Huyết Áp Cao

Ngày cập nhật: 14/03/2024 Biên tập viên: Phương Hoa
Đánh giá bài viết

Huyết áp cao được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi vì hầu hết người bệnh đều không có bất cứ triệu chứng gì bất thường. Chỉ khi bệnh tiến triển tới mức độ nặng hoặc thông qua các cuộc thăm khám sức khỏe thì người bệnh mới phát hiện ra. Cao huyết áp tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể gây đột quỵ, tử vong. Vì vậy bạn cần nắm rõ nguyên nhân, dấu hiệu cũng như cách phòng ngừa và điều trị bệnh trong bài viết dưới đây.

Cao huyết áp là gì?

Huyết áp cao hay còn gọi là tăng huyết áp, là một bệnh lý mãn tính khá phổ biến hiện nay mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Một người được xác định là bị cao huyết áp khi có chỉ số huyết áp tâm thu huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg. Mức độ tăng huyết áp có nghiêm trọng hay không còn phụ thuộc vào sự thay đổi của các chỉ số này.

Hầu hết các trường bệnh nhân bị huyết áp cao đều có thể tự theo dõi tại nhà. Tuy nhiên nếu tình trạng tăng huyết áp không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: Nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy tim, đột quỵ,…

Tăng huyết áp là gì là thắc mắc được nhiều người quan tâm
Tăng huyết áp là gì là thắc mắc được nhiều người quan tâm

Bệnh cao huyết áp được chia thành nhiều dạng bệnh khác nhau, bao gồm:

  • Cao huyết áp vô căn: Không có nguyên nhân cụ thể, có tới 90% bệnh nhân gặp phải tình trạng này.
  • Tăng huyết áp thứ phát: Liên quan đến một số căn bệnh về nội tiết, động mạch, van tim, thận.
  • Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Chỉ có huyết áp tâm thu tăng còn huyết áp tâm trương thì vẫn bình thường.
  • Tăng huyết áp khi mang thai: Phụ nữ mang thai có thể bị tăng huyết áp thai kỳ. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ bị tiền sản giật vô cùng nguy hiểm.

Các mức độ bị tăng huyết áp

Theo thông tin từ Hiệp hội Tăng huyết áp Quốc tế, bệnh cao huyết áp sẽ được chia thành các cấp độ như sau:

  • Huyết áp bình thường: Người có huyết áp bình thường sẽ có chỉ số huyết áp tâm thu < 130mmHg và Huyết áp tâm trương < 85mmHg.
  • Tiền tăng huyết áp: Chỉ số huyết áp tâm thu từ 130-139mmHg và huyết áp tâm trương từ 85-89mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 1: Có chỉ số chuyết áp tâm thu 140-159mmHg và huyết áp tâm trương 90-99mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 2: Có chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 160mmHg và huyết áp tâm trương  ≥ 100mmHg.
  • Cơn tăng huyết áp: Người bệnh khi bị tăng huyết áp đột ngột sẽ có chỉ số huyết áp tâm thu > 180mmHg và/hoặc Huyết áp tâm trương >110mmHg.
  • Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Người bệnh có chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và huyết áp tâm trương < 90mmHg.

Dấu hiệu tăng huyết áp

Bệnh cao huyết áp thường diễn biến âm thầm và không có bất cứ triệu chứng nào rõ ràng. Chỉ khi bệnh trở nặng người bệnh mới cảm nhận rõ các triệu chứng của tình trạng cao huyết áp.

Một số triệu chứng phổ biến thường gặp ở bệnh nhân bị cao huyết áp có thể kể đến như: 

  • Chóng mặt, đau đầu, hoa mắt, bị mất thăng bằng.
  • Ù tai.
  • Thở nông.
  • Chảy máu mũi, máu khó đông lại.
  • Khó thở, đau tức lồng ngực, tim đập nhanh.
  • Mắt nhìn mờ, xuất huyết kết mạc.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Mặt đỏ.
  • Mất ngủ
  • Tiểu máu.
  • Thấy tê, ngứa râm ran tại các chi.
Đau đầu chóng mặt là hiện tượng bị tăng huyết áp
Đau đầu chóng mặt là hiện tượng bị tăng huyết áp

Nguyên nhân tăng huyết áp

Đa phần các trường hợp bị cao huyết áp đều chưa xác định được cụ thể nguyên nhân gây bệnh là gì. Chỉ có một số ít là do hệ quả của một số bệnh lý như: 

  • Bệnh thận cấp hoặc mãn tính.
  • Hẹp động mạch thận.
  • U tủy thượng thận.
  • Hội chứng Conn.
  • Hội chứng Cushing’s.
  • Bệnh lý về tuyến giáp, cận giáp, tuyến yên.
  • Hẹp eo động mạch chủ.
  • Bệnh Takayasu.
  • Mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Rối loạn sức khỏe tâm thần.
  • Nhiễm độc thai nghén.

Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ tăng huyết áp bao gồm:

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh, thường xuyên ăn đồ nhiều muối, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, ít sử dụng rau củ quả.
  • Lười vận động.
  • Thường xuyên hút thuốc.
  • Uống nhiều rượu bia.
  • Thừa cân béo phì.
  • Sử dụng thuốc tránh thai.
  • Dễ bị căng thẳng, stress.
  • Trên 65 tuổi.
  • Dùng thuốc kháng sinh lâu dài.
  • Tiền sử gia đình có ông bà cha mẹ bị cao huyết áp.
  • Nam giới có xu hướng bị cao huyết áp nhiều hơn so với nữ giới.
Người cao tuổi là nhóm đối tượng rất dễ bị huyết áp cao
Người cao tuổi là nhóm đối tượng rất dễ bị huyết áp cao

Bệnh cao huyết áp có gây nguy hiểm không?

Huyết áp cao là một bệnh lý tiềm ẩn nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Cụ thể như:

  • Suy tim: Khi bị huyết áp cao, tim sẽ phải làm việc quá sức để bơm máu đi nuôi cơ thể, lâu ngày sẽ khiến tim bị to ra và yếu đi.
  • Suy thận: Các mạch máu trong thận sẽ bị hẹp lại, khiến máu khó lưu thông tới bộ phận này, từ đó gây suy giảm chức năng thận.
  • Phình động mạch: Bệnh nhân bị huyết áp cao rất dễ bị phình động mạch, dẫn đến chảy máu cục bộ và gây đe dọa tính mạng.
  • Nhồi máu cơ tim, đột quỵ: Người bị tăng huyết áp sẽ có nguy cơ cao bị xơ vữa động mạch. Khi thành mạch bị xơ cứng sẽ khiến lưu lượng máu truyền tới tim bị giảm rõ rệt. Điều này có thể gây ra tình trạng đau tim, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quỵ….
  • Xuất huyết võng mạc: Khi các mạch máu bị vỡ ra sẽ gây ra nhiều vấn đề về thực, khiến người bệnh có thể gặp phải tình trạng xuất huyết hoặc xuất tiết võng mạc, phù gai thị, mù hòa.
  • Hội chứng chuyển hóa: Bệnh nhân tăng huyết áp thường gặp phải tình trạng rối loạn chuyển hóa như: Tăng nồng độ insulin trong máu, tăng mỡ bụng, giảm cholesterol tốt và tăng cholesterol xấu,…
  • Bệnh động mạch ngoại biên ở chân: Tình trạng xơ vữa mạch máu có thể gây hẹp hoặc tắc mạch máu nhỏ ở hai chân. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng đau đớn khi đi lại, thậm chí còn gây loét, hoại tử phải cắt chi, gây tàn phế.

Cách điều trị cho bệnh nhân bị tăng huyết áp

Có rất nhiều biện pháp giúp điều trị bệnh cao huyết áp. Dựa trên tình trạng sức khỏe và mức độ nặng nhẹ của bệnh, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách điều trị sao cho phù hợp.

Cách hạ huyết áp tại nhà

Thực tế có rất nhiều phương pháp giúp làm giảm huyết áp tại nhà một cách an toàn, đơn giản và hiệu quả. Dưới đây là một số giải pháp bệnh nhân có thể tham khảo.

Ngâm chân trong nước nóng

Ngâm chân trong nước nóng là biện pháp giúp làm hạ huyết áp một cách nhanh chóng. Phương pháp này sẽ giúp tăng cường lưu thông máu tới tim và các bộ phận khác trong cơ thể. Từ đó giúp làm ổn định huyết áp, thư giãn tinh thần và giúp người bệnh ngủ ngon hơn. Người bệnh chuẩn bị một chậu nước ấm khoảng 40-50 độ C. Cho thêm một vài giọt tinh dầu, nước cốt gừng và muối biển vào. Tiến hành ngâm chân khoảng 20 phút, sau đó lau khô chân và đi ngủ.

Uống nhiều nước

Khi thấy cơ thể có dấu hiệu của tình trạng tăng huyết áp, người bệnh hãy uống ngay một ly nước ấm để giúp thúc đẩy tuần hoàn máu trong cơ thể. Từ đó giúp giảm tình trạng tắc nghẽn mạch máu tới tim. Ngoài ra, người bệnh cũng cần uống đầy đủ từ 2-2,5 lít nước/ngày để cơ thể vận hành trơn tru, hạn chế nhiều căn bệnh khác.

Uống trà thảo mộc

Một số loại trà thảo mộc như trà xanh, trà hoa cúc, trà đen, trà ô long,… đều có tác dụng làm giảm huyết áp nhanh chóng. Bởi trong thành phần của chúng có chứa hàm lượng lớn chất chống oxy hóa catechin và flavonoid, giúp điều hòa huyết áp, cải thiện triệu chứng của bệnh tim mạch và ngăn ngừa nguy cơ bị đột quỵ. Do đó người bệnh khi bị cao huyết áp nên uống mỗi ngày từ 2-3 tách trà để cải thiện sức khỏe.

Một số loại trà thảo mộc có tác dụng làm giảm huyết áp
Một số loại trà thảo mộc có tác dụng làm giảm huyết áp

Massage nhẹ nhàng

Người bệnh nên tiến hành massage tại vị trí tai và cổ để giúp làm giảm huyết áp. Đây là một phương pháp phổ biến để bổ trợ hiệu quả giúp bạn cải thiện nhanh các triệu chứng của bệnh cao huyết áp. Tại khu vực tai và cổ có nhiều huyệt đạo, khi tác động vào các vị trí này sẽ giúp làm giảm căng thẳng, mệt mỏi, đồng thời hỗ trợ cải thiện lưu thông máu hiệu quả. Tuy nhiên những người mắc bệnh về tĩnh mạch, não, tim,… thì không nên massage tại vùng cổ và tai.

Sử dụng thuốc Tây y

Hạ huyết áp bằng thuốc Tây y là phương pháp được nhiều người áp dụng bởi nó sử dụng đơn giản, tiện lợi và mang lại hiệu quả nhanh chóng. Một số loại thuốc thường có mặt trong các đơn thuốc của bác sĩ như:

Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu có tác dụng vận chuyển ion natri từ trong ra ngoài tế bào. Từ đó giúp làm giãn mạch và giảm sức cản thành mạch và thể tích của huyết tương. Một số loại thuốc lợi tiểu được dùng phổ biến đó là: 

  • Thuốc lợi tiểu quai: Acid ethacrynic, Bumetanide, Furosemide, Torsemide,…
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali: Amiloride, Eplerenone, Triamterene, Spironolactone,…
  • Thuốc lợi tiểu thiazid: Hydrochlorothiazide, Indapamide, Chlorothiazide, Methyclothiazide,… 

Thuốc chẹn beta giao cảm

Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm lực bóp cơ tim, giúp tim đập chậm lại, từ đó hỗ trợ làm giảm huyết áp cho bệnh nhân. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn phát huy hiệu quả các trường hợp bị suy tim, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim,… 

Các loại thuốc chẹn beta giao cảm được dùng phổ biến trong điều trị huyết áp cao bao gồm: Timolol, Propranolol, Labetalol, Carvedilol, Metoprolol, Nebivolol, Bisoprolol, Atenolol,… 

Tuy nhiên thuốc không dùng cho những bệnh nhân bị hội chứng suy nút xoang, hen phế quản, block nhĩ thất độ 2 – độ 3. 

