Huyết Áp

Ngày đăng: 24/02/2024 Biên tập viên: Trần Hoa

Huyết áp là áp lực của máu đẩy lên thành mạch khi tim hoạt động và áp lực của máu khi tim nghỉ giữa các nhịp. Chỉ số này sẽ được đo bằng hai giá trị là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu chi tiết hơn về khái niệm huyết áp là gì cũng như cách phòng ngừa và điều trị các bệnh liên quan đến chỉ số này.

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực mà máu tác động lên thành mạch trong quá trình chúng được đẩy từ tim ra các mạch để lưu thông đến các cơ quan trong cơ thể. Lực co bóp của tim và sức cản của động mạch là yếu tố chính tạo nên huyết áp.

Một người khỏe mạnh bình thường sẽ có chỉ số huyết áp ban đêm thấp hơn ban ngày. Cụ thể, thời điểm từ 8 đến 10 giờ sáng là lúc huyết áp đạt mức cao nhất và từ 1 đến 3 giờ sáng là lúc huyết áp thấp nhất. 

Một người khỏe mạnh bình thường sẽ có chỉ số huyết áp ban đêm thấp hơn ban ngày
Một người khỏe mạnh bình thường sẽ có chỉ số huyết áp ban đêm thấp hơn ban ngày

Huyết áp người thường sẽ tăng cao khi chúng ta vận động, ăn thực phẩm mặn, xúc động mạch, bị lạnh hoặc căng thẳng thần kinh. Đồng thời huyết áp sẽ hạ thấp xuống khi bạn nghỉ ngơi, thư giãn, đổ nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy hoặc ở trong môi trường nóng bức.

Huyết áp sẽ được đo bằng đơn vị mi li mét thủy ngân (mmHg), thường được viết dưới dạng một tỷ số. Việc đánh giá người bệnh bị huyết áp cao hay huyết áp thấp sẽ phụ thuộc vào 2 chỉ số đó là:

  • Huyết áp tâm thu: Đây là huyết áp tối đa. Đây là mức huyết áp cao nhất trong mạch máu, thể hiện áp lực của máu lên độc mạch khi tim ở trạng thái co bóp. Tùy vào từng độ tuổi mà huyết áp tâm thu có sự thay đổi khác nhau, mức bình thường là từ 90 – 139 mm Hg.
  • Huyết áp tâm trương: Đây là huyết áp tối thiểu. Đây được xem là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu, xảy ra giữa mỗi lần tim co bóp, biểu thị áp lực máu lên thành động mạch khi cơ tim được thả lỏng. Huyết áp tâm trương ở mức bình thường là từ 60 – 89 mm Hg.

Chỉ số huyết áp của một người nếu cao hơn mức tiêu chuẩn thì được coi là huyết áp cao và thấp hơn mức tiêu chuẩn thì gọi là huyết áp thấp. Khi tim đập, huyết áp sẽ thay đổi từ áp lực tâm thu đến tâm áp lực tâm trương. Khi máu di chuyển xa dần từ tim đến các động mạch thì huyết áp cũng sẽ giảm dần.

Thế nào gọi là huyết áp cao/huyết áp thấp?

Huyết áp cao và huyết áp thấp là những bệnh lý mãn tính thường gặp và nó có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi, giới tính nào. Cả huyết áp cao và thấp đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Nếu không được kiểm soát tốt, người bệnh sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nguy hiểm.

Vậy làm thế nào để nhận biết người bệnh bị huyết áp cao hay thấp?

Bệnh huyết áp cao

Huyết áp cao là bệnh lý phổ biến thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi. Người bệnh sẽ có chỉ số huyết áp tâm thu > 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương > 90 mmHg.

Triệu chứng: Huyết áp tăng cao có thể không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào rõ rệt. Chỉ khi bệnh ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh mới cảm nhận rõ ràng các dấu hiệu sau:

  • Đau đầu.
  • Hoa mắt, chóng mặt.
  • Ù tai.
  • Mất thăng bằng.
  • Thở nông, khó thở.
  • Chảy máu mũi.
  • Đau ngực.
  • Tim đập nhanh.
  • Mắt nhìn mờ.
  • Mặt đỏ.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Tiểu ra máu.
  • Mất ngủ.
Người bệnh có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, đau đầu
Người bệnh có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, đau đầu

Nguyên nhân: Hầu hết các trường hợp bị huyết áp cao đều không xác định rõ được nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên bác sĩ chuyên khoa đánh giá người bệnh bị huyết áp cao do những yếu tố sau gây ra:

  • Béo phì, thừa cân.
  • Do tuổi tác cao.
  • Thường xuyên ăn mặn.
  • Uống nhiều rượu bia.
  • Mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tiểu đường,…
  • Hội chứng Cushing.
  • Hội chứng Conn.
  • Tâm lý căng thẳng, stress.
  • Tác dụng phụ của thuốc Tây y.
  • Tiền sử gia đình.

Biến chứng: Người bị huyết áp cao nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe, bao gồm:

  • Suy tim.
  • Suy thận.
  • Đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
  • Phình động mạch.
  • Xuất huyết não, nhồi máu não.
  • Hội chứng chuyển hóa (tiểu đường, béo phì, máu nhiễm mỡ,…)
  • Xuất huyết võng mạc.

Bệnh huyết áp thấp

Huyết áp thấp cũng là bệnh lý nghiêm trọng, gây ra nhiều biến chứng khó lường và làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Người bệnh sẽ có chỉ số huyết áp tâm trương < 60 mmHg hoặc huyết áp tâm thu < 90mmHg. 

Triệu chứng: Các triệu chứng điển hình của bệnh huyết áp thấp bao gồm: 

  • Đau đầu.
  • Chóng mặt.
  • Ngất xỉu.
  • Kém tập trung.
  • Mờ mắt.
  • Buồn nôn.
  • Da nhợt nhạt – lạnh.
  • Nhịp tim nhanh – hơi thở nông.
  • Mệt mỏi.

Nguyên nhân: Bệnh huyết áp thấp có thể xuất phát từ những nguyên nhân như sau:

  • Mắc phải các bệnh lý về tim mạch như bị hở van tim, rối loạn nhịp tim, suy tim,…
  • Chế độ ăn uống hàng ngày bị thiếu hụt chất dinh dưỡng.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm, thuốc chẹn beta hay alpha,…
  • Tiêu thụ nhiều bia rượu.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Mắc bệnh lý mãn tính như bệnh về gan, cường tuyến giáp, bệnh Parkinson…

Biến chứng: Bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như:

  • Ảnh hưởng tới não bộ gây mất ngủ, suy giảm trí nhớ, làm gia tăng nguy cơ nhồi máu não.
  • Suy giảm chức năng sinh lý, giảm ham muốn, khô teo âm đạo, tiền mãn kinh sớm, rối loạn cương dương…
  • Choáng váng, đột quỵ, não bị tổn thương tạm thời hoặc vĩnh viễn.
  • Suy tim, đau thắt ở ngực, nhồi máu cơ tim.
  • Suy thận.
Bệnh gây ra biến chứng suy tim, đau thắt ngực
Bệnh gây ra biến chứng suy tim, đau thắt ngực

Các phương pháp điều trị bệnh huyết áp cao/thấp

Huyết áp cao và huyết áp thấp đều có những phương pháp điều trị riêng biệt.

Điều trị bệnh cao huyết áp

Người bệnh bị cao huyết áp có thể tham khảo một số phương pháp điều trị sau:

Điều trị bệnh tại nhà

  • Ngâm chân trong nước nóng: Người bệnh nên ngâm chân trong nước ấm (40-50 độ C) 10 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ. Phương pháp này giúp tăng cường lưu thông máu từ não xuống chân, giúp huyết áp ổn định, thư giãn tinh thần và hỗ trợ bạn ngủ ngon giấc hơn.
  • Uống nước lọc: Khi có dấu hiệu bị tăng huyết áp, bạn nên uống từ 1-2 cốc nước ấm. Điều này sẽ giúp cơ thể khôi phục thể tích máu ở mức an toàn, giúp hạ huyết áp đáng kể. Ngoài ra, bạn cũng cần duy trì uống từ 2-2.5 lít nước/ngày để cơ thể vận hành trơn tru.
  • Massage phần cổ và tai: Từ vị trí dái tai bạn kéo ngón tay ra trước một khoảng 5mm. Massage theo hình tròn khoảng 1 phút. Sau đó tiến hành massage dọc theo đường thẳng, kéo dài từ dái tai đến cổ. Nên massage cả 2 tai để giúp làm giảm huyết áp một cách hiệu quả.

Sử dụng thuốc Tây y

  • Thuốc lợi tiểu: Bao gồm các thuốc như: Hydrochlorothiazide, Indapamide, Methyclothiazide, Chlorothiazide, Furosemide, Torsemide, Acid ethacrynic, Bumetanide, Amiloride, Eplerenone, Spironolactone, Triamterene… Thuốc có tác dụng hạ huyết áp, giãn mạch nhẹ, giúp giảm thể tích huyết tương, giảm sức cản của mạch bằng việc đưa ion natri từ trong ra ngoài.
  • Thuốc chẹn beta giao cảm: Nhóm thuốc này bao gồm các thuốc như Bisoprolol, Metoprolol, Propranolol, Labetalol, Nebivolol, Timolol, Carvedilol, Atenolol… Có tác dụng làm chậm nhịp tim, giảm sức co bóp cơ tim, giúp làm giảm huyết áp, cải thiện tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy tim,…
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Bao gồm các loại thuốc như Felodipine, Nifedipine, Amlodipine, Nisoldipine, Isradipine, Verapamil, Diltiazem,… có tác dụng giãn mạch ngoại vi mạnh, giảm dẫn truyền nhĩ thất, giảm co bóp cơ tim, làm chậm nhịp tim, từ đó giúp làm giảm huyết áp.
  • Thuốc ức chế ACE: Bao gồm các loại thuốc như Enalapril, Fosinopril, Lisinopril, Perindopril, Quinepril, Benazepril, Captopril, Ramipril, Trandolapril… Thuốc có tác dụng làm giảm sức cản ngoại vi, giảm huyết áp và không gây ra hiện tượng nhịp tim nhanh phản xạ.

Điều trị bằng thuốc Đông y

Bài thuốc có tên Long đởm tả can thang

  • Nguyên liệu: Long đởm thảo 9g (tẩm rượu sao), sài hồ 6g, trạch tả 12g, xa tiền tử 9g (sao), mộc thông 9g, sinh địa hoàng 9g (trộn với rượu sao), đương quy vỹ 3g (sao với rượu), chi tử 9g (sao với rượu), hoàng cầm 9g (sao với rượu), cam thảo 6g dùng sống. 
  • Cách sử dụng: Các vị thuốc trên đem sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia làm 2 lần vào trưa và tối. 
  • Công dụng: Điều trị tăng huyết áp do can dương vượng lên gây chứng nhức đầu, chóng mặt, miệng đắng, mắt đỏ, đau rát ngực sườn, tai ù, tiểu tiện buốt, đục… 

Bài thuốc Lục vị kỷ cúc

  • Nguyên liệu: Thục địa 16g, sơn thù du 12g, hoài sơn 8g, trạch tả 8g, mẫu đơn bì 8g, phục linh 9g, câu kỷ tử 12g, cúc hoa 12g. 
  • Cách sử dụng: Các vị thuốc trên đem sắc với nước để uống. Mỗi ngày uống 1 thang, chia thành 2-3 lần uống, nên dùng ngay khi còn ấm nóng. 
  • Công dụng: Bài thuốc có tác dụng điều trị tăng huyết áp do âm hư dương xung với các biểu hiện như chóng mặt, ù tai, hoa mắt, đau lưng mỏi gối, hay quên, mất ngủ, mặt đỏ, họng khô, đắng miệng.

Bài thuốc Thiên ma câu đằng ẩm

  • Nguyên liệu: Thiên ma 6g, câu đằng 12g, phục linh 12g, ngưu tất 12g, đỗ trọng 12g, hoàng cầm 12g, tang ký sinh 16g, dạ giao đằng 16g, ích mẫu 16g, chi tử 8g, thạch quyết minh 20g.
  • Cách sử dụng: Các vị thuốc sắc uống mỗi ngày 1 thang, chia thành 2-3 lần. Nếu làm thành dạng viên hoàn thì mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 3-5g.
  • Công dụng: Bài thuốc có công dụng điều trị tăng huyết áp với các triệu chứng như mệt mỏi, mắt hoa, ngủ ít, đau đầu, chóng mặt, ăn kém, đại tiện lỏng.
Sử dụng các bài thuốc Đông y giúp cải thiện triệu chứng cao huyết áp
Sử dụng các bài thuốc Đông y giúp cải thiện triệu chứng cao huyết áp

Điều trị bệnh huyết áp thấp

Đối với bệnh nhân bị huyết áp thấp, người bệnh nên áp dụng các cách điều trị như sau:

Áp dụng mẹo tại nhà

  • Sử dụng muối: Khi bị hạ huyết áp, người bệnh nên dùng một cốc nước muối để điều hòa lại huyết áp. Tuy nhiên bạn không nên lạm dụng vì cơ thể không thể hấp thụ được lượng muối quá nhiều trong thời gian ngắn.
  • Uống trà gừng: Gừng là thực phẩm rất tốt đối với người bệnh. Khi có dấu hiệu hạ huyết áp, bạn nên uống 1 tách trà gừng nóng để cải thiện tình trạng bệnh.
  • Cam thảo: Cam thảo có vị ngọt, tính bình, giúp làm ổn định huyết áp. Vì vậy khi bị huyết áp thấp, bạn có thể ngậm một miếng cam thảo hoặc uống một tách trà cam thảo để điều trị huyết áp thấp.

Dùng thuốc Tây y

  • Thuốc fludrocortisone: Loại thuốc này có công dụng điều trị huyết áp thấp, duy trì sự ổn định của huyết áp bằng cách cân bằng tỷ lệ nước và muối trong cơ thể. Tuy nhiên thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như suy tim, sưng phù, tăng nhãn áp, yếu cơ, đau đầu, tăng đường huyết, hạ kali, khó ngủ, tăng cân, viêm loét dạ dày,…
  • Thuốc midodrine: Thuốc có tác dụng kích thích hoạt động của các thụ thể trên thành mao mạch, từ đó giúp làm tăng huyết áp. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải như đau dạ dày, tiểu buốt, chóng mặt, ớn lạnh, tiểu nhiều, khô miệng, chuột rút, nhịp tim chậm, nhầm lẫn, buồn ngủ, khó thở, mờ mắt, lo lắng….
  • Thuốc norepinephrine: Loại thuốc này được sử dụng dưới dạng tiêm, giúp co mạch máu, tăng huyết áp trong trường hợp bệnh nhân bị hạ huyết áp nghiêm trọng. Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Ngứa ngáy, da bong tróc, khó thở, đau thắt ngực, khản giọng, sưng mặt, chóng mặt, đau đầu, ngất xỉu, lo lắng, nhịp tim chậm, tăng cân.

Điều trị bằng thuốc Đông y

Bài thuốc Thể tỳ khí hư

  • Nguyên liệu: Cát lâm sâm 12g, phá cổ chỉ 12g, bạch linh 16g, hoài sơn 16g, mộc hương 12g, cam thảo 6g, mạch môn 12g, hoàng kỳ 20g, nhục đậu 8g, bạch truật 16g, sa nhân 12g, nhục quế 8g.
  • Cách thực hiện: Các vị thuốc trên đem sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.
  • Công dụng: Điều trị huyết áp thấp với các biểu hiện ăn uống kém, cơ nhẽo, chân tay lạnh, mạch trầm, đi ngoài phân lỏng.

Bài thuốc Thể tỳ thận dương hư

  • Nguyên liệu: Nhân sâm 12g, bạch linh 6g, đại táo 16g, liên nhục 20g, hà thủ ô 20g, bạch truật 16g, bá tử nhân 8g, sinh khương 3 lát, bạch thược 12g, kỷ tử 12g, táo nhân 10g.
  • Cách thực hiện: Người bệnh đem sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang.
  • Công dụng: Điều trị bệnh huyết áp thấp với các triệu chứng như váng đầu, ù tai, ngủ kém, đau mỏi lưng gối, chân tay lạnh, di tinh, tiểu đêm, mạch trầm nhược, lưỡi nhợt nhạt.

Bài thuốc Thể khí âm lưỡng hư

  • Nguyên liệu: Nhân sâm 12g, đương quy 12g, ngũ vị 8g, hoàng kỳ 16g, mạch môn 12g, kỷ tử 12g, hoàng tinh 16g, nhục quế 8g.
  • Cách thực hiện: Người bệnh sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang.
  • Công dụng: Thuốc dùng cho bệnh nhân bị huyết áp thấp với các biểu hiện như: Đau đầu, chóng mặt, họng khô khát, mạch tế sắc.

Một số câu hỏi liên quan

Dưới đây là những câu hỏi đường nhiều người quan tâm:

Huyết áp ở trẻ em như thế nào là bình thường?

Đối với trẻ nhỏ từ 0-18 tuổi, chỉ số huyết áp có sự khác nhau tùy vào độ tuổi, giới tính, chiều cao và cân nặng. Các bác sĩ khuyên cha mẹ nên thường xuyên đo huyết áp cho trẻ khi con bắt đầu từ 3 tuổi trở lên. Dưới đây là bảng chỉ số huyết áp ở trẻ em theo độ tuổi:

  • Từ 1 – 12 tháng tuổi: Chỉ số bình thường là 75/50 mmHg, cao nhất là 100/70 mmHg.
  • Từ 1 – 5 tuổi: Chỉ số bình thường là 80/50 mmHg, cao nhất là 110/80 mmHg.
  • Từ 6 – 13 tuổi: Chỉ số bình thường là 85/55 mmHg, cao nhất là  120/80 mmHg.
  • Từ 13 – 15: Chỉ số bình thường là 95/60 mmHg, cao nhất là 104/70 mmHg.
  • Từ 15 – 18 tuổi: Chỉ số bình thường là 117/77 mmHg, cao nhất là 120/81 mmHg.
Trẻ nhỏ cũng cần được đo huyết áp thường xuyên
Trẻ nhỏ cũng cần được đo huyết áp thường xuyên

Chẩn đoán bệnh cần thực hiện xét nghiệm gì?

Người bị cao huyết áp cần thực hiện các xét nghiệm sau:

Xét nghiệm nhằm tìm ra các nguyên nhân gây bệnh

Xét nghiệm này giúp tìm ra nguyên nhân bị cao huyết áp. Ví dụ như hẹp động mạch thận, hẹp eo động mạch chủ, u tuyến thượng thận,… Một số xét nghiệm được thực hiện bao gồm:

  • Siêu âm bụng tổng quát.
  • Siêu âm động mạch thận.
  • Siêu âm động mạch chủ.
  • Xét nghiệm chức năng thận, hormone tuyến thượng thận, tuyến giáp, tuyến yên.
  • Chụp CT hoặc MRI bụng.
  • Xét nghiệm đa ký giấc ngủ.

Xét nghiệm giúp đánh giá ảnh hưởng của bệnh 

Xét nghiệm này nhằm đánh giá ảnh hưởng của cao huyết áp đối với các cơ quan trong cơ thể. Ví dụ như hở van tim, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, giãn buồng tim, gây tiểu đạm, nhiễm trùng đường tiểu, tiểu đường… Các xét nghiệm phổ biến phải kể đến như:

  • Đo điện tim đồ.
  • Siêu âm tim.
  • Xét nghiệm công thức máu.
  • Tổng phân tích nước tiểu.
  • Đo vận tốc sóng mạch.
  • Đo chỉ số huyết áp cổ chân và cánh tay (ABI).
  • Chụp võng mạc.

Bệnh tăng/hạ huyết áp có di truyền không?

Các chuyên gia cho biết, bệnh tăng hoặc hạ huyết áp có thể mang tính di truyền. Có ít nhất 10 rối loạn gen được nhận diện là có thể gây ra những bất thường về huyết áp. Chúng đều có đặc điểm chung đó là làm tăng khả năng hấp thụ muối natri, khiến cho tuần hoàn máu bị quá tải. Tuy nhiên tỷ lệ di truyền chỉ chiếm 1% trong tổng số các trường hợp bị bệnh về huyết áp.

Ăn gì để điều hòa huyết áp?

Để giúp huyết áp luôn ở mức ổn định, người bệnh cần tiêu thụ những thực phẩm sau:

  • Quả mọng: Việt quất, nho, dâu tây, mâm xôi, cherry,…  
  • Rau lá xanh đậm: Rau xà lách, rau cần tây, rau diếp, bắp cải xanh, cải xoăn, rau chân vịt, cải cúc,…
  • Các loại cá: Cá hồi, cá thu, cá mòi, cá trích, cá nục, cá ngừ…
  • Trái cây có múi: Chanh, cam, quất, quýt, bưởi.
  • Ngũ cốc: Bột yến mạch, gạo lứt, bánh mì nguyên cám, hạt diêm mạch…
  • Các loại đậu: Đậu lăng, đậu nành, đậu xanh, đậu đen, đậu gà, đậu Hà Lan,…
  • Các loại hạt: Hạnh nhân, hạt óc chó, hạt dẻ cười, đậu phộng, hạt chia và hạt lanh.
  • Rau củ: Cà rốt, khoai tây, cà tím, củ cải đường, cà chua…
Người bệnh nên ăn nhiều rau củ quả để cải thiện sức khỏe
Người bệnh nên ăn nhiều rau củ quả để cải thiện sức khỏe

Cách phòng ngừa bệnh hiệu quả

Huyết áp cao hay huyết áp thấp đều là những bệnh lý mãn tính gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Vì vậy người bệnh cần có biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Những người bị thừa cân, béo phì thường có nguy cơ cao mắc các bệnh về huyết áp, đặc biệt là huyết áp cao. Vì vậy bạn cần duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý để giúp cân bằng chỉ số huyết áp.
  • Ăn nhiều hoa quả: Trái cây tươi có chứa rất nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, ít chất béo và ít cholesterol. Vì vậy để ngăn ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch, bạn nên ăn nhiều trái cây tươi, đặc biệt là các loại hoa quả ít đường như: Lựu, chuối, dứa, cam, quýt, dâu tây, táo,…
  • Giảm lượng muối: Ăn nhạt, ăn ít muối là cách giúp phòng ngừa bệnh huyết áp cao. Lượng muối được khuyến khích sử dụng là 1 thìa/ngày. Ngoài ra bạn cũng cần giảm bớt những loại thực phẩm chứa nhiều muối như: Mì tôm, khoai tây chiên, bim bim, thịt bò khô, pizza,…
  • Tập luyện thể thao: Để ngăn ngừa tình trạng rối loạn huyết áp, bạn cần dành ra 30-60 phút mỗi ngày để tập luyện thể dục thể thao. Các bài tập như gym, yoga, bơi lội, đi bộ, chạy bộ, đạp xe,… sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm mỡ máu và tăng cường sức đề kháng.
  • Ngưng dùng đồ uống có cồn: Người bệnh không nên dùng đồ uống có cồn. Nếu bắt buộc phải dùng thì chỉ nên uống từ 1-2 chén/ngày, mỗi chén khoảng 15-20ml.
  • Không hút thuốc lá: Chất nicotin trong thuốc lá là chất gây nghiện, kích thích sản sinh adrenaline khiến cho tim đập nhanh. Nhịp tim tăng nhanh hơn sẽ gây huyết áp cao.
  • Điều chỉnh tâm trạng: Căng thẳng, stress sẽ làm tăng huyết áp và gây ra các bệnh về tim mạch. Vì vậy nếu bạn thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, lo âu, trầm cảm thì hãy thư giãn bằng cách giảm tải khối lượng công việc, đi du lịch, xem phim, gặp gỡ bạn bè, thiền định,…
  • Theo dõi chỉ số định kỳ: Theo dõi huyết áp định kỳ tại phòng khám hoặc tại nhà để có biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh kịp thời. Nếu huyết áp của bạn cao hơn 120/80 mmHg thì bạn nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên hơn.

Trên đây là những thông tin về các vấn đề xoay quanh tình trạng huyết áp là gì. Hy vọng rằng chia sẻ này từ Đông Phương Y Pháp sẽ giúp bạn có thêm được nhiều kiến thức hữu ích để quản lý sức khỏe của mình được tốt hơn. 

Nguồn tham khảo:

Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

Chuyên khoa

Trị liệu

    Đặt lịch khám chữa bệnh