Huyệt Kiên Ngung – Huyệt trị đau nhức vai gáy và cánh tay

Ngày đăng: 02/06/2023 Biên tập viên: Trần Hoa

Huyệt Kiên Ngung nằm trên bả vai là huyệt chủ trị đau nhức vai gáy và cánh tay. Nắm rõ cách xác định vị trí, đặc tính và phương pháp tác động là cơ sở để quý vị nhận diện và sử dụng huyệt đạo này an toàn và hiệu quả.

Huyệt Kiên Ngung thuộc đường kinh nào? Đặc tính của huyệt

Huyệt Kiên Ngung có xuất xứ từ Giáp Ất Kinh. Kiên có nghĩa là vai, Ngung nghĩa là đầu xương vai. Cái tên Kiên Ngung nhằm chỉ vị trí nằm vào một góc ở đầu xương vai của huyệt.

Ngoài tên gọi thông dụng nhất này, huyệt còn được biết tới với một vài tên khác như Kiên Cốt, Biên Cốt, Thiên Cốt, Thượng Cốt, Ngung Tiêm, Thiên Kiên, Trung Kiên Tỉnh.

Kiên Ngung là huyệt thứ 15 trên đường kinh Đại Trường.
Kiên Ngung là huyệt thứ 15 trên đường kinh Đại trường.

Kiên Cốt mang đặc tính của huyệt vị thứ 15 trên đường kinh Thủ Dương Minh Đại trường (ký hiệu LI15), đồng thời là huyệt giao hội nối liền kinh Đại Trường với kinh Tiểu trường và mạch Dương duy. Bởi vậy, huyệt phát huy tác dụng tốt trong điều trị đau tay, cánh tay, trị bán thân bất toại và các bệnh ngoài da.

Vị trí huyệt Kiên Ngung, Cách xác định huyệt

Huyệt Kiên Ngung nằm ở chỗ lõm ngoài vai, phía trước và ngoài khớp mỏm cùng vai – xương đòn. Theo giải phẫu, dưới da vùng huyệt là:

  • Khe giữa bó đòn và bó cùng vai của cơ Delta, khe khớp giữa xương cánh tay và xương bả vai.
  • Dây thần kinh mũ đóng vai trò là dây thần kinh vận động cơ.
  • Tiết đoạn thần kinh C4 chi phối da vùng huyệt.

Cách xác định huyệt Kiên Ngung:

  • Với người có chuyên môn, có thể sờ để xác định bờ trước mỏm cùng vai và và lấy huyệt ở điểm giữa mỏm cùng vai và mấu động lớn của xương cánh tay.
  • Với các bệnh nhân không hiểu biết nhiều về huyệt đạo và giải phẫu, có thể xác định huyệt bằng cách đơn giản hơn như sau: dang ngang cánh tay, lúc này sẽ thấy xuất hiện 2 chỗ lõm ở đầu vai (được tạo nên bởi mỏm cùng vai và mấu động lớn xương cánh tay), lấy huyệt tại chính chỗ lõm nhỏ ở phía trước.
Vị trí huyệt Kiên Ngung
Vị trí huyệt Kiên Ngung.

Tác dụng huyệt Kiên Ngung

Kiên Ngung là huyệt giao hội kết nối nhiều đường kinh, phát huy các tác dụng khu phong, trục thấp, giải nhiệt và thanh tiết hỏa khí ở Dương Minh. Huyệt được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý toàn thân, cụ thể như sau:

  • Ở phạm vi tại chỗ: đau vai, đau khớp vai, đau cánh tay, đau cơ do phong thấp…
  • Theo đường kinh và toàn thân: bán thân bất toại, bệnh ngoài da.

Huyệt Kiên Ngung có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với các huyệt đạo khác để tăng cường hiệu quả và mở rộng phạm vi trị liệu. Các tài liệu YHCT ghi chép lại cách phối Kiên Ngung trị bệnh như sau:

  • Phối huyệt Khúc Trì và Hợp Cốc trị chi trên liệt (theo Châm Cứu học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Bách Hội, Khúc Trì, Phát Tế, Phong Thị, Tuyệt Cốt và Túc Tam Lý để phòng ngừa trúng phong (đột quỵ) (theo Vệ Sinh Bảo Giám)
  • Phối huyệt Kiên Liêu, Kiên Nội Lăng và Khúc Trì trị khớp vai viêm (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Kiên Liêu và Dương Lăng Tuyền trị bao khớp dưới xương vai viêm (theo Châm Cứu Học Thượng Hải)
  • Phối huyệt Đại Trữ, Phong Môn và Trung Chử trị vai và lưng sưng đau (theo Châm Cứu Đại Thành)
  • Phối huyệt  Âm Lăng Tuyền, Khúc Trì và Phong Thị trị thống tý (phong thấp đau nhức) (theo Trung Hoa Châm Cứu Học)
  • Phối huyệt Kiên liêu, Kiên Trinh và Nhu Du trị khớp vai đau (theo Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu)
  • Phối huyệt Dương Khê trị ban sởi, phong chẩn (theo Châm Cứu Tụ Anh)
  • Phối huyệt Điều Khẩu, Linh Đạo, Ôn Lưu, Hạ Cự Hư và Túc Tam Lý trị nhũ ung (viêm tuyến vú làm mủ cấp tính) (theo Loại Kinh Đồ Dực)
  • Cứu Kiên Ngung và Khúc Trì trị lao hạch (theo Cảnh Nhạc Toàn Thư)
YHCT thường phối hợp Kiên Ngung với các huyệt đạo khác nhằm tăng cường hiệu quả và mở rộng phạm vi trị liệu
YHCT thường phối hợp Kiên Ngung với các huyệt đạo khác nhằm tăng cường hiệu quả và mở rộng phạm vi trị liệu.

Cách tác động lên Kiên Ngung huyệt

Giống như các huyệt đạo khác, Kiên Ngung có thể được tác động bằng châm cứu hoặc bấm huyệt để điều trị bệnh. Hai phương pháp này có thể được thực hiện đơn lẻ hoặc phối hợp cùng nhau tùy trường hợp.

Cách bấm huyệt Kiên Ngung

Bấm huyệt Kiên Ngung là phương pháp đơn giản nhưng có khả năng thông gân, lợi khớp, phát huy hiệu quả rất tốt trong điều trị đau vai, đau cánh tay.

Chỉ cần dùng ngón tay cái day ấn huyệt Kiên Ngung với lực mạnh vừa đủ là có thể làm giảm nhanh các triệu chứng đau mỏi khó chịu, giúp người bệnh cử động cánh tay bình thường trở lại.

Cách châm cứu

Liệu pháp châm cứu là phương pháp tác động huyệt sâu hơn, bởi vậy mà có khả năng trị bệnh tốt hơn so với bấm huyệt. YHCT hướng dẫn phương pháp châm huyệt Kiên Ngung đúng cách như sau:

  • Cách châm cứu thông thường: châm thẳng kim, sâu từ 0,5-1 thốn hoặc nâng tay bệnh nhân ngang bằng vai rồi châm thẳng tới huyệt Cực Tuyền ở hố nách. Cứu từ 3-5 tráng. Ôn cứu trong 5-15 phút.
  • Trường hợp trị bệnh ở cơ bó đòn và bó cùng: để xuôi tay bệnh nhân, châm mũi kim giữa khớp vai và khớp xương cánh tay, sâu từ 0,5-1 thốn. Khi đã đắc khí rồi thì hướng mũi kim ra 2 bên (mỗi bên sâu từ 2-3 thốn) cho tới khi bệnh nhân cảm thấy như có điện giật xuống vùng cánh tay là được.
  • Trường hợp trị tay lệch ra ngoài: châm luồn kim dưới da, hướng kim về phía cơ tam giác.
Châm cứu là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi được thực hiện bởi người có chuyên môn
Châm cứu là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi được thực hiện bởi người có chuyên môn.

Lưu ý an toàn khi sử dụng huyệt LI15

Để sử dụng huyệt Kiên Ngung an toàn và hiệu quả, cần tuân thủ một vài lưu ý cơ bản sau:

  • Không tự ý tác động lên huyệt LI15 để trị bệnh cho phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, người mắc bệnh nhiễm trùng hoặc các bệnh ngoại khoa.
  • Luôn luôn sát trùng tay, da vùng huyệt và y cụ (nếu có) trước khi châm cứu, bấm huyệt. Đồng thời, không tác động lên huyệt nếu trên da đang có vết thương, vết xước hoặc bị sưng viêm, bầm tím.
  • Khi tác động lên huyệt Kiên Cốt, cần bấm mạnh hoặc châm sâu mới đạt được hiệu quả tốt.
  • Thời điểm lý tưởng nhất để bấm huyệt là vào sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ. Không tác động huyệt khi vừa ăn no, sau khi sử dụng rượu bia hoặc khi bụng đang quá đói.
  • Kiên Ngung là huyệt tương đối khó xác định, nếu chưa chắc chắn về vị trí huyệt, không nên tự ý day ấn mà cần tìm tới sự giúp đỡ của người có chuyên môn.

Huyệt Kiên Ngung là huyệt vị có vai trò quan trọng trên đường kinh Đại trường, chủ trị đau vai, đau tay, liệt nửa người và các bệnh ngoài da. Quý vị hoàn toàn có thể sử dụng huyệt này tại nhà để khắc phục các triệu chứng đau nhức thông thường ở vai gáy và cánh tay. Tuy nhiên, hãy luôn ghi nhớ các lưu ý cơ bản để đảm bảo an toàn sức khỏe và hiệu quả tác động.

Xem thêm: 

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh