Huyệt Khúc Trạch: Vị trí, Công dụng và Cách bấm huyệt

Ngày đăng: 07/04/2023 Biên tập viên: Trần Hoa

Huyệt Khúc Trạch là huyệt nằm ở vị trí thứ 3 trên đường kinh Thủ Quyết Âm Tâm Bào. Huyệt này điều trị tốt tình trạng đau tay, đau cánh tay và các bệnh ở tim và dạ dày. Nắm rõ về vị trí, công dụng và phương pháp tác động là chìa khóa để dùng huyệt trị bệnh an toàn và hiệu quả.

Thông tin chung về huyệt Khúc Trạch

Huyệt Khúc Trạch lần đầu tiên được nhắc tới trong thiên Bản Du (Thiên 2, sách Linh Khu). Tên gọi này ngầm chỉ vị trí của huyệt, nằm ở chỗ lõm giống như cái ao (Trạch) ở nếp khuỷu tay khi cong tay lại (Khúc).

Khúc Trạch là huyệt thứ 3 và là huyệt Hợp Thủy của kinh Tâm Bào (ký hiệu PC3). Huyệt có tác dụng thư cân, thông Tâm khí và sơ giáng khí nghịch ở thượng tiêu.

Vị trí huyệt Khúc Trạch

Huyệt Khúc Trạch nằm tại chỗ lõm phía trong khuỷu tay, trên đường nếp gấp khuỷu tay và ở bờ trong gân cơ hai đầu cánh tay.

Giải phẫu cho thấy:

  • Dưới lớp da vùng huyệt là bờ trong gân cơ hai đầu cánh tay, bờ trên cơ sấp tròn, cơ cánh tay trước, khe khớp khuỷu tay.
  • Các nhánh của dây thần kinh cơ-da và dây thần kinh giữa đóng vai trò là dây thần kinh vận động cơ.
  • Da vùng huyệt do tiết đoạn thần kinh D1 hoặc C6 chi phối.
Hình ảnh giải phẫu huyệt Khúc Trạch
Hình ảnh giải phẫu huyệt Khúc Trạch.

Cách xác định huyệt khá đơn giản, cụ thể như sau:

  • Người bệnh hơi gập cánh tay lại để làm lộ rõ đường nếp gấp khuỷu tay.
  • Xác định điểm nằm phía trong đường gân cơ lớn trên nếp gấp khuỷu tay, nơi có mạch đập chính là vị trí Khúc Trạch.

Tác dụng của huyệt Khúc Trạch

Tác động lên huyệt Khúc Trạch giúp thông Tâm khí, thư cân và sơ giáng nghịch khí ở thượng tiêu. Huyệt có khả năng điều trị tốt các bệnh lý sau:

  • Phạm vi tại chỗ: sưng đau khuỷu tay.
  • Theo đường kinh: Bấm huyệt trị đau dạ dày, viêm ruột thừa, đau cánh tay, đau cẳng tay, đau tim, thấp tim, hồi hộp,…
  • Phạm vi toàn thân: sốt, chân tay co giật, mồm khô, nôn do cảm hàn hay thai nghén, ra mồ hôi đầu, thổ tả, phiền táo.

Khúc Trạch có công hiệu trị huyết ứ giống như huyệt Ủy Trung. Tuy nhiên, điểm khác nhau là Ủy Trung thiên về thanh nhiệt, giáng hỏa; phát huy tốt vai trò thanh nhiệt ở đầu não, tiêu tán ứ trệ ở vùng lưng và chi dưới. Khúc Trạch thì chủ yếu thiên về thanh tâm, an thần, thanh nhiệt ở thượng tiêu, tán ứ huyết ở não và chi trên.

Khúc Trạch chủ trị các bệnh đau tay, đau tim, đau dạ dày...
Khúc Trạch chủ trị các bệnh đau tay, đau tim, đau dạ dày…

Thông thường, các thầy thuốc hiếm khi sử dụng huyệt đơn lẻ mà sẽ phối hợp với các huyệt vị phù hợp khác để trị bệnh đạt hiệu quả cao hơn. Cách phối huyệt Khúc Trạch được hướng dẫn trong các tài liệu Y thư cổ như sau:

  • Phối huyệt Chương Môn trị miệng khô (theo Thiên Kim Phương)
  • Phối huyệt Đại Lăng và Khúc Trì trị tim đau (theo Thiên Kim Phương)
  • Phối huyệt Đốc Du và Cách du trị tim đau (theo Tư Sinh Kinh)
  • Phối huyệt Thái Xung và Can Du trị cánh tay co rút (theo Châm Cứu Tập Thành)
  • Phối huyệt Thái Xung, Can Du và Thần Môn trị tay yếu (theo Châm Cứu Đại Thành)
  • Phối huyệt Dương Trì và Đại Lăng trị đi tiêu ra máu (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Ủy Trung (xuất huyết) trị Trường Vị viêm (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Nội Quan, Gian Sử và Thiếu Phủ trị thấp tim (bệnh tim do phong thấp) (theo Châm Cứu Học Thượng Hải).

Cách tác động lên huyệt Khúc Trạch

Đối với việc dùng huyệt nói chung và huyệt Khúc Trạch nói riêng, có 2 liệu pháp tác động chính là phương pháp châm cứu và bấm huyệt. Trong đó, châm cứu là phương pháp tác động sâu và cho hiệu quả cao còn bấm huyệt chỉ tác động ngoài da, tương đối đơn giản nên hiệu quả ở mức hạn chế hơn.

Huyệt Khúc Trạch trên đường kinh Tâm bào
Huyệt Khúc Trạch trên đường kinh Tâm bào.

Cách châm cứu huyệt Khúc Trạch:

  • Châm thẳng, sâu từ 0,5 -0,8 thốn. Cứu 3-5 tráng. Ôn cứu từ 5-10 phút.
  • Trường hợp trị sốt cao do trúng nắng hay do Trường Vị viêm cấp, có thể dùng kim Tam Lăng châm nặn ra ít máu ở huyệt.

Cách bấm huyệt: dùng ngón tay cái ấn và giữ huyệt hoặc day huyệt theo chuyển động tròn trong khoảng từ 1-3 phút.

Lưu ý an toàn khi dùng huyệt PC3

Việc kích thích lên các huyệt đạo luôn cần được thực hiện cẩn trọng trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Dưới đây là một số vấn đề cần lưu ý khi tác động lên huyệt Khúc Trạch:

  • Phòng tránh nguy cơ bội nhiễm bằng cách sát khuẩn tay, vùng huyệt và y cụ trước khi châm cứu hoặc bấm huyệt.
  • Người có sức khỏe yếu, phụ nữ có thai và người mắc các bệnh ngoại khoa không nên điều trị bằng châm cứu hay bấm huyệt.
  • Châm cứu và bấm huyệt nên được thực hiện ở tư thế thoải mái, khi bệnh nhân trong trạng thái tinh thần ổn định. Không tác động lên huyệt khi bụng đang quá đói hoặc quá no và sau khi uống rượu bia.
  • Không tác động lên các vùng da đang có vết thương kín hoặc hở, đang bị sưng viêm hay bầm tím.
  • Nếu muốn tự day ấn huyệt để phòng và trị bệnh tại nhà, nên gặp bác sĩ Đông y để được tư vấn và chỉ dẫn cụ thể trước khi thực hiện.

Huyệt Khúc Trạch là một trong những huyệt tay tương đối dễ xác định, có khả năng điều trị tốt đau tay, đau tim, đau dạ dày, hồi hộp… Trong việc dùng huyệt, luôn luôn cần tuân thủ các nguyên tắc và lưu ý an toàn khi tác động để đạt được hiệu quả tốt và phòng tránh được nguy cơ tai biến.

Xem thêm:

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh