Bấm Huyệt Chữa Táo Bón Có Hiệu Quả Không? Cách Thực Hiện & Lưu Ý Quan Trọng

Ngày cập nhật: 27/04/2024 Biên tập viên: Trần Hoa

Bấm huyệt chữa táo bón là phương pháp hữu hiệu trong Y học cổ truyền giúp việc đại tiện được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc xoa bóp, bấm huyệt cũng mang lại hiệu quả như mong đợi. Cùng theo dõi bài viết để hiểu rõ hơn về phương pháp này, cùng những lưu ý quan trọng để có được hiệu quả điều trị tối ưu.

Bấm huyệt chữa táo bón là gì? Có hiệu quả không?

Táo bón là một trong những bệnh lý về đường tiêu hóa dễ gặp nhất ở nhiều độ tuổi. Tình trạng này không chỉ khiến việc đại tiện khó khăn mà có thể gây ra những vấn đề trầm trọng hơn như bệnh trĩ, nứt hậu môn, suy yếu hệ miễn dịch, tổn thương niêm mạc ruột. Đặc biệt, táo bón lâu ngày khiến các chất độc hại không được loại ra khỏi cơ thể có thể dẫn đến ung thư đại trực tràng.

Theo Y học cổ truyền, trên cơ thể con người có một số huyệt liên hệ mật thiết với hệ tiêu hóa. Khi tác động vào những huyệt này sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe như nhuận tràng, thông tiện, lưu thông khí huyết, kích thích nhu động ruột, giảm đầy hơi, chướng bụng,…. Vì vậy, với chứng táo bón hoàn toàn có thể sử dụng bấm huyệt để trị liệu.

Chứng táo bón có thể sử dụng phương pháp bấm huyệt để trị liệu
Chứng táo bón có thể sử dụng phương pháp bấm huyệt để trị liệu

Cụ thể, bấm huyệt chữa táo bón là phương pháp dùng tay để day, ấn vào vị trí huyệt đạo. Từ đó giúp vận hành khí trong cơ thể, giải phóng khí trệ, sinh tân dịch, làm giảm táo nhiệt và hàn thấp ở giang môn (hậu môn).

Hiện nay, nhiều nghiên cứu cũng ghi nhận chữa táo bón bằng kỹ thuật bấm huyệt sẽ thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giúp phân không còn ứ đọng. Ngoài ra, các động tác này còn tăng lưu lượng máu bồi bổ nội tạng, thư giãn thần kinh và chống viêm nhiễm,… Không chỉ với tình trạng táo bón, người bệnh có thể bấm huyệt bất kỳ lúc nào để thông tiện, nhuận tràng và hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.

Quy trình thực hiện xoa bóp, bấm huyệt chữa táo bón

Thông thường, trước khi thực hiện kỹ thuật bấm huyệt, người bệnh sẽ được tiến hành xoa bóp, giúp quá trình bấm huyệt đạt hiệu quả tốt hơn. Cụ thể, quy trình xoa bóp, bấm huyệt chữa táo bón sẽ được thực hiện theo thứ tự các bước dưới đây: 

Tuân thủ nguyên tắc xoa bóp bấm huyệt:

  • Từ nhẹ đến mạnh;
  • Từ chậm đến nhanh;
  • Từ nông đến sâu;
  • Từ xa đến gần.

Bước 1: Thực hiện kỹ thuật xoa bóp tác động lên da và cơ.

  • Người bệnh thả lỏng các cơ và nằm ngửa trên mặt phẳng. Sau đó thóp bụng một cách từ từ và thở ra. Ngưng thở 5 giây rồi tiếp tục hít vào. Thực hiện hít thở luân phiên trong 3 phút để kích thích nhu động ruột.
  • Xoa tròn bụng: Dùng 2 lòng bàn tay đặt chồng lên nhau, sau đó xoay tròn quanh rốn một cách nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ.
  • Xoa bụng theo chiều ngang bằng 2 bàn tay. Thực hiện khoảng 20 lần.

Bước 2: Thực hiện kỹ thuật tác động lên huyệt: bấm huyệt, day huyệt, ấn huyệt, điểm huyệt.

Bước 3: Thực hiện kỹ thuật tác động lên khớp: vệ khớp, vận động khớp, kéo giãn khớp, rung.

Liệu trình điều trị:

  • Xoa bóp bấm huyệt 30 – 60 phút/lần, 1 đến 2 lần/ngày, tùy thuộc vào vị trí, tình trạng bệnh lý và thể trạng của người bệnh.
  • Một liệu trình điều trị từ 1 – 30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của từng bệnh. Có thể tiến hành 2 – 3 liệu trình hoặc điều trị liên tục đến khi bệnh hồi phục để tránh bị các thương tật thứ phát (teo cơ, cứng khớp, loét, …).

Hướng dẫn cách bấm huyệt trị táo bón hiệu quả

Phương pháp bấm huyệt điều trị táo bón được áp dụng với những người bị táo bón cơ năng, chống chỉ định với các trường hợp có dấu hiệu tắc ruột, dính ruột. Cụ thể, bạn có thể tham khảo các huyệt sau:

Một số vị trí bấm huyệt chữa táo bón hiệu quả
Một số vị trí bấm huyệt chữa táo bón hiệu quả

Bấm huyệt Thiên khu chữa táo bón

Khi tác động lên huyệt thiên khu sẽ giúp tăng khả năng nhu động ruột, cải thiện tình trạng đau bụng do đầy hơi, từ đó giảm chứng khó tiêu, táo bón lâu ngày.

  • Vị trí huyệt: Nằm ở vùng bụng, đo từ rốn sang hai bên khoảng 2 thốn sẽ tìm được huyệt đạo này. Hoặc xác định theo cạnh bờ ngoài cơ thẳng bụng hai bên.
  • Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay day bấm huyệt, xoay tròn theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, trong vòng 3 phút. Ngày day 3-4 lần. 

Huyệt Túc tam lý

Bấm huyệt túc tam lý có tác dụng cân bằng hệ thống tiêu hóa, tăng co bóp cơ trơn ở đường ruột; nhuận trường trong khung đại tràng, rất hiệu quả đối với trường hợp bị táo bón cấp hoặc mạn tính. Ngoài ra, huyệt này cũng giúp tăng cường đề kháng cho cơ thể. Từ đó, hạn chế sự xâm nhập của tà khí gây chứng tiện bí.

  • Vị trí huyệt: Đầu tiên để người bệnh ngồi trên ghế, thả lỏng cơ thể, đặt lòng bàn chân chạm xuống đất. Xác định vị trí huyệt bằng cách tìm chỗ lõm phía ngoài tại khớp gối. Tiếp tục, đo xuống 3 thốn từ vị trí lõm, đó chính là điểm huyệt túc tam lý.
  • Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay ấn vào vị trí huyệt, sau đó xoay tròn theo chiều kim đồng hồ, trong thời gian khoảng 3 phút. Thực hiện lại  3 – 4 lần/ ngày.

Huyệt Trung quản

Khi bấm huyệt chữa táo bón không nên bỏ qua huyệt trung quản. Bởi huyệt này dễ xác định, lại hạn chế tình trạng táo bón rất hiệu quả. Cụ thể day ấn huyệt trung quản sẽ hỗ trợ co bóp, tăng tiết dịch ruột, hành khí hoạt huyết, làm mềm phân, giúp việc đại tiện trở nên dễ dàng hơn.

  • Vị trí huyệt: Người bệnh nằm ngửa trên mặt phẳng. Xác định vị trí huyệt bằng cách lấy giao điểm của đường giữa rốn và đường thẳng ngang đi qua bờ dưới sườn.
  • Cách day bấm huyệt: Thực hiện tương tự như với huyệt túc tam lý. Dùng ngón tay day ấn huyệt, xoay tròn theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Lặp lại 3 – 4 lần mỗi ngày để thấy được hiệu quả

Bấm huyệt Thái khê chữa táo bón

Huyệt Thái khê phù hợp với những trường hợp người bệnh cao tuổi, khí cơ bạc nhược, chính khí suy yếu, hệ thống đường ruột kém, gặp khó khăn khi đi đại tiện. Ngoài ra, day ấn huyệt thái khê còn có tác dụng giúp bổ thận và tăng cường sức khỏe cho người bệnh.

Khi bấm huyệt trị táo bón có thể tham khảo huyệt thái khê
Khi bấm huyệt trị táo bón có thể tham khảo huyệt thái khê
  • Vị trí huyệt: Huyệt thái khê nằm ở phần lõm của bờ sau mắt cá chân trong.
  • Cách day bấm huyệt: Dùng ngón tay trỏ hoặc tay cái day bấm huyệt trong thời gian 2 phút. Nên thực hiện ngày 3 – 4 lần.

Huyệt Hợp cốc

Huyệt Hợp cốc phù hợp với những trường hợp bị táo bón kèm nóng nhiệt và khô miệng. Bấm huyệt này sẽ giúp thanh nhiệt, nhuận tràng và thông trệ hiệu quả. 

  • Vị trí: Nằm ở trên mu bàn tay, tại vị trí trung điểm giữa xương bàn của ngón tay trỏ và ngón tay cái. Mỗi người sẽ có 2 huyệt hợp cốc trên 2 mu bàn tay.
  • Cách bấm huyệt: Dùng ngón tay cái đặt lên vị trí huyệt của tay bên kia, day huyệt trong vòng 2 phút. Sau đó đổi bên và thực hiện tương tự với tay còn lại.

Bấm huyệt Tam âm giao

Huyệt tam âm giao có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị táo bón, tăng cường lượng dịch trong ruột, nhuận tràng, hỗ trợ làm mềm khuôn phân, cải thiện bệnh tình hiệu quả… Đặc biệt phù hợp với những người đã mắc bệnh đã lâu năm.

  • Vị trí huyệt: Huyệt âm giao nằm ở chính giữa mắt cá chân trong, sau đó đo thẳng lên 3 thốn, cách bờ sau xương chày 1 khoảng bằng bề ngang ngón tay trỏ (còn gọi là 1 khoát ngón tay).
  • Cách day bấm huyệt: Dùng lực từ ngón cái, hoặc ngón trỏ day ấn huyệt theo chiều kim đồng hồ trong thời gian 3 phút để cảm nhận sự đau tức. Lưu ý phải thực hiện đủ thời gian mới đảm bảo phát huy công dụng tối đa .

Bấm huyệt Khí hải chữa táo bón

Tác động lên huyệt này có tác dụng kích thích nhu động ruột già, điều hòa khí trong cơ thể, giảm đầy hơi, chướng bụng và táo bón. 

  • Vị trí: Xác định huyệt này khá dễ, bạn chỉ cần đo từ rốn thẳng xuống 1,5 thốn chính là vị trí huyệt cần tìm.
  • Cách bấm huyệt: Dùng đầu ngón tay cái hoặc ngón trỏ day ấn vào huyệt Khí hải trong thời gian 2 phút.

Đối tượng không nên chữa táo bón bằng phương pháp bấm huyệt

Dưới đây là những đối tượng không nên thực hiện bấm huyệt chữa táo bón bởi có thể gây hại cho sức khỏe:

  • Những người bị táo bón do bệnh lý ngoại khoa như tắc ruột.
  • Người trong tình trạng cấp cứu, có thể ảnh hưởng đến tính mạng như xuất huyết nhiều, lơ mơ, không tỉnh táo, chấn thương nặng,…
  • Không thực hiện bấm huyệt với những vùng da có vết thương hở, lở loét, u, mụn nhọt… 
  • Trường hợp người bệnh có khối u ác tính ở vùng xoa bóp bấm huyệt.
  • Tránh bấm huyệt với phụ nữ có thai hoặc người đang có trạng thái tinh thần kích động.
Có nhiều đối tượng không phù hợp với phương pháp trị táo bón bằng bấm huyệt
Có nhiều đối tượng không phù hợp với cách trị táo bón bằng phương pháp bấm huyệt

Ngoài ra cần thận trọng với các trường hợp:

  • Người bệnh sốt cao, đang mắc bệnh truyền nhiễm cấp tính.
  • Phụ nữ đa kinh.
  • Người đang mắc các bệnh suy tim, cơ thể suy kiệt, suy gan, suy thận ở giai đoạn nặng.
  • Người bệnh loãng xương nặng, người có nguy cơ gãy xương.
  • Sau ăn quá no hoặc quá đói. 
  • Người bệnh có nguy cơ chảy máu.

Lưu ý khi thực hiện bấm huyệt chữa táo bón

Bấm huyệt chữa táo bón là phương pháp trị liệu an toàn, có thể thực hiện ngay tại nhà. Tuy nhiên, khi thực hiện bạn nên lưu ý những điều sau để đảm bảo hiệu quả điều trị:

  • Thời gian xoa bóp bấm huyệt chỉ nên kéo dài từ 15 – 30 phút. Đồng thời đảm bảo thực hiện đều đặn mỗi ngày để có được kết quả tốt nhất.
  • Dùng lực nhẹ nhàng, sau đó tăng dần trong quá trình thao tác, tránh dùng sức quá mạnh và đột ngột bởi có thể làm tổn thương vùng da hay các cơ quan bên trong. 
  • Cần xác định đúng vị trí huyệt đạo để tránh rủi ro không mong muốn.
  • Khi day ấn vào các huyệt vị ở bụng cần thận trọng. Việc day ấn quá mạnh, không đúng kỹ thuật có thể gây đau quặn bụng và tổn thương mô mềm.
  • Xoa bóp bấm huyệt chỉ có tác dụng giảm triệu chứng. Người bệnh cần kết hợp với chế độ ăn phù hợp, tăng cường chất xơ, uống đủ nước.
  • Tập thói quen đại tiện theo giờ giúp hỗ trợ điều trị dứt điểm chứng táo bón kéo dài.
  • Nếu người bệnh đã gặp các biến chứng như nứt kẽ hậu môn, bệnh trĩ,… thì nên đến bệnh viện để thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời.

Như vậy, thực hiện xoa bóp bấm huyệt thường xuyên có thể giúp giảm tình trạng táo bón, đầy bụng, khó tiêu,… Tuy nhiên, việc thay đổi lối sống, thói quen ăn uống cũng rất quan trọng. Kết hợp bấm huyệt với việc cải thiện thói quen tiêu hóa sẽ giúp đảm bảo sức khỏe đường ruột của bạn. Ngoài ra, với những bệnh lý nặng, kéo dài, người bệnh cần được kết hợp thêm nhiều phương pháp khác và điều trị nguyên nhân nếu có.

Xem thêm:

Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

Chuyên khoa

Bệnh học

    Đặt lịch khám chữa bệnh

    06/05

    hôm nay

    07/05

    Ngày mai

    08/05

    Ngày kìa

    +

    Khác