Béo Phì

Ngày đăng: 18/08/2023 Biên tập viên: Phương Hoa

Béo phì là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vấn đề về tim mạch, huyết áp cao, đái tháo đường, thậm chí là ung thư. Việc điều chỉnh cân nặng, đưa chỉ số BMI về mức cân bằng sẽ giúp bệnh nhân nâng cao sức khoẻ và phòng ngừa bệnh tật hiệu quả. Dưới đây, hãy cùng Đông Phương Y Pháp tìm hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như biện pháp can thiệp an toàn nhất.

Béo phì là gì? Đối tượng có nguy cơ

Béo phì là tình trạng chất béo, mô mỡ tích tụ quá mức do cơ thể dung nạp lượng calo lớn hơn nhu cầu sử dụng. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2016, có tới 39% dân số trên 18 tuổi bị thừa cân và khoảng 13% trong số đó bị béo phì. Tình trạng này cũng ở mức báo động với nhóm trẻ em khi có tới hơn 340 triệu trẻ và thanh thiếu niên từ 5-19 tuổi thừa cân hoặc béo phì.

beo phi
Béo phì là tình trạng báo động, đe doạ sức khoẻ dân số thế giới

Dựa vào độ tuổi và sự phân bố mỡ, bệnh được chia thành:

Theo độ tuổi:

  • Béo phì tuổi trưởng thành.
  • Béo phì thiếu niên.
  • Béo phì ở trẻ em.

Theo sự phân bố mỡ:

  • Béo phì dạng nam mỡ tập trung ở cổ, gáy, mặt, vai, cánh tay, ngực, bụng.
  • Béo phì dạng nữ nơi tích tụ nhiều mỡ là mông, đùi, cẳng chân.
  • Béo phì hỗn hợp mỡ phân bố đồng đều khắp cơ thể.

Những đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh bao gồm:

  • Người thường xuyên ăn đồ chiên rán, thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, sử dụng nước ngọt, rượu bia, nội tạng động vật…
  • Nhóm người ít vận động hoặc tần suất hoạt động thể lực thấp (người làm việc trong cơ quan công sở, nhà nước, sinh sống tại các đô thị lớn…).
  • Nữ giới sau sinh nở, nhất là những người không nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Trẻ em sinh ra trong gia đình có người bị béo phì. Nếu một đứa trẻ có cha hoặc mẹ bị béo phì, nguy cơ bị bệnh là 40%. Nhưng nếu cả cha và mẹ đều bị béo phì thì khả năng trẻ gặp tình trạng này lên đến 80%.
  • Những người bị rối loạn nội tiết và đang mắc bệnh liên quan đến nội tiết.

Bao nhiêu cân là béo phì? Bệnh gồm mấy cấp độ?

Theo các chuyên gia, bệnh thừa cân béo phì là thể mạn tính, cấp độ được xác định dựa trên chỉ số BMI của cơ thể. Đây chính là “thước đo” giúp kết luận tình trạng bệnh, từ đó đưa ra hướng can thiệp phù hợp.

Đánh giá cấp độ béo phì theo chỉ số BMI

BMI là chỉ số khối cơ thể, viết tắt của cụm từ Body Mass Index được dùng để đánh giá mức độ béo – gầy – cân đối của một người. Cách tính này được áp dụng cho tất cả những người trên 20 tuổi, không phân biệt giới tính.

BMI được tính bằng công thức: BMI = Cân nặng/[(Chiều cao)2]. Trong đó: Cân nặng tính bằng đơn vị kilogram và chiều cao tính bằng đơn vị mét.

Theo đó, kết quả BMI thu được sẽ chỉ ra tình trạng thừa cân, béo phì của một người theo các mức độ sau:

  • BMI từ 25,0 đến 29,9: Được xem là thừa cân.
  • BMI từ 30,0 trở lên: Béo phì.
  • BMI từ 40,0 trở lên: Béo phì cực độ hoặc nghiêm trọng.
beo phi
Người có chỉ số BMI trên 30 được coi là béo phì và cần được can thiệp

Các cấp độ béo phì

Căn cứ vào chỉ số BMI, bệnh lý này được chia thành 3 cấp độ sau:

