Huyệt Thập Tuyên: Vị trí và một số ứng dụng hiệu quả nhất

Ngày đăng: 25/05/2023 Biên tập viên: Nguyễn Trang

Huyệt Thập Tuyên là một trong các huyệt vị quan trọng ở bàn tay. Vị trí chính xác huyệt vị này nằm ở đâu? Có thể áp dụng huyệt trong điều trị bệnh gì? Hãy cùng tham khảo bài tổng hợp kiến thức dưới đây để hiểu hơn về huyệt vị này.

Vị trí huyệt Thập Tuyên

Xuất xứ: Kỳ Hiệu Lương Phương.

Vị trí huyệt: Thập Tuyên là huyệt vị nằm ở đỉnh cao nhất giữa đầu 10 ngón tay, cách đầu móng tay 2mm.

Hình ảnh huyệt Thập Tuyên
Hình ảnh huyệt Thập Tuyên

Giải phẫu: Dưới vị trí huyệt là đầu đốt cuối của các xương ngón tay. Da vùng huyệt này được chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6, C7, C8 và D1.

Tác dụng huyệt Thập Tuyên và phối hợp huyệt

Huyệt Thập Tuyên chủ trị các chứng bệnh như: Sốt cao, hôn mê, say nắng, đầu ngón tay tê. Ngoài ra còn có tác dụng chữa động kinh, Hysteria, kích ngất.

Để gia tăng hiệu quả điều trị bệnh, trong các sách y học cổ truyền thường chỉ dẫn phối hợp huyệt Thập  Tuyên với một số huyệt liên quan, Cách phối kết hợp huyệt vị trị bệnh hiệu quả:

  • Theo Châm Cứu Đại Thành: Phối cùng huyệt Dũng Tuyền (Th.1), huyệt Đại Lăng (Tb.7), huyệt Hợp Cốc (Đtr.4) và huyệt Tứ Hoa trị ngũ tâm phiền nhiệt.
  • Theo Châm Cứu Đại Toàn: Phối với huyệt Du Phủ (Th.27), huyệt Đản Trung (Nh.17), huyệt Hợp Cốc (Đtr.4), huyệt Khuyết Bồn (Vi 12), huyệt Phù Đột (Đtr.18), huyệt Thiên Đột (Nh 22), huyệt Thiên Song (Ttr.16), Trung Phủ (P.1) trị ngũ anh – tình trạng bệnh bướu cổ.
  • Theo Châm Cứu Học Thượng Hải: Phối với huyệt Đại Chùy (Đc 14) và huyệt Nhĩ Tiêm có tác dụng trị sốt cao hoặc say nắng.

Cách châm cứu, bấm huyệt Thập Tuyên

Châm cứu, bấm huyệt Thập Tuyên có tác dụng cải thiện được rất nhiều chứng bệnh. Tuy nhiên nếu thực hiện sai cách sẽ không mang lại hiệu quả và có thể gây ra một số hệ lụy gây nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, để đảm bảo an toàn người bệnh nên được châm cứu, bấm huyệt đúng cách theo hướng dẫn dưới đây.

Cách châm cứu huyệt Thập Tuyên

Đối với mỗi tình trạng bệnh khác nhau, khi châm cứu cũng có tiêu chuẩn khác nhau:

  • Thông thường châm cạn hoặc châm nặn ra ít máu.
  • Khi cấp cứu cần châm cạn chừng 0,1 thốn, vê kim mạnh sau đó rút kim.
  • Khi trị họng viêm, amidan viêm cấp có thể châm nặn ra máu.

Đối với phương pháp châm cứu, bệnh nhân không nên tự thực hiện mà cần đến điều trị ở các cơ sở y tế có uy tín, có đội ngũ bác sĩ/ thầy thuốc giàu kinh nghiệm.

Tùy vào mục đích mà có cách châm cứu huyệt Thập Tuyên khác nhau
Tùy vào mục đích mà có cách châm cứu huyệt Thập Tuyên khác nhau

Lưu ý: Bên cạnh việc thực hiện đúng kỹ thuật, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ để tìm được những cơ sở châm cứu uy tín để đảm bảo hiệu quả cao và an toàn tuyệt đối.

Bấm huyệt Thập Tuyên

Cũng giống như đa số huyệt vị ở tay khác, khi bấm huyệt Thập Tuyên trị bệnh, bệnh nhân có thể tự thực hiện theo các bước sau:

  • Bệnh nhân ngồi hoặc nằm theo đúng tư thế chuẩn khi bấm huyệt.
  • Dùng đầu ngón tay cái lần lượt bấm và day ấn với lực vừa phải ở huyệt vị.
  • Thực hiện day ấn huyệt lần lượt ở mỗi ngón tay trong khoảng 30 giây để có hiệu quả tốt nhất.

Ứng dụng huyệt vị trong điều trị bệnh

Trong dân gian lưu truyền rất nhiều cách tác động đến huyệt Thập Tuyên để trị bệnh. Dưới đây là cách tác động huyệt trị một số bệnh thường gặp.

Trị chứng say nắng

Trong y học cổ truyền, say nắng được gọi là chứng Trúng thử. Cơ chế sinh bệnh dựa trên cơ sở chính khí hư suy (giảm sức đề kháng), thử nhiệt hoặc thử thấp xâm nhập vào cơ thể, uất lại và nung đốt làm hao tổn âm dịch tạo thành bệnh.

Say nắng, say nóng nhẹ có biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, tức ngực, khát nước, lợm giọng, buồn nôn, da nóng, không có mồ hôi, toàn thân mệt mỏi,… Nếu bệnh nặng còn xuất hiện thêm các triệu chứng như mặt nhợt nhạt, vã mồ hôi, chân lạnh. Trong một số trường hợp có thể hôn mê bất tỉnh, co giật tứ chi.

Khi bệnh nhân bị say nắng bất tỉnh nhân sự thì lập tức dùng ngón tay cái lần lượt bấm mạnh huyệt Nhân Trung và Thập Tuyên để trị bệnh. Vị trí huyệt nhân trung nằm ở điểm nối 1/3 trên với 2/3 dưới của rãnh nhân trung, giữa đáy rãnh.

Kết hợp ấn huyệt Nhân Trung giúp giảm nhanh triệu chứng say nắng nặng
Kết hợp ấn huyệt Nhân Trung giúp giảm nhanh triệu chứng say nắng nặng

Sau khi xác định vị trí huyệt vị thì dùng ngón tay cái bấm lần lượt với lực vừa phải. Tác dụng của cách bấm huyệt này là giúp khai khiếu (làm thức tỉnh) và tiết nhiệt (thải nhiệt, giải nhiệt). Vì vậy cần thực hiện day ấn huyệt vị đến khi bệnh nhân hồi sức thì dừng lại.

Sơ cứu bệnh nhân tai biến

Đối tượng thường dễ bị tai biến nhất là người có tiền sử cao huyết áp, mắc bệnh tim mạch, béo phì, nghiện rượu bia,… Dấu hiệu thường gặp là nhức đầu kéo dài hoặc thoáng qua, chóng mặt, ù tai, buồn nôn, xuất hiện vết bầm trên mặt, giao tiếp khó khăn, không nghe thấy,…

Tai biến mạch máu não rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng tai biến mà chưa kịp đưa đến cơ sở y tế hoặc trong thời gian đợi cấp cứu cần:

  • Hơ nóng kim bằng lửa để sát trùng, rồi dùng kim châm vào huyệt Thập Tuyên tới khi cho rỉ máu là được.
  • Trong trường hợp không thấy máu chảy ra có thể nặn các đầu ngón tay đến khi thấy máu chảy là được.
  • Sau khi máu đã chảy ở cả mười đầu ngón tay, chờ vài phút, bệnh nhân sẽ tỉnh dậy.
  • Đối với trường hợp bệnh nhân bị méo mồm, nên dùng kim châm vào hai dái tai hoặc kéo hai tai tới khi ửng đỏ.
  • Sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện để các bác sĩ điều trị, tránh mắc phải các hệ lụy về sau.

Chữa tê đầu ngón tay

Tê đầu ngón tay là tình trạng nhức mỏi thông thường hoặc do mắc một số bệnh như thoái hóa khớp, tiểu đường, trúng gió, tiền mãn kinh,… Dấu hiệu nhận biết ban đầu là tê bì, đau nhức ngón tay. Khi bệnh kéo dài có thể làm giảm chức năng cầm nắm, ảnh hưởng đến năng suất làm việc.

Tê đầu ngón tay nếu không điều trị kịp thời có thể làm mất chức năng vận động, bại liệt. Để ngăn ngừa biến chứng này xảy ra, khi có dấu hiệu tê bì ở tay người bệnh cần:

  • Massage vòng trong lên mu bàn tay theo chiều kim đồng hồ, mỗi bên thực hiện khoảng 10 lần.
  • Dùng ngón tay cái day ấn huyệt Thập Tuyên, mỗi ngón cần thực hiện ít nhất 30 giây.
  • Dùng tay xoa bóp với lực vừa phải ở các ngón tay đến khi tay có cảm giác và không còn tê bì thì dừng lại.
Massage, day ấn huyệt giúp giảm tình trạng tê đầu ngón tay nhanh chóng
Massage, day ấn huyệt giúp giảm tình trạng tê đầu ngón tay nhanh chóng

Vị trí huyệt Thập Tuyên ở đầu ngón tay là nơi tập trung nhiều đầu dây thần kinh nhạy cảm. Do đó khi tác động đến huyệt vị giúp kích thích điều hòa thăng giáng của các đường kinh giúp thông kinh hoạt lạc, hoạt huyết hóa ứ, điều hoà kinh khí giảm triệu chứng tê đầu ngón tay hiệu quả.

Một số lưu ý khi tác động lên huyệt Thập Tuyên

Huyệt Thập Tuyên là nơi tập trung nhiều đầu dây thần kinh nhạy cảm, do đó khi tác động huyệt để trị bệnh cần hết sức chú ý:

  • Cần xác định đúng vị trí huyệt vị trước khi tiến hành châm cứu hoặc bấm huyệt.
  • Khi châm cứu cần chú ý thực hiện theo đúng thao tác mới có thể mang lại hiệu quả. Do đó, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên môn thực hiện.
  • Châm cứu hoặc bấm huyệt có hiệu quả chậm, do đó khi áp dụng chữa bệnh cần kiên trì. Để đạt hiệu quả cao tốt nhất bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ và kết hợp sử dụng cùng phương pháp điều trị khác.

Trên đây là bài tổng hợp một số kiến thức liên quan đến huyệt Thập Tuyên. Huyệt vị này được ứng dụng điều trị rất nhiều bệnh trong cuộc sống. Do đó bạn đọc có thể tham khảo và bỏ túi ngay những kiến thức cực kỳ hữu ích này.

Tham khảo thêm:

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Đặt lịch khám chữa bệnh