Thuốc chẹn kênh calci

Nhóm thuốc chẹn kênh calci được chia thành 2 loại chủ yếu, bao gồm:

  • Nhóm nondihydropyridine: Thuốc có tác dụng giảm co bóp tim, giảm dẫn truyền nhĩ thất, làm chậm nhịp tim, từ đó hỗ trợ làm giảm huyết áp.
  • Nhóm dihydropyridine: Công dụng chính của thuốc là làm giãn mạch ngoại vi, từ đó hỗ trợ làm giảm huyết áp hiệu quả. Tuy nhiên trong một số trường hợp nó có thể gây ra phản ứng tăng nhịp tim.

Những bệnh nhân bị đau thắt ngực mạn tính, mắc hội chứng Raynaud, thường xuyên gặp phải tình trạng co thắt mạch vành, co thắt phế quản sẽ được bác sĩ ưu tiên sử dụng nhóm thuốc này.

Dùng thuốc Tây y giúp kiểm soát hiệu quả các triệu chứng huyết áp cao
Dùng thuốc Tây y giúp kiểm soát hiệu quả các triệu chứng huyết áp cao

Thuốc giúp chẹn thụ thể angiotensin II

Khi sử dụng nhóm thuốc này, các hoạt chất có trong thuốc sẽ gắn vào thụ thể angiotensin và khiến chúng ngừng hoạt động. Từ đó giúp làm ức làm ức chế hệ renin – angiotensin. Người bệnh cần lưu ý không nên sử dụng cùng lúc thuốc giúp chẹn thụ thể angiotensin II với thuốc ức chế ACE để tránh gây tương tác thuốc. 

Một số loại thuốc phổ biến thuộc nhóm thuốc này bao gồm: Losartan, Irbesartan, Valsartan, Candesartan, Olmesartan, Telmisartan, Eprosartan, Azilsartan,…

Thuốc ức chế ACE

Nhóm thuốc này hoạt động bằng cách ức chế men chuyển hóa angiotensin (ACE), giúp giảm sản xuất angiotensin II, từ đó giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả. Khi huyết áp được hạ xuống sẽ giúp cho tim dễ dàng bơm máu và cải thiện chức năng của hệ tuần hoàn. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng phòng người và điều trị bệnh suy tim, tiểu đường, suy thận,…

Các loại thuốc thuộc nhóm ức chế ACE bao gồm: Enalapril, Captopril, Lisinopril, Benazepril, Quinapril, Perindopril, Ramipril, Trandolapril, Fosinopril, Moexipril,…

Uống thuốc Đông y

Theo quan niệm của Đông y, bệnh huyết áp cao xuất phát từ những nguyên nhân như: Âm hư dương xung, can dương vượng, đàm thấp, tâm tỳ hư,… Tùy thuộc vào từng thể bệnh, mức độ nặng nhẹ cũng như cơ địa của từng người mà thầy thuốc sẽ gia giảm các nguyên liệu sao cho phù hợp.

Bài thuốc trị huyết áp cao Long đởm tả can thang

Bài thuốc giúp điều trị tình trạng tăng huyết áp do can dương vượng, hỗ trợ cải thiện chứng tả hỏa ở can, thanh thấp nhiệt.

  • Nguyên liệu: Long đởm thảo tẩm rượu sao 9g, sài hồ 6g, trạch tả 12g, xa tiền tử sao 9g, mộc thông 9g, sinh địa hoàng sao rượu 9g, quy vĩ sao rượu 3g, chi tử sao rượu 9g, hoàng cầm sao rượu 9g, cam thảo sống 6g.
  • Cách thực hiện: Người bệnh sắc lấy nước uống, mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 lần và uống hết trong ngày.
  • Công dụng: Giúp điều trị tình trạng nhức đầu, chóng mặt, đau rát ngực sườn, miệng đắng, mắt đỏ, ù tai, tiểu tiện buốt, nước tiểu đục,… 

Bài thuốc Lục vị kỷ cúc

Bài thuốc được dùng trong trường hợp bị tăng huyết áp do âm hư dương xung, trong đó triệu chứng âm hư nhiều hơn.

  • Nguyên liệu: Thục địa 16g, phục linh 9g, trạch tả 8g, mẫu đơn bì 8g, câu kỷ tử 12g, sơn thù du 12g, hoài sơn 8g, cúc hoa 12g.
  • Cách thực hiện: Bài thuốc sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia thành 2-3 lần và uống hết trong ngày, nên uống khi còn ấm nóng.
  • Công dụng: Giúp điều trị các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đau lưng, mỏi gối, hay quên, mất ngủ, miệng đắng, họng khô, mặt đỏ,…=
Người bệnh có thể sử dụng thuốc Đông y để điều trị tình trạng cao huyết áp
Người bệnh có thể sử dụng thuốc Đông y để điều trị tình trạng cao huyết áp

Bài thuốc Thiên ma câu đằng ẩm

Bài thuốc được dùng trong trường hợp lên huyết áp do âm hư dương xung, trong đó biểu hiện của dương xung nhiều hơn. 

  • Nguyên liệu: Thiên ma 6g 12g, đỗ trọng 12g, hoàng cầm 12g, câu đằng 12g, phục linh 12g, ngưu tất 12g, tang ký sinh 16g, chi tử 8g, dạ giao đằng 16g, ích mẫu 16g, thạch quyết minh 20g.  
  • Cách thực hiện: Người bệnh đem sắc thuốc để uống trong ngày, nên chia thành 2-3 lần và uống khi còn ấm nóng.
  • Công dụng: Giúp điều trị các triệu chứng như họng khô, đau đầu, lưỡi đỏ.

Bài thuốc Quy tỳ thang

Bài thuốc được chỉ định sử dụng cho bệnh nhân bị huyết áp cao do tâm tỳ hư gây ra.

  • Nguyên liệu: Đẳng sâm 12g, bạch truật 12g, phục thần 12g, đại táo 12g, hoàng kỳ 12g, toan táo nhân 12g, chích cam thảo 2g, đương quy 8g, mộc hương 2g, viễn chí 4g, gừng sống 3 lát.
  • Cách thực hiện: Các vị thuốc trên đem rửa sạch và sắc cùng với nước để uống, chia thành 2-3 lần, uống mỗi ngày 1 thang.
  • Công dụng: Điều trị các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt, hoa mắt, ăn ngủ kém, đại tiện phân lỏng.

Phòng ngừa bệnh tăng huyết áp

Người bệnh hoàn toàn có thể chủ động phòng bệnh cao huyết áp bằng các biện pháp đơn giản như sau:

  • Giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày, một người trưởng thành chỉ cần dùng khoảng 1 thìa cà phê muỗi ~ 5g/ngày.
  • Hạn chế sử dụng đồ ăn nhiều dầu mỡ, có chứa chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa.
  • Ăn uống đủ bữa, không nhịn đói, không ăn quá no, không ăn khuya.
  • Nên tích cực sử dụng nhiều rau xanh, trái cây tươi và các loại thực phẩm giàu protein.
  • Không hút thuốc lá.
  • Tránh sử dụng rượu bia.
  • Giữ chỉ số BMI ở mức cân bằng, giảm cân nếu có người bệnh bị thừa cân, béo phì.
  • Đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, thức dậy đúng giờ.
  • Hạn chế lo lắng, căng thẳng, stress, mệt mỏi kéo dài.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày 60 phút, mỗi tuần tập ít nhất từ 3-4 buổi. Nên lựa chọn những bộ môn thể thao vừa sức như bơi lội, đi bộ, chạy bộ, đạp xe, tập dưỡng sinh, tập thái cực quyền, tập aerobic,…
  • Nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. Bạn có thể mua thiết bị đo huyết áp để chủ động kiểm tra huyết áp của mình tại nhà.

Trên đây là những thông tin về bệnh huyết áp cao mà người bệnh cần nắm rõ. Đây là một căn bệnh có diễn biến âm thần nhưng lại gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe. Vì vậy người bệnh cần chủ động trong việc thăm khám và điều trị để tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Nguồn tham khảo: 

Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

Chuyên khoa

Trị liệu

    Đặt lịch khám chữa bệnh