  • Béo phì độ 1: Chỉ số khối cơ thể nằm trong khoảng 30 đến dưới 35. Đây là mức độ nhẹ nhất, chưa gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu tình trạng này không được kiểm soát và can thiệp kịp thời có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
  • Béo phì độ 2: Được xác định khi BMI nằm trong ngưỡng 35 đến 40. Béo phì độ II đã được xếp vào cấp độ nặng và tiềm ẩn nguy cơ gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm về sức khỏe.
  • Béo phì độ 3: Xảy ra khi chỉ số BMI trên 40, được xem là cấp độ béo phì nặng nhất và nguy hiểm nhất. Bệnh gây rối loạn chuyển hoá, tích tụ lượng lớn mỡ thừa trong cơ thể nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tim mạch, tiểu đường, hội chứng hô hấp, bệnh xương khớp… đe dọa trực tiếp đến chức năng của cơ thể.
Bài viết liên quan: Chỉ Số BMI Là Gì? Cách Đo, Tính BMI Chính Xác Nhất

Nguyên nhân béo phì

Tại sao bị béo phì, đâu là nguyên nhân gây thừa cân… là những thắc mắc nhiều người đặt ra. Thực tiễn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là sự kết hợp của cả yếu tố trực tiếp và gián tiếp.

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống là tác nhân hàng đầu ảnh hưởng đến cân nặng, sức khỏe của một người. Việc duy trì thói quen ăn uống kém khoa học có thể dẫn đến thừa cân, béo phì:

  • Thường xuyên tiêu thụ đồ ăn nhanh, thức ăn đóng hộp: Đây là những thực phẩm nhiều chất béo, đường, carbs nhưng lại ít khoáng chất, vitamin. Việc liên tục sử dụng khiến cơ thể phải hấp thụ lượng lớn calo không lành mạnh, dẫn đến tăng cân, béo phì.
  • Sử dụng nhiều rượu bia: Đây là nhóm đồ uống chứa nhiều calo, khi vào cơ thể không được đốt cháy hết dẫn đến tăng cân. Calo từ rượu bia cũng là calo rỗng, không chứa vitamin, khoáng chất hay chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe.
  • Ăn uống không kiểm soát: Các suất ăn với mức năng lượng lớn hơn nhu cầu cơ thể như buffet, thử thách ăn uống khổng lồ dễ tích tụ calo và dẫn đến dư thừa, gây béo phì.
  • Dung nạp quá nhiều đường: Nước ngọt, nước ép trái cây, bánh kẹo… chứa lượng lớn chất bột đường glucid. Khi dung nạp quá nhiều sẽ dẫn đến dư thừa và buộc phải được dự trữ tại bắp thịt, gan, phần còn lại chuyển hoá thành axit béo hoặc triglycerid – nguyên nhân làm gia tăng lượng mỡ trong cơ thể. Vì vậy việc sử dụng nhiều đường không chỉ gây béo phì mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch.
  • Tâm trạng thay đổi: Sự thay đổi của tâm trạng có thể gây ra chứng rối loạn ăn uống, từ đó khiến cơ thể có nhu cầu ăn uống nhiều hơn, dung nạp lượng lớn thực phẩm dẫn đến béo phì.
beo phi
Ăn uống không kiểm soát làm tăng calo dư thừa dẫn đến béo phì

Lười vận động

Ít vận động, không tham gia các hoạt động thể chất có thể dẫn đến béo phì. Với những người làm việc văn phòng, tính chất công việc ít di chuyển, không có thói quen đi bộ hay đạp xe mà thay vào đó thường xuyên đi xe máy, ô tô thì tình trạng thừa cân, béo phì hoàn toàn có thể xảy ra.

Sự phát triển của công nghệ và internet kéo theo những thay đổi về thói quen giải trí. Nhiều người có xu hướng nằm tại nhà xem TV, lướt web, chơi game, dùng mạng xã hội… thay vì tham gia thể dục. Trong khi đó những hoạt động thường ngày không đủ để đốt cháy calo, làm tăng năng lượng dư thừa và tích tụ dưới dạng chất béo.

Di truyền

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, gen di truyền quyết định ít nhất 20% nguy cơ béo phì của những đứa trẻ được sinh ra bởi cặp bố mẹ đang gặp tình trạng này. Ngoài ra, một số di truyền hiếm gặp cũng có thể gây ra bệnh béo phì như hội chứng Prader-Willi. Đặc biệt, có những đặc điểm di truyền con cái được thừa hưởng từ cha mẹ như hội chứng thèm ăn sẽ gây nhiều khó khăn cho quá trình giảm cân.

Béo phì do nội tiết

Béo phì do nội tiết thường xảy ra ở người bị rối loạn nội tiết do bệnh lý. Điển hình nhất là bệnh suy giáp, hội chứng Cushing. Tuy nhiên, nếu những bệnh lý này được phát hiện sớm và điều trị sớm thì khả năng can thiệp, hỗ trợ điều chỉnh cân nặng sẽ dễ dàng hơn.

beo phi
Nội tiết cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng thừa cân

Béo phì nguy hiểm như thế nào?

Thừa cân, béo phì không chỉ ảnh hưởng đến sự tự ti, cảm giác e ngại trong giao tiếp, tác động tiêu cực đến tinh thần người bệnh mà còn tiềm ẩn nhiều vấn đề sức khỏe. Vậy béo phì gây bệnh gì, nguy hiểm như thế nào?

Những biến chứng mà tình trạng này có thể gây ra gồm:

Bệnh về xương khớp

Thống kê cho thấy, cứ 3 bệnh nhân béo phì thì có 1 người bị viêm khớp. Tình trạng này càng trầm trọng hơn khi bệnh nhân rất hạn chế việc tập thể dục bởi cơ thể nặng nề.

Khi một người béo phì tiếp tục tăng thêm cân, mỗi trọng lượng phát sinh có thể gây áp lực gấp 3-4 lần cho khớp gối. Điều này gây ra những cơn đau triền miên, làm việc di chuyển trở nên khó khăn.

Bệnh tiểu đường

Tiểu đường hay đái tháo đường là rối loạn chuyển hoá đặc trưng, với biểu hiện là lượng đường trong máu luôn ở mức cao. Lúc này, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tổn thương cơ quan trong cơ thể và nhiều vấn đề sức khoẻ khác sẽ lớn gấp nhiều lần.

Nhiều năm trở về trước, bệnh tiểu đường chủ yếu xuất hiện ở người trên 40 tuổi. Tuy nhiên ngày nay với tỷ lệ lớn dân số bị béo phì, tiểu đường tuýp 2 lại phổ biến hơn ở người trẻ. Hơn 90% bệnh nhân được chẩn đoán tiểu đường tuýp 2 thuộc nhóm thừa cân hoặc béo phì. Thống kê tại Mỹ cho thấy, hằng năm bệnh tiểu đường khiến khoảng 200.000 số ca tử vong.

beo phi
Thừa cân là nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường kèm theo nhiều biến chứng

Vấn đề về tim mạch

Ở bệnh nhân béo phì xảy ra sự tích lũy quá mức mô mỡ, từ đó phát sinh nhiều hệ luỵ ảnh hưởng đến tim mạch. Khi béo phì, nhu cầu trao đổi chất của cơ thể luôn tăng làm lưu lượng máu lưu thông, cung lượng tim và thể tích huyết tương đều tăng. Điều này gây huyết áp cao, tạo áp lực lớn cho thành tim, thậm chí có thể dẫn đến tắc nghẽn động mạch vành.

Theo thống kê của Liên đoàn Tim mạch Thế giới, mỗi năm tại Mỹ có tới hơn 600.000 người béo phì tử vong do bệnh tim mạch. Còn trên thế giới, con số này ở mức báo động hơn và là vấn đề rất cần được can thiệp.

Suy giảm trí nhớ

Béo phì, thừa cân là nguy cơ hàng đầu dẫn đến Alzheimer cũng như chứng sa sút trí tuệ. Thực tiễn, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa chỉ số BMI và bệnh Alzheimer khi bệnh nhân béo phì có nguy cơ bị Alzheimer cao hơn 42% so với người bình thường.

Riêng với trẻ em, sự tích tụ của chất béo trong cơ thể có thể làm suy giảm chức năng não, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến nhận thức. Vì vậy, việc kiểm soát cân nặng ở trẻ nhỏ có vai trò rất lớn đối với sự phát triển toàn diện.

Bệnh về tiêu hoá

Béo phì làm tăng acid béo tự do, dẫn đến sự thay đổi của tế bào mỡ. Điều này gây ra hội chứng chuyển hóa, kháng insulin, rối loạn lipid máu và tăng huyết áp. Từ đó dẫn đến nhiều vấn đề tiêu hoá như: Trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày, sỏi mật, tiêu chảy… Trầm trọng hơn, ở một số người béo phì còn gây Barrett thực quản, thậm chí là ung thư thực quản.

beo phi
Các vấn đề tiêu hoá cũng là biến chứng có thể gặp phải

Rối loạn nội tiết

Thừa cân, béo phì dễ gây phát ban tại những vùng da có nếp gấp hoặc gây bệnh gai đen với những mảng da sẫm màu vùng nách, bẹn và cổ. Một số báo cáo y tế cũng đã chỉ ra nhóm bệnh nhân béo phì mắc bệnh gai đen có nồng độ insulin và c-peptide cao hơn người bình thường.

Vấn đề về hô hấp

Sự tích tụ mỡ thừa có thể ngăn cản lồng ngực mở rộng, làm việc hít thở trở nên khó khăn hơn. Các chất béo dư thừa đọng lại ở thành phổi cũng làm giảm hoạt động trao đổi oxy trong cơ thể. Với những người trưởng thành mắc bệnh hen suyễn bị béo phì, nguy cơ nhập viện cao gấp 5 lần những người trưởng thành cùng bị suyễn nhưng không béo phì.

Ung thư

Đây là biến chứng trầm trọng nhất của bệnh. Thực tế, béo phì có liên quan trực tiếp đến sự phát triển của một số loại ung thư như: Ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, thận, thực quản, tuyến tụy… Thống kê cho thấy có hơn 85.000 ca ung thư mới mỗi năm do bệnh béo phì gây nên. Trong nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ béo phì ngày càng tăng đồng nghĩa với các trường hợp bị ung thư cũng gia tăng đáng kể.

Ngoài ra, tình trạng béo phì còn gây ra những rối loạn về gan như gan nhiễm mỡ, xơ gan… Bệnh tiềm ẩn nguy cơ gây vô sinh ở cả 2 giới, là yếu tố nguy cơ gây hội chứng buồng trứng đa nang làm giảm cơ hội thụ thai ở nữ giới…

beo phi
Những biến chứng mà bệnh có thể gây nên là vô cùng lớn
Xem thêm: 10 Tác Hại Của Béo Phì Và Phương Pháp Giảm Cân Hiệu Quả

Chẩn đoán béo phì

Dấu hiệu béo phì không chỉ được nhận biết qua quan sát thông thường mà còn cần tiến hành một số xét nghiệm, thăm khám sức khỏe và kiểm tra chỉ số BMI để đưa ra kết luận. Thông thường, để chẩn đoán chính xác nhất bác sĩ sẽ thực hiện các kiểm tra sau:

  • Ghi nhận tiền sử sức khỏe: Hỏi thăm về cân nặng trước đây, hoạt động thể chất, thói quen tập thể thao, chế độ ăn uống, tình trạng dùng thuốc, các vấn đề sức khỏe đang gặp phải.
  • Thăm khám sức khỏe tổng quát: Đo chiều cao, kiểm tra nhịp tim, huyết áp, ổ bụng, phổi.
  • Tính chỉ số BMI: Nếu kết quả 30 trở nên bệnh nhân được coi là béo phì, đây là cách nhận biết thừa cân béo phì chính xác nhất.
  • Đo vòng eo: Mỡ tích tụ quanh eo có thể là mỡ bụng hoặc mỡ nội tạng, đây là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim và tiểu đường. Nếu chu vi vòng eo của nữ lớn hơn 89cm và nam giới lớn hơn 102cm sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe so với những người có vòng eo nhỏ hơn.
  • Kiểm tra những vấn đề sức khỏe khác: Huyết áp cao, cholesterol cao, chức năng tuyến giáp kém, bệnh gan, tiểu đường.

Cách giảm cân khoa học, hỗ trợ điều trị béo phì

Nguyên tắc vàng trong giảm cân, hỗ trợ điều trị béo phì là giảm calo dung nạp và tập luyện thể thao. Khi những điều này được duy trì đều đặn, sức khỏe người bệnh sẽ được cải thiện đáng kể và cân nặng từ đó cũng có sự thay đổi tích cực.

Điều chỉnh chế độ sinh hoạt

Chế độ sinh hoạt cùng lối sống lành mạnh quyết định lớn đến khả năng giảm cân thành công. Điều này bao gồm:

  • Tự đặt ra mục tiêu giảm cân, chỉ cần giảm khoảng 3% trọng lượng cơ thể ban đầu thì tình trạng béo phì đã được cải thiện đáng kể.
  • Tự theo dõi quá trình giảm cân của bản thân bằng cách ghi chép đầy đủ.
  • Uống nhiều nước, đảm bảo cung cấp đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày.
  • Ăn chậm, nhai kỹ, tập trung ăn, không xem TV/điện thoại.
  • Ngủ đủ giấc, đúng giờ, nên ngủ trước 11h đêm và tránh thức khuya.
  • Ưu tiên ăn thức ăn tự chế biến, hạn chế ăn đồ nấu sẵn, giảm bớt việc dự tiệc chiêu đãi/liên hoan.
beo phi
Một chế độ sinh hoạt khoa học giúp điều chỉnh đáng kể cân nặng

Giảm ăn, điều chỉnh lượng calo tiêu thụ

Để giảm cân, mỗi người cần điều chỉnh lượng calo nạp vào cơ thể. Nam giới không tiêu thụ quá 1900 calo/ngày, đối với nữ không quá 1400 calo/ngày. Đồng thời nên thay đổi thói quen chế biến thực phẩm, nên ưu tiên món luộc, hấp, tránh những món chiên rán nhiều dầu mỡ hay thực phẩm giàu đường, tinh bột.

Bệnh nhân béo phì nên bổ sung những thực phẩm sau:

  • Các loại trái cây, củ quả, rau xanh chứa nhiều chất xơ: Ớt chuông, rau bina, cải bẹ…
  • Ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm nhiều chất xơ: Gạo lứt, yến mạch, ngô, lúa mạch nguyên hạt, các loại đậu…
  • Thịt, cá, trứng, đậu, ưu tiên sử dụng các nguồn protein từ thực vật.

Ngoài ra bệnh nhân nên ăn ít dầu mỡ, hạn chế những thực phẩm và đồ uống giàu đường như: Khoai tây chiên, gà rán, trà sữa, trà hoa quả…

Không nên bỏ lỡ: 5 Cách Chữa Bệnh Béo Phì Hiệu Quả An Toàn Khoa Học Nhất

Tăng cường tập luyện thể chất

Song song với chế độ ăn uống khoa học, người bị béo phì cũng nên tăng cường các hoạt động thể chất để quá trình giảm cân diễn ra hiệu quả. Hãy tăng cường tập thể dục tiêu hao năng lượng, tăng tỷ lệ trao đổi chất cho cơ thể.

Người bệnh nên lựa chọn bài tập phù hợp thể trạng. Với khoảng 150 phút tập luyện/tuần giúp nâng cao sức khoẻ, nếu dành ra 360 phút tập luyện/tuần sẽ giúp can thiệp cân nặng hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm hãy tham khảo ý kiến chuyên gia về bài tập, tần suất tập luyện để đảm bảo an toàn nhất.

beo phi
Các hoạt động thể chất tác động tích cực cho việc giảm cân

Lưu ý: Một số bệnh nhân bị béo phì có xu hướng lựa chọn thuốc giảm cân để thay thế việc giảm ăn và tập luyện. Tuy nhiên, điều này cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe, nhất là khi sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, mỗi người nên cảnh giác, tránh vì nóng lòng giảm cân mà gây nguy hại cho cơ thể.

Phòng tránh béo phì thế nào?

Béo phì có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, do vậy mỗi người nên chủ động ăn uống và nghỉ ngơi khoa học để phòng tránh tình trạng này. Dưới đây là một số biện pháp mỗi người nên tham khảo:

  • Ăn uống lành mạnh: Giảm acid no từ mỡ động vật, dầu dừa, phô mai cùng các thực phẩm giàu cholesterol như nội tạng động vật, lòng đỏ trứng. Hạn chế ăn mặn, giảm đồ ngọt, đồ ăn nhanh… Thay vào đó nên bổ sung nhiều rau củ quả, chia nhỏ các bữa ăn và chỉ ăn với lượng vừa đủ, không ăn “cố”.
  • Thường xuyên theo dõi cân nặng: Điều này giúp phát hiện sớm việc tăng trọng lượng, kịp thời có điều chỉnh phù hợp.
  • Uống nhiều nước: Bổ sung 1,5-2 lít nước mỗi ngày để cơ thể tăng cường đào thải độc tố, cặn bã, giúp quá trình chuyển hoá diễn ra nhanh hơn.
  • Ngủ đủ giấc: Việc ngủ thêm 1 giờ mỗi đêm có thể giúp một người giảm 6kg/năm. Điều này đồng thời cũng giảm bớt cảm giác thèm ăn, tăng khả năng kiềm chế khi cơ thể đói.
  • Thay đổi lối sống: Sống tích cực, giảm stress, tránh xa rượu bia thuốc lá, từ bỏ thói quen vừa ăn vừa xem tivi… Rèn luyện thói quen ăn chậm, nhai kỹ, không ăn nếu không cảm thấy đói là giải pháp cho bệnh béo phì không có cơ hội “tấn công”.

Béo phì không còn là vấn đề xa lạ khi nhịp sống hiện đại liên tục thay đổi, con người trở nên bận rộn hơn. Để bảo vệ sức khỏe, ngăn chặn nguy cơ biến chứng do tăng cân không kiểm soát mỗi người nên chủ động ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ. Đồng thời, việc thăm khám sức khỏe định kỳ và thường xuyên theo dõi cân nặng cũng là cách phòng bệnh hiệu quả.

Tìm hiểu thêm: 

Bình Luận