Thoái Hóa Khớp Cổ Chân

Ngày đăng: 02/06/2023 Biên tập viên: Nguyễn Trang

Thoái hóa khớp cổ chân sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày, gây đau nhức dữ dội và khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong đi lại. Mời bạn đọc tham khảo về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị để biết thêm về căn bệnh này.

Tổng quan về thoái hóa khớp cổ chân

Thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến tất cả các khớp trong cơ thể, bao gồm cả khớp cổ chân. Đặc trưng của thoái hóa khớp là sự phân hủy hoặc hao mòn sụn khớp. Quá trình thoái hóa khớp cổ chân diễn ra từ từ với các triệu chứng có thể xuất hiện và tự cải thiện trong nhiều năm.

Thoái hóa khớp cổ chân là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Thoái hóa khớp cổ chân là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Do vậy, điều quan trọng là người bệnh cần nhận biết các dấu hiệu triệu chứng thoái hóa và có biện pháp xử lý phù hợp. Hiểu được các nguyên nhân, các yếu tố rủi ro, chẩn đoán chính xác và tuân theo một liệu trình điều trị hiệu quả có thể giúp tăng cường chức năng cổ chân và ngăn ngừa bệnh thoái hóa cổ chân tiến triển.

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp cổ chân

Các nguyên nhân dẫn đến bệnh thoái hoá khớp cổ chân có thể rất thường gặp trong đời sống hàng ngày hoặc do các yếu tố bệnh lý gây nên.

Chấn thương

Cổ chân là khớp dễ bị bong gân, gãy xương hoặc các chấn thương khác. Điều này có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa cao gấp 7 lần so với những trường hợp khác. Trên thực tế, có khoảng 70 – 80% các thoái hóa khớp xảy ra ở cổ chân trên những người đã từng bị chấn thương.

Thoái hóa khớp cổ chân sau chấn thương đôi khi được gọi là bệnh viêm xương khớp cổ chân sau chấn thương. Tổn thương có thể lành lại và chức năng khớp có thể hồi phục bình thường. Tuy nhiên, nhiều trường hợp dẫn đến thay đổi khớp và các triệu chứng thoái hoá trong tương lai.

Các triệu chứng có thể xảy ra trong vòng 2 năm sau khi gặp chấn thương. Tuy nhiên đôi khi có thể cần vài năm, thậm chí là hàng chục năm để tình trạng này phát triển thành thoái hóa khớp.

Do bệnh lý

Có khoảng 12% người bệnh thoái hóa khớp cổ chân liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn bao gồm:

  • Bàn chân bẹt, khoèo hoặc các khuyết tật bẩm sinh khác khiến liên kết khớp mắt cá chân.
  • Viêm khớp dạng thấp, viêm khớp phản ứng hoặc các bệnh viêm khớp toàn thân khác có thể gây tổn thương xương theo thời gian.
  • Rối loạn đông máu, bệnh huyết sắc tố có thể khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều sắt gây ảnh hưởng đến các khớp trong cơ thể, bao gồm khớp cổ chân.
  • Tổn thương sụn và xương ở cổ chân: Như thoái hóa xương hoặc hoại tử xương sên mắt cá chân do lưu thông máu kém.
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó phổ biến là do người cao tuổi hoạt động không đúng trong thời gian dài
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, trong đó phổ biến là do người cao tuổi hoạt động không đúng trong thời gian dài

Thoái hóa khớp cổ chân nguyên phát

Khi bệnh không phải do 2 nguyên nhân trên thì tình trạng này được gọi là thoái hóa khớp cổ chân nguyên phát. Trường hợp này chỉ chiếm khoảng 10% thoái hóa và thường ảnh hưởng đến người cao tuổi. Các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh lý này nguyên phát bao gồm:

  • Tuổi cao: Nguyên nhân là do các khớp cổ chân bị hao mòn theo thời gian, khiến sụn khớp kém linh hoạt và dễ gặp thoái hóa.
  • Thừa cân, béo phì: Cổ chân phải chịu gấp 5 lần trọng lượng cơ thể khi đi bộ, dẫn đến hao mòn sụn khớp và gây đau nhức xương khớp. Ngoài ra, béo phì có thể dẫn đến các thay đổi cơ sinh học và cơ học trong cơ thể, chẳng hạn như cách đi bộ, vận động nói chung làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
  • Tiền sử gia đình: Khả năng thoái hóa khớp tại cổ chân thường tăng lên bởi yếu tố di truyền. Do đó, trường hợp có người thân trong gia đình bị thoái hóa khớp thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nhưng người khác.

Điều quan trọng là bệnh nhân cần xác định các chấn thương và bệnh lý tiềm ẩn để có kế hoạch chữa trị phù hợp. Xác định được nguyên nhân chính có thể giúp bác sĩ có điều trị bệnh hiệu quả.

Triệu chứng thoái hóa khớp cổ chân thường gặp

Các triệu chứng ban đầu của bệnh thoái hóa khớp cổ chân thường không quá rõ ràng. Do vậy khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng hơn mới được chẩn đoán chính xác.

Ở giai đoạn đầu, các cơn đau cổ chân thường chỉ xuất hiện thoáng qua khi vận động mạnh, chỉ cần nghỉ ngơi sẽ nhanh chóng biến mất. Càng về sau, các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn và rất dễ nhận biết.

Các triệu chứng đặc trưng của bệnh thoái hoá khớp cổ chân gồm:

  • Khớp cổ chân đau khi vận động: Các cơn đau xuất hiện dữ dội dù là đi bộ nhẹ nhàng hay vận động mạnh. Càng để lâu ngày, các cơn đau càng xuất hiện với tần suất cao hơn, thậm chí đau cả khi đang nghỉ ngơi, thư giãn.
  • Cứng khớp vào buổi sáng: Hầu hết những người bệnh bị thoái hoá khớp đều gặp tình trạng cứng khớp vào buổi sáng khi mới thức dậy. Tình trạng cứng khớp tê liệt có thể kéo dài đến nửa tiếng.
  • Phát ra tiếng kêu khi đi: Khi vận động, cổ chân phát ra các âm thanh lắc rắc, lạo xạo rõ ràng.
  • Khớp cổ chân bị sưng tấy: Cổ chân bị sưng tấy và có cảm giác nóng đỏ nếu chạm vào. Để lâu, các triệu chứng này có thể lây lan sang cả vùng mắt cá chân.
  • Một số triệu chứng khác: sốt cao, mệt mỏi, uể oải không còn sức sống và không còn muốn vận động.

Nhìn chung các triệu chứng này đều khiến bệnh nhân vô cùng mệt mỏi. Các cơn đau xuất hiện liên tục làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và cả tinh thần của người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, chức năng vận động của bệnh nhân sẽ bị suy giảm, người bệnh có thể gặp khó khăn trong di chuyển, thậm chí phải cần đến sự hỗ trợ của xe lăn.

Cách điều trị thoái hóa khớp cổ chân

Người bệnh sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm để xác định chính xác nguyên nhân và tình trạng bệnh. Cụ thể các phương pháp chẩn đoán có thể kể đến như:

  • Chụp X – quang: Hình ảnh X – quang có thể xác định tình trạng tổn thương sụn ở cổ chân và tình trạng thoái hóa.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI có thể cung cấp hình ảnh mô mềm (dây chằng, gân, cơ), xương và khớp.
  • Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm: Các xét nghiệm hút dịch từ cổ chân có thể được đề nghị để loại trừ các nguyên nhân khác dẫn đến đau cổ chân như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh gout.
Dựa vào chẩn đoán, bác si sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất với từng bệnh nhân
Dựa vào chẩn đoán, bác si sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất với từng bệnh nhân

Căn cứ vào kết quả chẩn đoán, việc điều trị sẽ được chỉ định kết hợp giữa dùng thuốc, trị liệu vật lý và thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học hơn. Trong một số trường hợp bệnh đã tiến triển nặng người bệnh còn có thể được yêu cầu phẫu thuật để ngăn chặn các biến chứng.

Chữa thoái hóa khớp cổ chân bằng Tây y

Các phương pháp điều trị thoái hoá bằng Tây y thường tập trung làm giảm triệu chứng bệnh. Đồng thời ức chế sự tiến triển của bệnh qua hai cách nội khoa và ngoại khoa. Cụ thể gồm:

Sử dụng thuốc (nội khoa)

Các loại thuốc giảm đau, chống viêm là giải pháp hàng đầu cho người bệnh. Một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định sử dụng trong điều trị thoái hóa khớp chân như:

  • Thuốc giảm đau: paracetamol, aspirin sẽ giúp điều trị triệu chứng đau nhức nhanh chóng.
  • Thuốc chống viêm: Diclofenac, Coxib, Meloxicam,… được sử dụng để giảm sưng tấy, chống viêm.
  • Thuốc giãn cơ: Mydocalm, Myonal,… giúp hạn chế tình trạng cứng cơ và giảm đau.
  • Tiêm Hyaluronic acid vào ổ khớp sụn hoặc sử dụng các hoạt chất nuôi dưỡng xương khớp: Peptan, Chondroitin, Glucosamine,…

Tuy các loại thuốc giảm đau, chống viêm tiện dụng và có hiệu quả nhanh chóng nhưng lại có một số ảnh hưởng không tốt lên chức năng gan, thận, dạ dày. Do vậy người bệnh khi muốn sử dụng cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Can thiệp ngoại khoa

Khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang đến hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của khớp cổ chân mà phương pháp xâm lấn tương thích sẽ được can thiệp như:

  • Tái tạo bề mặt sụn.
  • Thay thế khớp bán phần.
  • Thay thế khớp toàn phần.
  • Lắp thiết bị hỗ trợ trong khớp.

Phương pháp này mang lại hiệu quả giảm đau nhanh, rõ rệt nhưng các biện pháp xâm lấn luôn tiềm ẩn rủi ro cả trong và sau khi điều trị.

Cách điều trị thoái hóa khớp bằng bài thuốc Đông y

Các biện pháp Đông y có ưu điểm an toàn, lành tính, tuy nhiên hiệu quả lại chỉ được nhận thấy sau thời gian dài dùng thuốc. Một số bài thuốc hay được thầy thuốc kê như PT5, Độc hoạt ký sinh thang,… hỗ trợ điều trị bệnh thoái hoá khớp cổ chân rất tốt.

Bài thuốc PT5 trị bệnh thoái hoá cổ chân do phong hàn

Chuẩn bị:

  • Hà thủ ô, cây xấu hổ, sinh địa mỗi loại 12g;
  • Củ kim cang, cỏ xước mỗi loại 16g
  • Lá lốt, sơn thục mỗi loại 10g.

Cách tiến hành: Cho tất cả các vị thuốc trên vào ấm sắc với ngọn lửa vừa và chờ khoảng 60 – 90 phút thì tắt bếp. Uống thuốc 2 lần mỗi ngày và nên sử dụng khi thuốc còn nóng, mỗi ngày dùng một thang.

Hiện nay, nhiều bệnh nhân thoái hoá khớp cổ chân lựa chọn điều trị bằng các thuốc Đông y
Hiện nay, nhiều bệnh nhân thoái hoá khớp cổ chân lựa chọn điều trị bằng các thuốc Đông y

Độc hoạt tang ký sinh thang trị đau nhức cổ chân do chứng phong hàn thấp tý

Chuẩn bị:

Sinh địa, ngưu tất, độc hoạt, đương quy, đẳng sâm, mộc miên mỗi loại 12g;

  • Tang ký sinh 16g;
  • Phòng phong, kim thược dược, bạch phục linh mỗi loại 10g;
  • Xuyên khung, tần giao mỗi loại 8g
  • Tế tân, cam thảo, quế chi mỗi loại 4g.

Cách tiến hành: Cho tất cả các vị thuốc bị trên vào ấm và sắc với ngọn lửa vừa và chờ khoảng 60 – 90 phút thì tắt bếp. Chắt thuốc sắc ra chia thành 2 lần uống hết trong ngày.

PT5 và Độc hoạt ký sinh thang là 2 bài thuốc trị thoái hóa khớp cổ chân đã được áp dụng từ lâu đời. Do vậy hiệu quả của các bài thuốc này cũng đã được nhiều người kiểm chứng.

Vật lý trị liệu giảm đau, điều trị hiệu quả thoái hóa khớp cổ chân

Vật lý trị liệu là phương pháp chữa trị bệnh an toàn và hiệu quả, được nhiều bác sĩ khuyến khích áp dụng. Các bệnh nhân sẽ được chuyên viên vật lý trị liệu hướng dẫn chi tiết trong những liệu trình điều trị, mang đến tác động gián tiếp hoặc trực tiếp lên vùng cổ chân bị thoái hóa.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu như: Xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, các bài tập phục hồi chức năng,…

Xoa bóp, bấm huyệt

Xoa bóp, bấm huyệt giúp tăng cường tuần hoàn tại chỗ và hạn chế tình trạng teo cơ. Theo đó, các thầy thuốc sẽ tác dụng lực tay ấn các vùng từ cẳng chân, vùng cổ chân và bàn ngón chân của người bệnh.

Đầu tiên, thầy thuốc sẽ xác định điểm đau nhất tại cổ chân của người bệnh thoái hoá. Rồi xoa bóp từ nhẹ đến mạnh, kết hợp với những cử động nhẹ nhàng ở khớp cổ chân. Sau đó thực hiện bấm huyệt ở những vị trí:

  • Huyệt giải khê tại vị trí khớp cổ chân, khu vực lõm giữa hai gân cơ, huyệt sẽ được xác định rõ hơn nếu người bệnh co bàn chân lên.
  • Huyệt Côn lôn tại vị trí lõm giữa điểm cao nhất của mắt cá ngoài và bờ sau gân gót.
  • Huyệt Thái khê tại vùng lõm giữa điểm cao nhất của mắt cá trong và bờ sau của gân gót chân.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể tự thực hiện tại nhà theo cách xoa bóp bằng tay hoặc dùng hai bàn chân tự xoa xát chân đối diện. Hoặc dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng từ cẳng chân tới cổ chân rồi bàn chân. Hoặc dùng chân tự xát 2 lòng bàn chân vào nhau và xát trên mặt mu chân giúp cho giãn mạch và tăng cường tuần hoàn tại chỗ.

Châm cứu

Châm cứu là phương pháp sử dụng các cây kim châm tác động vào các huyệt đạo để kích thích dòng năng lượng lưu thông trong cơ thể. Châm cứu giúp đả thông kinh mạch, khí huyết và điều trị tận gốc căn nguyên bệnh bằng cách tạo ra cung phản xạ mới thay thế cung phản xạ bệnh lý.

Ngoài ra, châm cứu còn kích thích cơ thể sản sinh hormon endorphin – một chất giảm đau tự nhiên giúp giảm nhanh cảm giác ê buốt, đau nhức.

Châm cứu trị liệu là biện pháp được các bác sĩ khuyến khích
Châm cứu trị liệu là biện pháp được các bác sĩ khuyến khích

Ngoài việc tác động vào các huyệt Giản khê, Côn lôn, Thái khê, thầy thuốc sẽ châm cứu thêm một số vị trí:

  • Huyệt Xung dương nằm ở mu bàn chân, dưới huyệt Giải khê 1,5 thốn.
  • Huyệt Lệ đoài nằm ở phía ngoài góc ngoài móng chân ngón thứ 2, cách chân móng 0,1 thốn và trên đường tiếp giáp da gan chân, mu chân.
  • Huyệt Bát phong ở đầu 4 kẽ chân, giữa các ngón tại chỗ tiếp da mu chân và da gan chân.

Qua các kết quả nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định thoái hoá khớp cổ chân là một trong những bệnh lý xương khớp có thể điều trị một cách an toàn và hiệu quả bằng châm cứu.

Vận động trị liệu

Tập luyện là phương pháp vận động trị liệu giúp hạn chế sự phát triển của thoái hoá khớp cổ chân, phòng tái phát và hạn chế các biến chứng teo cơ, cứng khớp. Một số bài tập vận động khớp cổ chân được khuyến khích như sau:

  • Bài tập quay cổ chân: Người bệnh nằm ngửa, chuyên viên đứng bên cạnh gần cẳng chân, một tay giữ gót chân người bệnh, tay kia nắm đầu bàn chân; nhẹ nhàng quay cổ chân tối đa 2 – 3 lần rồi đẩy bàn chân vào cẳng chân; cuối cùng duỗi bàn chân hết cỡ.
  • Bài tập lắc cổ chân: Người bệnh đứng phía dưới, hai bàn tay ôm cổ một chân bệnh nhân, hai ngón cái để trên mắt cá trong và ngoài, dùng gốc bàn tay đẩy đưa gót chân bệnh nhân vào trong, ra ngoài 2 – 3 lần. Sau đó thực hiện tương tự với bên đối diện.
  • Kéo giãn cổ chân: Người bệnh vẫn nằm thẳng, chuyên viên đứng bên cạnh, một tay nắm bàn chân, một tay giữ gót chân, cùng một lúc kéo hai tay về phía dưới để cổ chân được giãn ra, kéo từ 2 – 3 lần. Sau đó đổi bên.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể tự tập các bài tập gập, duỗi và quay cổ chân giúp hạn chế tình trạng cứng khớp. Người bệnh ngồi duỗi 2 chân sau đó gập bàn chân về phía cẳng chân tối đa và duỗi tối đa từ 5 – 10 lần là cách tập luyện đơn giản nhất.

Thoái hóa khớp cổ chân nên ăn gì và kiêng gì để mau khỏi bệnh?

Bằng việc duy trì chế độ ăn uống khoa học cũng như kết hợp với các phương pháp chữa trị phù hợp, người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát quá trình bệnh tiến triển nặng hơn.

Sau đây là một số thực phẩm mang lại hiệu quả rất tốt đối với bệnh nhân.

  • Thức ăn chứa nhiều vitamin D và canxi: cua, hàu, tôm hay các loại rau củ quả như đu đủ, bắp cải, nấm hay đậu nành, trứng,.. Do canxi đóng vai trò là một chất giúp tái tạo, nuôi dưỡng hệ xương và vitamin D là một chất xúc tác, thúc đẩy khả năng hấp thụ lượng canxi của cơ thể.
  • Bổ sung thêm các loại rau xanh: Rau cải, rau dền, rau ngót,… Việc tăng cường ăn nhiều rau xanh giúp bổ sung chất xơ và vitamin D duy trì một hệ xương khớp khỏe mạnh và linh hoạt.
  • Các loại trái cây giàu dinh dưỡng: Dâu tây, dưa hấu, bơ, xoài, bưởi… nên được tăng cường sử dụng để có thể góp phần vào việc ngăn chặn, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh.
  • Thực phẩm giàu Omega 3: cá ngừ, cá hồi và một số cá nước ngọt. Omega 3 từ lâu đã được biết đến là một hoạt chất có khả năng chống viêm và phục hồi sự tổn thương ở các khớp rất hiệu quả.
Bên cạnh phương pháp điều trị, chế độ dinh dưỡng cũng sẽ hỗ trợ rất lớn đến quá trình hồi phục của bệnh nhân
Bên cạnh phương pháp điều trị, chế độ dinh dưỡng cũng sẽ hỗ trợ rất lớn đến quá trình hồi phục của bệnh nhân

Bên cạnh đó, người bệnh các loại thực phẩm sau đây nếu như không muốn tình trạng bệnh lý trở nên trầm trọng hơn.

  • Đồ ăn nhiều dầu mỡ: Đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ thường chứa một lượng lớn Cholesterol không chỉ gây hại đối với cơ thể mà còn làm tăng thêm tình trạng thoái hóa khớp.
  • Không dùng quá nhiều đường, muối: Đường, muối vượt mức cho phép không chỉ gây hại cho thận mà còn khiến cho tình trạng thoái hoá xương khớp trở nên trầm trọng hơn.
  • Không sử dụng chất kích thích: Các chất kích thích không chỉ cản trở việc hấp thu các thuốc điều trị mà còn khiến cho kết cấu xương trở nên lỏng lẻo và mất đi tính đàn hồi.

Do vậy, người bệnh thoái hoá khớp cổ chân cần chú ý hơn đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày để góp phần hỗ trợ cho quá trình phục hồi tổn thương các khớp xương.

Lưu ý trong quá trình điều trị thoái hóa khớp cổ chân

Thoái hoá khớp cổ chân gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của mỗi bệnh nhân. Do vậy, dự phòng bệnh ngay từ sớm là biện pháp tốt nhất, đặc biệt là khi đã bước vào tuổi tứ tuần.

Một số biện pháp hiệu quả giúp dự phòng cũng như hỗ trợ điều trị được các chuyên gia chia sẻ như sau:

  • Ngâm chân với nước ấm sau mỗi ngày làm việc để giúp cổ chân được thư giãn và lưu thông máu tốt hơn.
  • Ưu tiên di chuyển vận động bằng giày bệt, nếu thường xuyên phải đi cao gót thì massage cổ chân, bàn chân nhiều hơn.
  • Luyện tập các bài tập thể dục tốt cho xương khớp, nhất là phần cổ chân. Đồng thời bổ sung đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt là vitamin, canxi.
  • Người bệnh cũng cần chú ý điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp hơn, hạn chế vận động mạnh hoặc đi lại nhiều trong thời gian điều trị.
  • Khi gặp các chấn thương hay bệnh lý liên quan cần phải kiên trì chữa trị triệt để, tránh những biến chứng nguy hiểm cho phần cổ chân.

Trên đây là những thông tin tổng hợp về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh thoái hoá khớp cổ chân đang được áp dụng phổ hiện nay. Bạn đọc nên thường xuyên đi khám bệnh định kỳ 6 tháng 1 lần để tầm soát các bệnh lý nguy hiểm, tránh những tác động xấu đến sức khỏe của bản thân.

Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

Tư vấn chuyên môn bài viết

Lương y Phùng Hải Đăng

Biệt thự B31, ngõ 70 Nguyễn Thị Định, Nhân Chính. Thanh Xuân, Hà Nội

Đặt lịch khám chữa bệnh