Huyệt Phong Long: Vị trí, tác dụng và cách ứng dụng trị bệnh

Ngày đăng: 25/05/2023 Biên tập viên: Nguyễn Trang

Huyệt Phong Long nếu được tác động đúng cách có thể giúp điều trị các chứng bệnh hoa mắt chóng mắt, đau nhức đầu, hen suyễn, thở không ra hơi rất tốt. Vậy cụ thể huyệt vị này nằm ở đâu, cách xác định thế nào, bấm huyệt ra sao? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu.

Huyệt Phong Long là gì?

Tên huyệt: Phong Long.

Giải nghĩa tên huyệt:

Từ ”Phong” ở đây chỉ sự cao lớn, sung túc, dư dả. Còn từ “Long” có nghĩa là đầy đặn, đầy ứ. Đây là vị trí hội tụ nhiều kinh khí và huyết, do vậy có tên gọi là Phong Long (Trung Y Cương Mục).

Xuất xứ: Thiên 10: Kinh Mạch (Linh Khu 10).

Đặc tính:

  • Huyệt thứ 40 của kinh Vị.
  • Huyệt Lạc của kinh Vị.

Vị trí của huyệt Phong Long

Việc xác định chính xác vị trí huyệt vị đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình chữa bệnh.

Vị trí: Huyệt Phong Long có vị trí tại khu vực ngoài mắt cá nhân cách khoảng 8 tấc, ở phần lõm ngoài khu vực xương ống chân. Hoặc cũng có thể xác định bằng cách lấy vị trí lồi ra cao nhất của phần ngoài mắt cá nhân đo khoảng 8 tấc, phần khe của cơ chung giúp duỗi thẳng ngón chân với cơ mác bên ngắn.

Hình ảnh huyệt Phong Long
Hình ảnh huyệt Phong Long

Giải phẫu:

  • Phần dưới da là khe của cơ chung giúp duỗi các ngón chân và cơ mác trái, sâu hơn là cơ chung chỉ chi phối hoạt động duỗi ngón chân cái, xương mác.
  • Dây thần kinh vận động cơ là nhánh của thần kinh cơ da và dây thần kinh chày trước.
  • Phần da của huyệt phụ thuộc vào dây thần kinh L5.

Tác dụng và cách tác động huyệt Phong Long

Huyệt Phong Long có tác dụng điều hoà Vị Khí, trị đờm thấp, chủ trị trong các trường hợp ho có đờm, hoa mắt chóng mặt, hen suyễn, liệt chi dưới, thở không ra hơi, đầu đau.

Tác dụng của huyệt đạo

Huyệt đạo Phong Long có khả năng giải phóng đàm khí ở nhiều vị trí trên cơ thể. Cụ thể như:

  • Bị đàm nhiều ở đầu kèm các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, trầm cảm, người quay cuồng, mất tập trung, tâm lý dễ bất ổn.
  • Bị đàm nhiều ở cơ thể gây ra các dấu hiệu như ngực bị chèn ép, xuất hiện tình trạng khó thở, hen xuyễn, thở khò khè.
  • Đặc biệt khi đàm nhiều tại phần cổ sẽ khiến khí huyết không lưu thông được, gây ra tình trạng viêm họng, giọng tiếng tạm thời.
  • Chi dưới bị đàm nhiều, gây ra đau, sưng tấy, yếu hai chân.

Như đã nói ở trên huyệt Phong Long có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh do đàm khí gây nên. Dưới đây là các cách tác động lên huyệt đạo này để điều trị bệnh.

Cách bấm huyệt

Bấm huyệt là cách tác động lên huyệt vị, nhằm đả thông kinh mạch, tăng cường khí huyết và hỗ trợ giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên để được kết quả như mong muốn, người bệnh không nên tự tiến hành tại nhà bởi nó có thể gây hại cho sức khỏe nếu xác định sai vị trí huyệt.

  • Ban đầu cần xác định chính xác vị trí huyệt đạo sau đó dùng ngón tay cái ấn mạnh huyệt.
  • Day đều theo chiều kim đồng hồ, để như vậy trong vòng 10 phút đến khi có cảm giác căng tức thì dừng.

Bạn đọc có thể tự day bấm huyệt Phong Long thường xuyên mỗi ngày hoặc kết hợp hơ ngải cứu trên huyệt để cải thiện bệnh lý. Theo các chuyên gia, thời gian tiến hành day, ấn huyệt nên kéo dài từ 1 – 3 phút với lực đủ mạnh thì mới đạt được kết quả.

Cách châm cứu

Châm cứu là liệu pháp sử dụng kim châm tác động lên huyệt đạo để khai thông kinh mạch, từ đó hỗ trợ điều trị bệnh lý. Cách tác động lên huyệt đạo này theo liệu pháp châm cứu được thực hiện như sau:

  • Châm thẳng kim, đầu mũi kim hướng về phía trong.
  • Sâu 1 – 1.5 thốn, cứu 5 – 7 tráng, thời gian ôn cứu trong khoảng 5 – 15 phút.
Bấm huyệt, châm cứu cần được thực hiện đúng cách và chính xác
Bấm huyệt, châm cứu cần được thực hiện đúng cách và chính xác

Phương pháp này khá phức tạp, đòi hỏi người thầy thuốc phải có tay nghề cao và sự hiểu biết chuyên sâu về huyệt đạo. Nếu lực tác động không đủ hoặc cách tác động sai huyệt có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí là gây tử vong. Do vậy, tốt nhất, người bệnh nên đến các cơ sở châm cứu, bấm huyệt uy tín để thực hiện trị liệu.

Cách phối huyệt trị bệnh

Hệ thống các huyệt đạo trên cơ thể con người đều có mối tương thông lẫn nhau. Chính vì vậy, các tài liệu cổ đã chỉ ra một số cách phối huyệt để nâng cao khả năng trị bệnh. Dưới đây là một số cách phối huyệt Phong Long chữa bệnh phổ biến:

Theo Giáp Ất Kinh:

  • Phối với huyệt Phục Lưu (Th.7) trị tay chân phù.
  • Phối với Dương Giao (Đ.35), Thừa Tương (Nh.24) trị mặt sưng phù.

Theo Thiên Kim Phương:

  • Phối với Xung Dương (Vị 42) trị cuồng, chạy bậy, trèo cao ca hát, cởi quần áo ra mà chạy.
  • Phối với Đại Đô (Tỳ 2), Phục Lưu (Th.7) trị tay chân phù, phong nghịch.

Theo Tư Sinh Kinh:

  • Phối với Tỳ Du (Bàng quang.20) chủ trị tay chân không co duỗi được.
  • Phối với Phục Lưu (Th.7) chủ trị tay chân sưng.

Theo Châm Cứu Tụ Anh:

  • Phối với Phế Du (Bàng quang.13) trị ho đờm.
  • Phối với Dũng Tuyền (Th.1), Hợp Cốc (Đại trường.4), Thiên Đột (Nh.22) trị họng đau.

Theo Châm Cứu Đại Thành:

  • Phối với Công Tôn (Tỳ 4), Đản Trung (Nh.17), Trung Khôi trị nôn ra nước dãi, chóng mặt.
  • Phối với Giải Khê (Vị 41) trị đau đầu phong, chóng mặt.

Theo Bách Chứng Phú:

  • Phối với Dũng Tuyền (Th.1), Quan Nguyên (Nh.4) trị ho lao.
Phối huyệt Phong Long trị bệnh sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị lên vài phần
Phối huyệt Phong Long trị bệnh sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị lên vài phần

Theo Ngọc Long Kinh:

  • Phối với Cường Gian (Đc.18) trị đầu đau.

Theo Y Học Cương Mục:

  • Phối với Trung Quản (Nh.12) trị đờm ẩm.
  • Phối với Ẩn Bạch (Tỳ 1), Dũng Tuyền (Th.1), Quan Xung (Tam tiêu.1), Thiếu Thương (Phế 11), Thiếu Xung (Tm.9) trị họng đau.

Theo Thần Ứng Kinh:

  • Phối với Liệt Khuyết (Phế 7), Phục Lưu (Th.7) trị tay chân phù.

Theo Châm Cứu Học Thượng Hải:

  • Phối với An Miên, Thần Môn (Tm.7) trị mất ngủ.
  • Phối với Hành Gian (C.3), Nội Quan (Tâm bào.7), Thiên Trụ (Bàng quang.10) trị chóng mặt.

Ứng dụng huyệt Phong Long trong điều trị các bệnh lý cụ thể

Huyệt Phong Long nằm ngay tại chân, dễ dàng xác định do đó thường được ưu tiên để điều trị các bệnh lý liên quan. Mặt khác, cách tác động vào huyệt đạo này cũng đơn giản, không cần cầu kỳ như nhiều huyệt đạo khác.

Viêm họng

Theo quan điểm Đông y, viêm họng có liên quan đến lục phủ ngũ tạng. Còn huyệt đạo được coi là cửa ngõ, là nơi tà khí có thể xâm nhập và gây bệnh cho cơ thể. Đồng thời, huyệt đạo cũng có mối liên quan chặt chẽ với lục phủ ngũ tạng trong cơ thể con người. Do vậy, phương pháp bấm huyệt vừa giúp nâng cao sức khoẻ vừa hỗ trợ cải thiện một số bệnh lý.

Bấm huyệt Phong Long rất thích hợp với người bệnh viêm họng có triệu chứng hoa mắt, đau đầu, ho có nhiều đờm.

Các bước thực hiện: Dùng ngón tay cái ấn giữ huyệt Phong Long trong vòng 1 đến 3 phút ở cả hai bên chân. Day ấn huyệt đạo đến khi có cảm giác căng tức là được. Nên thực hiện bấm huyệt Phong Long mỗi ngày 2 lần.

Hen phế quản

Bệnh hen phế quản trong y học cổ truyền còn gọi là háo suyễn – háo hỗng, nhiệt háo, lãnh háo hay nhiệt háo. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh, chủ yếu do rối loạn hoạt động hay suy yếu ở các tạng phế, tỳ, thận.

Day ấn huyệt Phong Long có thể hỗ trợ cải thiện triệu chứng của bệnh hen phế quản
Day ấn huyệt Phong Long có thể hỗ trợ cải thiện triệu chứng của bệnh hen phế quản

Người bệnh khi bị hen phế quản có cơn khó thở, khó thở ra, ho, tức ngực, có thể khạc hoặc không khạc ra đờm. Cơn khó thở kéo dài vài chục phút đến vài giờ đồng hồ. Trường hợp nặng, cơn khó thở kéo dài hơn, mức độ khó thở cũng tăng cao hơn.

Ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân có thể tự tiến hành một số thao tác tự xoa bóp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh. Kiên trì thực hiện sẽ giúp cho không khí trong phổi lưu thông tốt hơn, tiêu đờm phế và giảm khó thở.

Các bước thực hiện: Dùng ngón cái lần lượt day bấm huyệt Phong Long mỗi bên bàn chân trong khoảng 2 phút.

Thuỷ châm trị đau đầu

Thủy châm là phương pháp tiêm thuốc vào huyệt đạo mà các thuốc tây y có chỉ định tiêm bắp nhằm mục đích chữa bệnh. Thầy thuốc sẽ vận dụng kỹ thuật châm cứu đưa thuốc vào huyệt đạo nhằm làm tăng thêm cường độ, diện tích và thời gian kích thích trong khi chữa bệnh.

Việc thủy châm vào huyệt Phong Long phải nhẹ nhàng, dứt khoát theo các bước như sau:

  • Bước 1: Lấy thuốc vào bơm tiêm và test trên da người bệnh.
  • Bước 2: Thầy thuốc dùng hai ngón tay ấn và căng da vùng huyệt, sau đó tiến đâm kim qua da vùng huyệt nhanh, dứt khoát. Lúc này, bệnh nhân sẽ thấy cảm giác tức nặng tại vị trí kim châm (cảm giác đắc khí). Với trường hợp đau đầu do đàm thấp, thầy thuốc sẽ thực hiện thủy châm 2 bên huyệt Phong trì, Phong long, Túc tam lý.
  • Bước 3: Từ từ bơm thuốc vào huyệt đạo, mỗi huyệt từ 1- 2 ml thuốc.
  • Bước 4: Rút kim nhanh qua da, sau đó sát trùng vị trí châm.

Thủy châm không chỉ có tác dụng làm giảm hay ức chế căn bệnh mà phương pháp này tác động trực tiếp và nhanh chóng khắc phục nguyên nhân gây ra bệnh. Một liệu trình điều trị từ 15 – 30 lần, một ngày một lần, mỗi lần thủy châm vào 2- 3 huyệt. Người bệnh nghỉ 10 ngày để điều trị liệu trình đau đầu tiếp theo.

Những lưu ý quan trọng khi tác động lên huyệt Phong Long

Huyệt Phong Long là huyệt đạo có vai trò quan trọng với sức khỏe nên khi tác động người bệnh cần lưu ý một số điểm sau:

  • Không tự ý tiến hành xoa bóp, bấm huyệt Phong Long nếu không có sự hiểu biết về huyệt vị này. Việc tác động sai có thể khiến cơ thể đau nhức, mệt mỏi, thậm chí là khiến bệnh tình nặng hơn.
  • Lựa chọn những thầy thuốc Đông y hoặc cơ sở y học cổ truyền uy tín để tiến hành châm cứu, bấm huyệt nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
  • Những trường hợp có vết thương hở, vết bầm tím, tụ máu tuyệt đối không áp dụng các liệu pháp huyệt đạo để chữa bệnh. Vì có thể gây ra nhiễm trùng, bội nhiễm khiến vùng tổn thương lan rộng hơn.
  • Không bấm huyệt, châm cứu khi mới ăn no, uống rượu bia hoặc bụng đang đói vì điều này có thể cản trở hiệu quả của quá trình trị liệu.
  • Việc xoa bóp, bấm huyệt thường cho hiệu quả lâu nên người bệnh cần tuân thủ đều đặn theo liệu trình hướng dẫn của thầy thuốc.

Trên đây là toàn bộ thông tin về huyệt Phong Long. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đọc sẽ có thêm hiểu biết về huyệt đạo này để ứng dụng đúng cách trong việc điều trị bệnh, sớm lấy lại sức khỏe cho bản thân.

Tham khảo thêm

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh