Huyệt Phế Du: Thông Tin Tổng Quan Vị Trí, Vai Trò và Ứng Dụng

Ngày đăng: 25/05/2023 Biên tập viên: Nguyễn Trang

Theo các thầy thuốc Đông y, huyệt Phế Du này có vai trò rất lớn trong việc điều trị các bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hen suyễn,… Vậy vị trí, tác dụng và cách xác định huyệt Phế Du ra sao? Mời bạn đọc theo dõi các thông tin này trong bài viết ngay sau đây.

Huyệt Phế Du là gì?

Tên huyệt: Huyệt Phế Du hay thường gọi là Phế Du huyệt, là huyệt vị ở gần phổi nên còn gọi với cái tên là “huyệt phổi”.

Giải nghĩa tên huyệt:

  • “Phế” có nghĩa là phổi.
  • “Du” là nơi ra vào của kinh khí, có công dụng đưa kinh vào bên trong tạng phế.

Huyệt Phế Du nằm ở gần sát với phổi, là vị trí mà thông qua đó kinh khí của Phế sẽ trực tiếp đi vào bên trong cơ thể.

Đặc tính của huyệt:

  • Thuộc huyệt đạo thứ 13 của vùng Bàng Quang Kinh (B13).
  • Là huyệt đạo Du Bối của Phế Khí, có tác dụng đặc biệt để phân tán dương khí ở Phế.
  • Thuộc nhóm huyệt đạo có công dụng tán dương khí của Lục Phủ Ngũ Tạng.

Vị trí huyệt Phế Du trong hệ kinh mạch

Để trả lời cho câu hỏi “huyệt Phế Du nằm ở đâu?” thì bạn đọc có thể xác định như sau: Dưới gai đốt sống lưng 3, đo ngang ra 1, 5 thốn, ở ngang huyệt Thân Trụ (Đc.12).

Hình ảnh huyệt Phế Du
Hình ảnh huyệt Phế Du

Hoặc, cách tìm huyệt Phế Du được xác định là nằm ở vị trí dưới gai đốt sống thứ 3, thuộc cả hai bên.

Tác dụng huyệt Phế Du và các bệnh thường chữa bằng ứng dụng huyệt

Theo giải phẫu học hiện đại, vị trí của huyệt Phế Du chịu tác động của các gân cơ, thần kinh như sau:

  • Dưới da là cơ thang, cơ răng cưa bé sau – trên, cơ trám, cơ gối cổ, cơ cổ dài, cơ lưng dài, cơ bán gai của cổ, cơ bán gai của đầu, cơ ngang sườn, phổi.
  • Thần kinh vận động cơ là nhánh dây thần kinh sọ não số XI, nhánh của đám rối cánh tay, nhánh đám rối cổ sâu, 3 nhánh của dây sống lưng 3 và nhánh của dây thần kinh gian sườn.
  • Da vùng huyệt vị chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D3.

Theo y học cổ truyền, huyệt Phế Du có tác dụng bổ phế, điều khí, thanh nhiệt và hòa vinh quyết. Cụ thể, huyệt vị này thường được tác động để chủ trị những chứng bệnh sau:

  • Trị lao phổi, hen suyễn, viêm phổi, viêm phế quản: Châm cứu vào huyệt đạo này sẽ giúp cơ thể được điều hòa khí huyết khiến dương khí lưu thông dễ dàng hơn vào vùng phổi. Từ đó giúp thanh lọc cơ thể, đào thải chất độc, cặn bã ra bên ngoài để giúp vùng phổi khỏe mạnh và thanh khiết hơn.
  • Trị ra mồ hôi trộm, ra mồ hôi không kiểm soát được: Thông qua Phế Du huyệt, các thầy thuốc sẽ châm cứu để đào thải các tuyến bã nhờn và mồ hôi độc hại tích tụ lâu ngày ra khỏi cơ thể. Qua đó đẩy lùi được tình trạng ra mồ hôi trộm, tự ra mồ hôi.
  • Đặc biệt, trị lẹo mắt. Huyệt Phế Du chữa lẹo được giải thích là do theo cổ truyền y học, các kinh mạch, kinh lạc và dương khí đi qua vùng nào sẽ có tác dụng trị bệnh cho vùng đó. Theo đó, Bàng Quang Kinh có mối quan hệ mật thiết với mắt nên châm cứu vào Phế Du có thể điều hòa, chữa trị được các bệnh ở mắt.

Cách phối huyệt Phế Du chữa bệnh

Tất cả các huyệt đạo trên cơ thể đều tương thông với nhau nên việc cùng tác động lên một nhóm huyệt sẽ giúp tăng khả năng trị bệnh. Các thầy thuốc thường phối huyệt Phế Du với các huyệt đạo sau đây:

Theo sách Giáp Ất Kinh:

  • Phối với Bá Lao để trị mồ hôi trộm do hư tổn.

Theo sách Thiên Kim Phương:

  • Phối với Bá Lao để trị mồ hôi trộm do hư tổn.
  • Phối Thận Du (Bàng quang.23) để trị hen suyễn, hụt hơi.

Theo sách Châm Cứu Tụ Anh:

  • Phối với Phong Môn (Bàng quang.12) để trị ho.
  • Phối với Hoàn Khiêu (Đ.30), Trung Độc (Đ.32) và Túc Tam Lý (Vị 36) để trị chứng nuy, thấp nhiệt, đờm.

Theo sách Bách Chứng Phú:

  • Phối với Thiên Đột (Nh.22) để trị ho.
  • Phối với Đào Đạo (Đc.13) để trị sốt.
Huyệt Phế Du có tác dụng tích cực trong việc điều trị các bệnh đường hô hấp
Huyệt Phế Du có tác dụng tích cực trong việc điều trị các bệnh đường hô hấp

Theo sách Ngọc Long Ca:

  • Phối với Phong Long (Vị 40) để trị ho.

Theo sách Đan Khê Tâm Pháp:

  • Phối với Thiên Đột (Nh.22) để trị ho, đại tả phế khí.

Theo sách Thế Y Đắc Hiệu Phương:

  • Phối với Y Hy (Bàng quang.45) để trị phế ung (áp xe phổi).

Theo sách Càn Khôn Sinh Ý:

  • Phối với Cao Hoang (Bàng quang.43), Đào Đạo (Đc.13) và Thân Trụ (Đc.12) để trị suy nhược do ngũ lao, thất thương.

Theo sách Thần Cứu Kinh Luân:

  • Phối với Bá Lao, Liệt Khuyết (Phế 7) và Trung Quản (Nh.12) để trị ho đờm có máu.
  • Phối Đản Trung (Nh.17), Thái Khê (Th.3) và Xích Trạch (Phế 5) để trị ho nhiệt.
  • Phối với Phục Lưu (Th.7) và Y Hy (Bàng quang.45) để trị mồ hôi trộm.

Theo sách Châm Cứu Thượng Hải Học :

  • Phối với Phong Môn (Bàng quang.12), Trung Phủ (Phế 1), Thiên Song (Tiểu trường.16), Đàn Trung (Nh.17) và Xích Trạch (Phế 5) để trị ho lao.
  • Phối với Chi Câu (Tam tiêu.6), Đại Lăng (Tâm bào.7) và Đàn Trung (Nh.17) để trị ho lao.
  • Phối với Thiên Đột (Nh.22) và Nhũ Căn (Vị 18) để trị ho lâu không cầm được.
  • Phối với Phong Long (Vị 40) để trị ho có đờm.
  • Phối với Đại Chùy (Đc.14) và Cao Hoang (Bàng quang.43) để trị viêm phế quản mạn.
  • Phối với Đào Đạo (Đc.13) và Cách Du (Bàng quang.17) để trị đờm suyễn.
  • Phối với Kiên Tỉnh (Đ.21) và Kỳ Môn (C.14) để trị ho.
  • Phối với Nghênh Hương (Đại trường.20) để trị mũi chảy nước.
  • Phối với Đàn Trung (Nh.17), Nội Quan (Tâm bào.6), Phế Nhiệt Huyệt và Trung Phủ (Phế 1) để trị hen phế quản.
  • Phối với Thiên Trụ (Bàng quang.10), Đại Chùy (Đc.14), Đàn Trung (Nh.17) thấu Ngọc Đường (Nh.18) [hoặc Hoa Cái thấu Triền Cơ], Kết Hạch Huyệt, Túc Tam Lý (Vị 36) và Xích Trạch (Phế 5) để trị lao phổi.

Theo sách Trung Hoa Châm Cứu Học:

  • Phối với Cách Du (Bàng quang.17), Ngư Tế (Phế 10 ), Thái Uyên (Phế 9) và Xích Trạch (Phế 5) để trị ho ra máu.

Theo sách Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học:

  • Phối với Liệt Khuyết (Phế 7) và Hợp Cốc (Đại trường.4) để trị ho do ngoại cảm.

Cách day ấn và bấm huyệt huyệt đúng cách

Huyệt Phế Du khi được tác động đúng cách sẽ hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh nên tìm đến các cơ sở y học cổ truyền để được day ấn và bấm huyệt bởi những thầy thuốc có chuyên môn.

Dưới đây là các bước bấm huyệt, day ấn vào huyệt Phế Du:

  • Bước 1: Xác định chính xác vị trí huyệt đạo theo chỉ dẫn ở trên.
  • Bước 2: Chụm 3 ngón tay và đặt lên vị trí của huyệt đạo. Rồi tiến hành day ấn theo chiều kim đồng hồ với lực ấn vừa phải.
  • Bước 3: Duy trì thời gian thực hiện trong khoảng 3 phút, nếu thấy khó chịu có thể giảm lực ấn nhẹ hơn. Thực hiện đều đặn 5 lần cho 1 liệu trình, mỗi lần cách nhau khoảng 5 phút.
Người bệnh nên tiến hành day ấn huyệt Phế Du vào mỗi buổi sáng sớm
Người bệnh nên tiến hành day ấn huyệt Phế Du vào mỗi buổi sáng sớm

Ngoài việc day ấn, người bệnh có thể được thực hiện châm cứu theo cách như sau:

  • Châm kim xiên về phía cột sống khoảng 0.3 – 0.5 thốn.
  • Cứu 3 – 5 tráng thì ôn cứu trong 5 – 10 phút là được.
  • Lưu ý: Không nên châm kim quá sâu vì có thể chạm phổi. Châm kim vào phổi tác động xấu sức khỏe người bệnh.

Lưu ý khi tiến hành thực hiện bấm huyệt, châm cứu

Huyệt Phế Du cũng được xem là một huyệt đạo quan trọng trong đường kinh của cơ thể. Do đó, khi tiến hành bấm huyệt hay châm cứu, bạn đọc cần lưu ý một số điều sau để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe:

  • Đảm bảo lực tác động vào huyệt đạo không quá mạnh, các bước và thao tác thực hiện phải nhịp nhàng.
  • Kiên trì thực hiện hàng ngày và mỗi lần từ 15 – 20 phút, vừa day ấn vừa thư giãn, thả lỏng tinh thần để quá trình lưu thông máu và khí huyết trong các đường kinh của cơ thể được diễn ra tốt nhất.
  • Trong quá trình bấm huyệt hoặc châm cứu, nếu nhận thấy những biểu hiện lạ như chóng mắt, hoa mặt, tim đập nhanh,… thì cần dừng thực hiện và nghỉ ngơi.
  • Người bệnh cũng không nên lạm dụng liệu pháp bấm huyệt, châm cứu. Bởi đây chỉ là phương pháp điều trị hỗ trợ. Những trường hợp bệnh nặng cần kết hợp với những phương pháp chuyên biệt để có kết quả tốt nhất.

Trên đây là toàn bộ thông tin về huyệt Phế Du. Hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về huyệt đạo này cũng như biết cách để chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.

Tham khảo thêm:

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh