Trúng Gió Liệt Dây Thần Kinh Số 7 Là Gì? Cách Điều Trị 

Ngày đăng: 16/03/2024 Biên tập viên: Thu Hà

Trúng gió liệt dây thần kinh số 7 ngày càng phổ biến do sinh hoạt chưa khoa học, thường xuyên thức khuya, tắm muộn… dễ gặp ở người trẻ. Tuy chưa gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh lý này lại tiềm ẩn nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khoẻ, làm giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí đeo bám bệnh nhân suốt đời. Chính vì vậy, việc sớm nhận biết các dấu hiệu bệnh và kịp thời can thiệp là điều vô cùng cần thiết.

Trúng gió liệt dây thần kinh số 7 là gì?

Liệt dây thần kinh số 7 có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó hơn 80% do nhiễm lạnh đột ngột (dân gian thường gọi là trúng gió). Tình trạng này gây ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh số 7 nằm trên mặt, gần tuyến mang tai làm mất vận động hoàn toàn hoặc một phần của các cơ nửa mặt. Vì vậy liệt dây thần kinh số 7 còn có cách gọi khác là “liệt mặt ngoại biên” hay liệt nửa mặt.

Trúng gió gây liệt dây thần kinh số 7 rất dễ xảy ra
Trúng gió gây liệt dây thần kinh số 7 rất dễ xảy ra

Tình trạng trúng gió liệt dây thần kinh số 7 thường xảy ra vào mùa đông, đặc biệt là những ngày thời tiết đang ấm áp bỗng chuyển sang lạnh đột ngột, nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm. Biểu hiện dễ gặp là méo miệng, méo mặt, khó nói, nói ngọng, đau đầu, chảy nước mắt… tùy thuộc vào mức độ nặng – nhẹ mà mỗi người sẽ có những triệu chứng khác nhau.

Đối tượng dễ bị liệt dây thần kinh số 7 do nhiễm lạnh:

  • Người bị suy giảm miễn dịch hoặc người có thể trạng yếu.
  • Trường hợp ít tập luyện thể thao.
  • Phụ nữ có thai.
  • Bệnh nhân có tiền sử hạ đường huyết, huyết áp cao, huyết áp thấp, xơ vữa động mạch.
  • Người hay thức khuya.
  • Đối tượng uống rượu bia.
  • Người hay đi sớm về khuya.

Biểu hiện liệt dây thần kinh số 7 do trúng gió

Trúng gió liệt dây thần kinh số 7 nói riêng và do những căn nguyên khác như virus, khối u, xuất huyết não…. nói chung đều đột ngột xuất hiện các triệu chứng ở nửa bên mặt như:

  • Tê bì.
  • Mắt nhắm không khít.
  • Nói khó.
  • Ăn uống rơi vãi ở 1 bên mép miệng.
  • Không huýt sáo, thổi ra hơi được.

Những biểu hiện khác:

  • Ở mắt: Mí sụp, khô mắt, tuyến lệ hoạt động không tốt, mắt không thể nháy hoặc nhắm.
  • Ở miệng: Méo lệch về 1 bên, bên liệt khó mỉm cười, miệng không thể khép lại hoặc khó khép, chảy dãi.
  • Vị giác: Thay đổi hoàn toàn.
  • Nhạy cảm: Âm thanh; Vùng xương chũm, xương quanh góc hàm, thái dương và tai bị đau.
  • Rối loạn khác: Lời nói, khả năng nhai nuốt, đọng thức ăn ở bên mặt lệch, thức ăn dễ trào ra ngoài, bên mặt lệch dễ bị tê và cơ yếu hẳn đi.
Các triệu chứng ở bệnh nhân tương đối đa dạng, mức độ nặng - nhẹ khác nhau
Các triệu chứng ở bệnh nhân tương đối đa dạng, mức độ nặng – nhẹ khác nhau

Bị liệt dây thần kinh số 7 do trúng gió có nguy hiểm không?

Tình trạng liệt mặt ngoại biên do nhiễm lạnh không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, khi bị liệt dây thần kinh số 7 người mắc lại phải đối mặt với nhiều biến chứng, di chứng làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt.

Nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn vận động cơ mặt. Ngược lại, nếu chủ quan xem nhẹ không điều trị có thể để lại nhiều di chứng nặng nề, vận động cơ mặt không trở lại bình thường kèm theo nhiều biến chứng đáng lo ngại.

Tùy thuộc vào từng đối tượng, mức độ bệnh, thời gian can thiệp sớm hay muộn mà biến chứng trúng gió gây liệt dây thần kinh số 7 sẽ khác nhau:

  • Biến chứng về mắt: Viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc, lộn mí, mắt lệch, hội chứng nước mắt cá sấu, thường xuyên chảy nước mắt…
  • Đồng vận: Co cơ không tự chủ, khi thực hiện các hoạt động tự chủ có thể làm cho mép bị kéo khi nhắm mắt.
  • Co thắt nửa mặt sau liệt mặt: Dễ gặp ở bệnh nhân nặng, khi dây thần kinh đã tổn thương nặng. Biến chứng này gây đau đớn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân.
Bệnh nhân có thể đối diện với nhiều di chứng nếu không điều trị sớm
Bệnh nhân có thể đối diện với nhiều di chứng nếu không điều trị sớm

Phương pháp chẩn đoán

Việc chẩn đoán trúng gió liệt dây thần kinh số 7 cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Dựa trên những biểu hiện lâm sàng ở bệnh nhân, bác sĩ sẽ khai thác thêm thông tin liên quan đến thời gian khởi phát, dấu hiệu kèm theo… từ đó xác định vị trí tổn thương dây thần kinh số 7 cũng như căn nguyên gây bệnh.

Bước chẩn đoán với triệu chứng lâm sàng:

  • Mắt nhắm không kín: Triệu chứng Charles – Bell.
  • Miệng: Méo, mép bên liệt bị hạ thấp, khi uống nước bị chảy ra 1 bên mép miệng, thức ăn đọng lại má liệt, bệnh nhân không thể huýt sáo, thổi lửa.
  • Nếp nhăn: Các rãnh nhăn ở trán, mũi bên má bị lệch thường mờ hơn bên lành.

Các thăm khám, chẩn đoán cận lâm sàng loại trừ khác:

  • Khám tai: Tìm nốt phỏng ở vùng cửa tai, chảy tai và tình trạng màng nhĩ để loại trừ nguyên nhân do viêm tai, Zona.
  • Khám họng, cổ: Sờ cổ và mặt, thăm khám họng để loại trừ nguyên nhân có khối u tuyến mang tai.
  • Khám thần kinh: Tìm kiếm tổn thương dây thần kinh sọ.
  • Chụp cộng hưởng từ sọ não: Xác định tổn thương có ở sọ não như chấn thương, khối u…
  • Xét nghiệm: Đường máu, công thức máu, sinh hoá, máu lắng…
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám tổng thể để đưa ra kết luận
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám tổng thể để đưa ra kết luận

Điều trị trúng gió gây liệt dây thần kinh số 7

Để đưa ra phương pháp điều trị liệt dây thần kinh số 7, các bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh. Trường hợp do nhiễm virus, nguyên nhân liên quan đến sọ não… có chỉ định riêng, thông thường sẽ dùng thuốc nội khoa, nếu cần thiết sẽ phải thực hiện phẫu thuật.

Với trường hợp trúng gió liệt dây thần kinh số 7, nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm lạnh. Vì vậy, việc điều trị bằng Y học cổ truyền (kết hợp vật lý trị liệu, dùng thuốc sắc uống) sẽ là lựa chọn hàng đầu. Trong đó, các biện pháp trị liệu thường được sử dụng gồm: Xoa bóp bấm huyệt, châm cứu, thuỷ châm, cứu ngải, hồng ngoại, siêu âm điều trị…

  • Châm cứu: Liệu pháp an toàn, hiệu quả trong điều trị liệt dây thần kinh số 7 do trúng gió. Hình thức này sẽ dùng kim châm và kích thích điện vào vị trí các huyệt: Thái dương, địa thương, toản trúc, giáp xa, ế phong, hợp cốc, nhinh hương, ngư yêu…
  • Xoa bóp: Kết hợp xoa, day, miết, véo, bóp vào huyệt đạo ở vùng mặt kết hợp ấn, bấm huyệt như châm để phục hồi vận động cơ.
  • Thuỷ châm: Sử dụng thuốc tiêm bắp, thuốc bổ thần kinh tiêm trực tiếp vào huyệt kích thích để thu được hiệu quả tốt nhất.
Áp dụng biện pháp trị liệu phù hợp sẽ cho hiệu quả tích cực
Áp dụng biện pháp trị liệu phù hợp sẽ cho hiệu quả tích cực

Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng thuốc Y học cổ truyền với các bài thuốc có tác dụng: Khu phong, tán hàn, ôn thông kinh lạc. Mục đích của những bài thuốc này là phục hồi cơ thể, hỗ trợ đắc lực cho việc điều trị liệt dây thần kinh số 7 gây ra bởi nhiễm lạnh.

Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng Corticoid sớm, liều cao (1mg Prednisolon/kg). Tuy nhiên, chỉ định này không áp dụng cho đối tượng bị loét dạ dày – tá tràng, đái tháo đường, lao phổi, rối loạn tâm thần…

Biện pháp phòng tránh

Để phòng tránh liệt dây thần kinh số 7 do nhiễm lạnh, bản thân mỗi người cần chủ động áp dụng các biện pháp dưới đây:

  • Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh bằng việc mặc áo ấm, đeo khẩu trang, găng tay, quấn khăn, đặc biệt là dùng bông chụp tai vì đây là bộ phận dễ nhiễm lạnh.
  • Vào mùa đông nên dùng nước ấm để vệ sinh cơ thể, hạn chế uống nước lạnh.
  • Ngủ sớm, hạn chế thức khuya và tránh việc đi sớm – về khuya.
  • Cần điều trị dứt điểm viêm mũi họng, chấn thương vùng thái dương hay xương chũm… vì những tổn thương này sẽ khiến bệnh nhân dễ bị liệt dây thần kinh số 7 khi gặp lạnh.
  • Thường xuyên tập luyện thể thao nâng cao sức khoẻ, cải thiện chức năng miễn dịch. Khi thời tiết trở lạnh, nên hạn chế đi tập thể dục ngoài trời quá sớm, cần chọn những vị trí kín gió, tránh gió lùa để bảo vệ sức khoẻ.

Trúng gió liệt dây thần kinh số 7 không còn là tình trạng hiếm gặp. Để ngăn ngừa những di chứng của bệnh, mỗi người cần lập tức đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ ngay khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Đồng thời, hãy chủ động chăm sóc sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng tránh để không bị liệt dây thần kinh số 7 “làm phiền”.

Nguồn tham khảo:

Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

Tư vấn chuyên môn bài viết

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn

Số 145 Hoa Lan, phường 2, quận Phú Nhuận, HCM

Chuyên khoa

Đặt lịch khám chữa bệnh

27/04

hôm nay

28/04

Ngày mai

29/04

Ngày kìa

+

Khác