hợp với các huyệt khác để trị bệnh đạt hiệu quả cao hơn.

Cách sử dụng huyệt Thừa Phù phòng và điều trị bệnh

Việc tác động lên các huyệt đạo nói chung và huyệt Thừa Phù nói riêng cần được thực hiện đúng cách mới có thể đem lại hiệu quả chữa bệnh và đảm bảo an toàn sức khỏe. Đông y sử dụng 2 phương pháp chính để kích thích lên huyệt Thừa Phù là châm cứu và liệu pháp bấm huyệt. Hai phương pháp này có những khác biệt về mức độ tác động và hiệu quả điều trị bệnh.

Bấm huyệt Thừa Phù

Bấm huyệt là phương pháp sử dụng bàn tay và các ngón tay day ấn trực tiếp lên vị trí huyệt nhằm thúc đẩy khí huyết lưu thông. Phương pháp này hoạt động dựa trên cơ chế vận hành của hệ thống kinh lạc, giúp điều chỉnh những rối loạn để cơ thể tự chữa lành từ bên trong.

Khi đã xác định được chính xác vị trí huyệt Thừa Phù, chỉ cần dùng tay ấn lên huyệt với lực vừa phải để cải thiện các triệu chứng đau nhức. Chú ý không kích thích huyệt với lực quá nhẹ sẽ không phát huy tác dụng điều trị. Đồng thời không dùng lực quá mạnh để tránh gây ra tổn thương cho phần chỏm ngồi dưới huyệt.

Ban đầu khi tác động lên huyệt, người bệnh sẽ cảm thấy tê tức và khó chịu từ phần mông lan tới bàn chân, tuy nhiên cảm giác này sẽ dần dần mất đi sau khoảng 1 phút. Nên duy trì bấm huyệt từ 2-3 phút và có thể lặp lại vài lần cho đến khi cảm giác đau và tê bì ở mông-đùi-chân giảm hẳn.

Khi bấm huyệt Thừa Phù trị đau thần kinh tọa, có thể cảm giác nhức mỏi sẽ gia tăng trong những ngày đầu nhưng tình trạng này sẽ nhanh chóng được cải thiện và dần dần chấm dứt hẳn.

Day ấn huyệt với lực phù hợp để đảm bảo an toàn và hiệu quả tác động
Day ấn huyệt với lực phù hợp để đảm bảo an toàn và hiệu quả tác động.

Châm cứu

Phương pháp châm cứu là vận dụng kết hợp hai kỹ thuật Châm (dùng kim châm qua da) và Cứu (hơ ngải nóng tại vị trí huyệt). Với khả năng tác động sâu vào huyệt vị, châm cứu đem lại hiệu quả chữa bệnh cao hơn so với trị liệu bằng bấm huyệt. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi được thực hiện bởi các bác sĩ Đông y có chuyên môn tay nghề.

Phương pháp châm cứu huyệt thừa Phù được thực hiện như sau:

  • Để người bệnh nằm sấp và chuẩn bị tâm lý thoải mái cho người bệnh.
  • Chọn kim có độ dài phù hợp sau đó sát trùng kỹ dụng cụ và vùng da chuẩn bị châm cứu.
  • Châm Thừa Phù sâu từ 1-3 thốn, cứu 3-5 tráng, ôn cứu 5-10 phút. Phương pháp châm đúng kỹ thuật là cầm kim thẳng, tập trung lực ở đầu kim. Châm kim ở góc 15-30 độ với vùng cơ mỏng và góc 60-90 độ với vùng cơ dày.
  • Sau khi châm kim vào huyệt, dùng ngón trỏ và ngón cái vê kim sao cho thân kim xoay nhẹ và đều tại vị trí huyệt Thừa Phù.
  • Khi đã lưu kim đủ thời gian cần thiết thì rút kim nhẹ nhàng và nhanh chóng sát trùng vị trí vừa châm kim.
  • Châm cứu đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật khi thao tác được thực hiện dứt khoát, bệnh nhân không bị đau hoặc chỉ có cảm giác đau thoáng qua.

Một số lưu ý khi tác động lên huyệt Thừa Phò

Kích thích lên các huyệt vị là phương pháp hiệu quả để điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh nhưng đòi hỏi cần được thực hiện cẩn trọng để đề phòng nguy cơ biến chứng. Khi tác động lên huyệt Thừa Phù bằng châm cứu hoặc bấm huyệt, cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Các đối tượng như người có thể trạng yếu, phụ nữ mang thai hay bệnh nhân đang bị thương hoặc viêm loét tại vị trí huyệt không được châm cứu, bấm huyệt.
  • Bệnh nhân khi đi châm cứu cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, tránh lo lắng căng thẳng quá mức sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả trị liệu.
  • Cần kiên trì tuân thủ liệu trình điều trị do bác sĩ chỉ định, kết hợp điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng để đạt được hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.
  • Các bệnh nhân nặng cần được tiến hành chụp chiếu, nội soi để làm căn cứ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp nhất.
  • Kỹ thuật viên thực hiện châm cứu, bấm huyệt cần cắt gọn móng tay, vệ sinh tay sạch sẽ; sát trùng dụng cụ và vị trí cần tác động trên cơ thể người bệnh để phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng.
  • Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trị liệu, bệnh nhân tốt nhất nên tìm tới các cơ sở YHCT uy tín để được trực tiếp điều trị bởi các bác sĩ Đông y có chuyên môn và kinh nghiệm.

Thừa Phù là huyệt nằm trên mông, có khả năng điều trị tốt chứng đau thần kinh tọa và các bệnh ở vùng chi dưới, hậu môn. Quý vị có thể áp dụng phương pháp bấm huyệt Thừa Phù để chăm sóc sức khỏe tại nhà nhưng nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi thực hiện.

Xem thêm: 

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh