Huyệt Cưu Vĩ: Cách Tác Động Mang Lại Hiệu Quả Tốt Nhất

Ngày đăng: 07/02/2023 Biên tập viên: An Nguyệt

Huyệt Cưu Vĩ hay còn được biết đến với cái tên khác là Vĩ Ế được sử dụng chủ trị một số bệnh lý như đau nhức, hen suyễn, khó thở, một số bệnh về thần kinh (động kinh, tâm thần). Vậy làm thế nào để xác định được chính xác vị trí ,cũng như tác động huyệt một cách hiệu quả?

Nguồn gốc và ý nghĩa huyệt Cưu Vĩ

Trong rất nhiều tài liệu Y Học Cổ Truyền có nhắc đến huyệt Cưu Vĩ (Jiu Wei – cưu vĩ huyệt) và những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, vậy cụ thể như thế nào. Được biết đây là huyệt đạo thuộc Nhâm mạch chạy dọc cơ thể, có liên kết trực tiếp với nhiều huyệt đạo khác.

Theo y thư Trung Y Cương Mục, huyệt có tên gọi như vậy là do vị trí nằm ngay ở mũi xương ức, đỉnh xương ức có hình dạng giống như đuôi chim cu gáy (ban cưu hoặc tu hú). Cưu Vĩ mang hàm ý là đuôi con chim cưu bởi Cưu tượng trưng cho chim Cưu, Vĩ có nghĩa là cái đuôi.

Huyệt Vĩ Ế trên cơ thể
Huyệt Vĩ Ế trên cơ thể

Một số thông tin khác về huyệt Cưu Vĩ:

  • Tên gọi khác: Vĩ Ế, Hạt Cán.
  • Nguồn gốc: Linh khu 1 – Thiên Cửu Châm Thập Nhị Nguyên.
  • Đặc tính: Là huyệt lạc nối với mạch Đốc – huyệt thứ 15 của mạch Nhâm.
  • Công dụng chủ trị: Bệnh lý vùng ngực, bụng, thần kinh…

Vị trí huyệt Vĩ Ế trên cơ thể

Huyệt vị này nằm ở mặt trước cơ thể nên khá dễ xác định, khi thăm khám lâm sàng dựa trên ý nghĩa tên huyệt là có thể biết được Cưu Vĩ nằm ở khu vực nào. Chính xác huyệt sẽ nằm ngay sát đầu mũi xương ức, đầu trên của đường trắng, dưới mũi ức 0,6 tấc hay dưới chỗ gặp nhau của 2 bờ sườn 1 tấc.

Khi giải phẫu thấy huyệt nằm ở điểm đầu trên của đường trắng, sau thành bụng là thùy lá gan trái. Vùng da dưới huyệt Vĩ Ế bị chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D6.

Cách xác định huyệt như sau: Lấy điểm nối 7/8 dưới với 1/8 trên rốn và điểm gặp nhau của 2 bờ sườn, giao của hai đường thẳng này chính là vị trí huyệt.

Lợi ích của huyệt Vĩ Ế với sức khỏe

Mỗi huyệt vị trên cơ thể đều đảm nhiệm trọng trách và chức năng khác nhau, đặc biệt là những huyệt đạo thuộc Nhâm mạch, có sự liên kết mật thiết với các huyệt khác trên cơ thể như Cưu Vĩ. Trong Trung Y Cương Mục và nhiều tài liệu khác có đề cập: Khi tác động huyệt vị này chủ trị đau bụng trên, đau tức ngực, hen suyễn, khó thở, động kinh, tâm thần.

Tác động huyệt đúng cách giúp làm giảm đau bụng trên
Tác động huyệt đúng cách giúp làm giảm đau bụng trên

Bên cạnh đó huyệt Vĩ Ế có thể phối hợp cùng nhiều huyệt đạo khác trên cơ thể để hỗ trợ điều trị, cải thiện nhiều bệnh lý, cụ thể:

  • Thắng Ngọc Ca ghi chép lại, phối bộ 3 Cưu Vĩ, Hậu Khê và Thần Môn trị động kinh.
  • Châm Cứu Đại Thành đề cập, phối huyệt đạo này với Trung Quản và Thiếu Thương trị chán ăn, động kinh.
  • Tác động bộ 4 huyệt Cự Khuyết, Thượng Quản, Trung Quản và Vĩ Ế trị cuồng loạn (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  • Theo Tứ Bản Giá Tài Châm Cứu Học thì các huyệt Đại Chùy, Yêu Kỳ, Phong Long, Cưu Vĩ và Gian Sử phối cùng nhau có thể trị bế chứng.

Cách tác động huyệt Cưu Vĩ hiệu quả

Dựa trên vị trí xác định lâm sàng và sau giải phẫu có thể thấy huyệt Vĩ Ế nằm ở vị trí dễ xác định nhưng tương đối nguy hiểm khi ngay bên dưới là thùy gan. Vì vậy khi tác động cần điều chỉnh lực và độ sâu của kim vừa phải để tránh làm tổn thương gan, chảy máu trong cực kỳ nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, tốt nhất các bạn nên đến cơ sở Y Học Cổ Truyền chuyên sâu để được tư vấn và điều trị.

Hiện nay có 2 kỹ thuật được áp dụng khi tác động huyệt Vĩ Ế đó là bấm huyệt và châm cứu. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân mà áp dụng riêng lẻ hay phối hợp cả hai kỹ thuật trong một lần trị liệu.

  • Bấm huyệt: Dùng ngón tay cái ấn với lực vừa phải vào vị trí huyệt sau xoay tròn, đều tay theo chiều kim đồng hồ 3 – 5 phút. Trong quá trình bấm huyệt có thể dùng thêm các loại dầu thảo dược chuyên dụng để tăng hiệu quả điều trị.
  • Châm cứu: Chọn kim châm chuyên dụng với kích thước phù hợp để châm huyệt Vĩ Ế, cần châm kim xiên sâu 0,5 – 1 thốn sau đó cứu trong 15 – 20 phút cho đến khi đắc khí, châm thẳng có thể gây tổn thương thùy gan.
Châm cứu huyệt Cưu Vĩ cần châm xiên kim
Châm cứu huyệt Cưu Vĩ cần châm xiên kim

Một số lưu ý khi châm cứu huyệt Cưu Vĩ

Riêng đối với huyệt vị này, khi châm cứu cần đắc khí thì mới mang lại hiệu quả. Vì vậy, trong quá trình thực hiện châm cứu, bác sĩ cần hỏi bệnh nhân xem có cảm thấy căng tức tại chỗ hoặc chạy đến vị trí đang đau hay không, nếu có thì đã đạt đắc khí.

Khi chưa đắc khí thì bác sĩ cần thực hiện điều chỉnh bằng kỹ thuật trước tác (chim sẻ mổ) sau đó vê tròn kim để thôi kinh dẫn khí cho đến khi đạt đắc khí. Trường hợp bệnh nhân bị bại liệt hoặc thể trạng yếu sẽ khó đắc khí, cũng như cảm nhận được đắc khí chậm hơn so với người khỏe mạnh bình thường.

Hi vọng những thông tin về huyệt Cưu Vĩ được chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp mọi người hiểu được tầm quan trọng cũng như phương thức tác động để có hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, trong liệu trình điều trị, bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý phối huyệt hay cứu huyệt tại nhà.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh