Lập Kế Hoạch Chăm Sóc Bệnh Nhân Tăng Huyết Áp Hiệu Quả

Ngày cập nhật: 01/04/2024 Biên tập viên: Thu Hà

Tăng huyết áp hiện là bệnh lý tim mạch phổ biến, đang có xu hướng gia tăng và gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cũng như chất lượng đời sống của người bệnh. Trường hợp để bệnh triến triển kéo dài, không có biện pháp điều trị, chăm sóc tốt có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ngoài việc điều trị, chúng ta cần làm gì để lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp hiệu quả? Nội dung bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc giải đáp chi tiết về thắc mắc này. 

Bệnh tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp (cao huyết áp) là bệnh mãn tính, bệnh được xác định khi huyết áp đo lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg. Tiền tăng huyết áp sẽ nằm trong khoảng từ 120 – 139/80-89 mmHg và mức huyết áp bình thường là nhỏ hơn 120/80 mmHg.

Cao huyết áp được chia thành 2 thể là tăng huyết áp tiên phát – dạng tăng huyết áp vô căn và tăng huyết áp thứ phát – dạng tăng huyết áp có nguyên nhân. Trong đó, tăng huyết áp vô căn là tình trạng phổ biến nhất, chiếm 90% trường hợp mắc bệnh và không xác định được nguyên nhân.

Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm
Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm

Cơn tăng huyết áp chính là tình trạng huyết áp tăng cao đột ngột trên 180/120mmHg và chúng cũng được chia thành 2 loại. Cụ thể như sau:

  • Tăng huyết áp cấp cứu: Là tình trạng huyết áp tăng lên 180/120mmHg và có gây tổn thương cơ quan khác như tổn thương não, tổn thương võng mạc, nhồi máu cơ tim, suy thận cấp, lóc tách động mạch chủ.
  • Tăng huyết áp khẩn cấp: Là tình trạng chưa có tổn thương cơ quan đích nhưng vẫn cần điều trị ngay.

Tại sao cần lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp?

Trước khi đi vào tìm hiểu cách lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp, chúng ta cần hiểu tầm quan trọng của việc này. Như đã đề cập phía trên, tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm, có nguy cơ gây biến chứng về tim, não, thận và nhiều cơ quan trọng yếu khác. Do đó, vấn đề chăm sóc người bệnh bị cao huyết áp cần được chú trọng.

Theo ước tính, có khoảng 1.13 tỷ người trên thế giới bị tăng huyết áp, 67% số người này thuộc các nước phát triển. Số bệnh nhân còn lại nằm ở những nước có mức thu nhập trung bình và thấp.

Dựa theo ước tính của WHO vào năm 2015, cứ 4 người đàn ông thì có 1 người và 20% phụ nữ mắc bệnh cao huyết áp. Số người tăng huyết áp có vấn đề nằm trong tầm kiểm soát chiếm dưới 20%. Bệnh lý tim mạch này cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra vô số ca tử vong sớm trên toàn thế giới.

Do sự nguy hiểm của bệnh, chúng ta cần xây dựng được bản kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp. Bởi nếu không có kế hoạch chăm sóc bệnh nhân cao huyết áp đúng cách, bệnh sẽ diễn tiến nghiêm trọng hơn.

Huyết áp cao có thể hủy hoại cơ thể bệnh nhân một cách thầm lặng trong nhiều năm trước khi các triệu chứng được phát hiện. Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị tàn tật, suy giảm nặng chất lượng cuộc sống hoặc thậm chí là đột quỵ tim, đột quỵ não và tử vong. Vậy nên, việc thiết lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp là điều hết sức cần thiết.

Mục tiêu, nguyên tắc lập kế hoạch

Khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp, để đạt được hiệu quả, các bạn cần xác định mục tiêu và tuân thủ theo nguyên tắc sau đây:

Mục tiêu lập kế hoạch

Việc lập kế hoạch chăm sóc cho bệnh nhân bị tăng huyết áp sẽ nhằm các mục tiêu như sau:

  • Kiểm soát tốt tình trạng huyết áp, duy trì chỉ số huyết áp nằm trong giới hạn bình thường một cách bền vững.
  • Điều trị kịp thời các biến chứng xảy ra để bảo vệ sức khỏe người bệnh.
  • Hạn chế biến chứng có thể xảy ra khi tăng huyết áp.
  • Làm giảm nguy cơ tăng huyết áp đề kháng với thuốc điều trị.
  • Tìm ra phương pháp – loại thuốc điều trị tốt nhất để duy trì huyết áp ổn định.
  • Hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ và duy trì lối sống lành mạnh, khoa học.
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp làm giảm nguy cơ biến chứng
Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp làm giảm nguy cơ biến chứng

Nguyên tắc chung khi chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

Khi chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp mọi người cần nắm được một số nguyên tắc chung sau đây:

  • Bệnh nhân cần được sống trong môi trường sạch sẽ, thoải mái.
  • Hạn chế tối đa những thay đổi lớn về cả thể chất lẫn tinh thần.
  • Người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, sống vui vẻ, tránh lao lực, stress quá mức.

Hướng dẫn lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp sẽ được tiến hành theo 2 hướng. Đầu tiên là kế hoạch chăm sóc bệnh nhân của đội ngũ bác sĩ tại bệnh viện trong trường hợp bệnh nhân phải nằm viện điều trị. Thứ hai là kế hoạch chăm sóc bệnh nhân của người thân trong gia đình (trong trường hợp bệnh nhân điều trị tại nhà). Chi tiết như sau:

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp tại bệnh viện

Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp tại bệnh viện sẽ được các y tá, bác sĩ thực hiện theo các bước sau đây:

Đánh giá tình trạng bệnh nhân

Ở mục đánh giá tình trạng bệnh nhân sẽ bao gồm việc đánh giá thông qua các câu hỏi và đánh giá bằng việc quan sát. Cụ thể như sau:

Đánh giá thông qua câu hỏi bệnh nhân cơ bản như:

  • Các câu hỏi xoay quanh về tình trạng tinh thần của bệnh nhân như lo lắng, căng thẳng, sợ hãi,…
  • Bệnh nhân có biết mình bị huyết áp cao không, thời gian bị là bao lâu?
  • Đã từng điều trị hay sử dụng những loại thuốc nào?
  • Từng bị liệt hay bị yếu chân tay chưa?
  • Bệnh nhân có bị nhức đầu, mất ngủ, nhìn mờ thường xuyên không?
  • Các loại thuốc – thực phẩm chức năng đang dùng gần đây.
  • Bệnh nhân có bị bệnh thận hay không?
  • Tình trạng tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy,…
  • Trước đó có từng bị sang chấn về tinh thần hay thể chất không?
  • Số lần đi tiểu và màu sắc nước tiểu hàng ngày.
Bệnh nhân sẽ được thăm khám, hỏi các vấn đề liên quan tới tình trạng sức khỏe
Bệnh nhân sẽ được thăm khám, hỏi các vấn đề liên quan tới tình trạng sức khỏe

Đánh giá bằng việc quan sát gồm có:

  • Độ tuổi.
  • Quan sát thể trạng của bệnh nhân như tình trạng mệt mỏi, tỉnh táo hay hôn mê.
  • Có thể tự đi lại hay phải có người hỗ trợ.
  • Có bị phù nề hay không.
  • Thể trạng gầy hay béo.
  • Các biểu hiện khác.

Thăm khám cho bệnh nhân

Bác sĩ sẽ kiểm tra các dấu hiệu của sự sống như thân nhiệt, huyết áp, nhịp thở nhiều lần trong ngày để xem xét tình hình. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được theo dõi các biểu hiện khác như tình trạng suy tim, phù nề và nước tiểu.

Các thông tin này sẽ được thu thập, sau đó kiểm tra lại hồ sơ bệnh án cũ (nếu có). Đồng thời xem xét lại các phác đồ điều trị, cách dùng thuốc của bệnh nhân trước đó cũng như xác minh, thu thập thông tin từ người nhà bệnh nhân.

Lập kế hoạch chăm sóc

Khi đã thu thập, phân tích các thông tin đầy đủ, điều dưỡng viên sẽ lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp chi tiết hơn. Lúc này, bác sĩ sẽ các định mục tiêu, các vấn đề ưu tiên, trình tự thực hiện và khi nào thì cần áp dụng biện pháp. Ngoài ra, bác sĩ cũng đưa ra các phương án khác nhau dành cho từng trường hợp cụ thể.

Chăm sóc cơ bản:

  • Cho bệnh nhân nằm ở tư thế đầu cao để góp phần giảm huyết áp.
  • Giải thích rõ ràng cho người nhà và bệnh nhân về tình trạng bệnh lý cụ thể.
  • Gợi ý về việc xây dựng chế độ dinh dưỡng để đảm bảo năng lượng cũng như tránh để bệnh tiến triển xấu hơn.
  • Đảm bảo giữ gìn vệ sinh, không gian điều trị cho bệnh nhân sạch sẽ hàng ngày.
  • Hướng dẫn người bệnh tự đánh giá các triệu chứng hoặc những dấu hiệu bất thường.

Thực hiện điều trị y lệnh:

  • Yêu cần bệnh nhân thực hiện điều trị theo đúng chỉ định.
  • Thực hiện các xét nghiệm cần thiết theo hướng dẫn của nhân viên y tế, bác sĩ.
Người bệnh cần thực hiện theo đúng các yêu cầu của bác sĩ
Người bệnh cần thực hiện theo đúng các yêu cầu của bác sĩ

Theo dõi:

  •  Bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân.
  • Tình trạng huyết áp, các biến chứng của bệnh (nếu có).
  • Theo dõi thường xuyên kết quả xét nghiệm cơ bản như siêu âm, điện tim và xét nghiệm máu.
  • Theo dõi các tác dụng phụ của thuốc điều trị huyết áp cao.

Giáo dục sức khỏe:

Điều dưỡng viên, y tá hoặc bác sĩ sẽ cung cấp tới bệnh nhân, gia đình về các nguyên nhân, yếu tố làm tăng huyết áp. Cách phát hiện các triệu chứng của tình trạng tăng huyết áp cũng như biện pháp phòng – điều trị phù hợp, an toàn, hiệu quả nhất.

Đồng thời, bệnh nhân cũng được theo dõi chặt chẽ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi kể cả khi đang chăm sóc tại nhà. Có 6 cách phòng bệnh ngay từ đầu mà bệnh nhân – người nhà cần lưu ý như sau:

  • Kiểm soát cân nặng.
  • Tăng cường hoạt động thể dục, thể thao và luyện tập một cách đều đặn.
  • Cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn rượu bia, ngày không uống quá 720ml bia và 60ml rượu vang, 20ml rượu trắng.
  • Không hút thuốc.
  • Giảm lượng muối ăn hàng ngày, tốt nhất nên trong khoảng từ 2 – 3g/muối/ngày.

Đánh giá tình trạng bệnh nhân

Trong và sau quá trình điều trị, các bác sĩ sẽ thường xuyên đánh giá tình trạng bệnh nhân dựa theo các tiêu chí sau:

  • Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trước và sau khi tiến hành điều trị huyết áp cao.
  • Đánh giá tình trạng huyết áp.
  • Đánh giá về tinh thần, khả năng vận động.
  • Đánh giá khả năng gây biến chứng hoặc các biến chứng đã xảy ra do tăng huyết áp.
Bác sĩ sẽ theo dõi để đánh giá tình trạng của bệnh nhân để có hướng điều trị phù hợp
Bác sĩ sẽ theo dõi để đánh giá tình trạng của bệnh nhân để có hướng điều trị phù hợp

Kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp tại nhà

Với người nhà bệnh nhân bị tăng huyết áp, các bạn cần tuân theo các bước chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp theo hướng dẫn dưới đây. Tốt nhất, hãy đề nghị bác sĩ ghi vào phiếu chăm sóc bệnh nhân để không xảy ra sai sót.

Tái khám định kỳ, kiểm tra huyết áp tại nhà

Khi lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp tại nhà, bạn sẽ được hướng dẫn về cách kiểm tra huyết áp. Riêng với việc này, bệnh nhân có thể tự đo huyết áp bằng máy đo điện tử ít nhất 2 lần mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể đo nhiều lần hơn nếu cảm thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường như xây xẩm mặt mày, đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, nặng đầu,…

Ngoài việc kiểm tra huyết áp tại nhà, bệnh nhân cũng cần tái khám theo định kỳ hoặc lịch hẹn từ bác sĩ. Việc tái khám đúng định kỳ sẽ góp phần phát hiện những biến chứng của bệnh để tiến hành điều trị kịp thời. Cụ thể như chứng dày các buồng tim, suy tim, suy thận, rối loạn nhịp tim,…

Xây dựng chế độ ăn uống cho người tăng huyết áp

Chế độ ăn uống hàng ngày cũng rất quan trọng với bệnh nhân bị cao huyết áp. Thực đơn ăn uống khoa học, hợp lý sẽ góp phần đáng kể vào việc bình ổn huyết áp cũng như hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch.

Người bị tăng huyết áp nên xây dựng chế độ ăn uống theo nguyên tắc sau:

  • Tránh ăn quá nhiều chất bột đường.
  • Ăn uống thanh đạm.
  • Hạn chế dung nạp các chất béo bão hòa.
  • Cắt giảm rượu bia, thức uống có cồn hoặc những chất kích thích có hại cho sức khỏe tim mạch khác.

Kiểm soát muối trong khẩu phần ăn

Một trong những nội dung đáng chú ý khi chăm sóc bệnh nhân bị cao huyết áp tại nhà là yêu cầu người bệnh ăn nhạt, tránh ăn mặn. Nguyên nhân là bởi muối có thể kích thích cơ thể giữ nước, làm huyết áp tăng cao. Chưa kể chế độ ăn uống quá nhiều muối cũng làm ảnh hưởng tới hoạt động của thận và là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý ngoài da. Người bị cao huyết áp tốt nhất không nên ăn quá 5 – 6g muối mỗi ngày.

Hãy kiểm soát lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày
Hãy kiểm soát lượng muối trong khẩu phần ăn hàng ngày

Duy trì thói quen tập luyện

Tập luyện thể dục thể thao là hoạt động không thể thiếu khi chăm sóc bệnh nhân bị tăng huyết áp. Các chuyên gia thường khuyến khích người bệnh bị cao huyết áp nên duy trì thói quen tập luyện đều đặn 5 ngày trên tuần hoặc đều đặn ít nhất 30 phút hàng ngày. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân nên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức, phù hợp với thể trạng như chạy bộ, đi bộ, yoga, bơi lội,…

Hạn chế chất kích thích, thuốc lá

Để giúp huyết áp ổn định, lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp không thể bỏ qua lưu ý này. Ngoài các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá cũng là “chất gây nghiện” cần hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn.

Lý do là bởi các chất kích thích, đồ uống có chứa cồn có thể làm hệ giao cảm của cơ thể tăng cường hoạt động. Từ đó vô tình dẫn tới hiện tượng tăng nhịp tim, tăng cung lượng tim và tăng huyết áp.

Giữ tinh thần thoải mái

Nghỉ ngơi, không làm việc quá sức, giữ tinh thần thoải mái và ngủ đủ giấc, đúng giờ là những điều mà bệnh nhân bị huyết áp cao cần thực hiện tại nhà. Bởi căng thẳng tâm lý thường xuyên sẽ làm huyết áp tăng cao và khó kiểm soát hơn.

Kiểm soát cân nặng

Thừa cân – béo phì cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng tăng huyết áp. Do đó, bạn cần kiểm soát tốt cân nặng để giúp huyết áp hoạt động ổn định hơn. Đồng thời hạn chế nguy cơ bị xơ vữa mạch hoặc mắc bệnh mạch vành. Theo khuyến cáo, người bị tăng huyết áp nên giữ cân nặng sao cho mức BMI của cơ thể nằm trong khoảng an toàn từ 18.5 – 23.

Cho những bạn chưa biết, BMI được tính bằng công thức: Cân nặng (Kg)/ (Chiều cao (m))2. Lúc này, bệnh nhân có thể kiểm soát cân nặng thông qua chế độ ăn ít bột đường, không dung nạp quá nhiều chất béo, nhất là mỡ động vật. Bên cạnh đó, cần tránh ăn đêm, ăn trễ vào sau 20 giờ. Duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày và áp dụng một số biện pháp giảm cân tự nhiên như uống trà xanh, trà mật ong, trà chanh, trà khổ qua,…

Hãy cố gắng kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý
Hãy cố gắng kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý

Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp

Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp, mọi người cần lưu ý những điều sau:

  • Tăng huyết áp là bệnh mãn tính và sẽ tăng nặng dần theo thời gian với nhiều biến chứng nguy hiểm hơn. Những biến chứng này có thể khiến người bệnh tử vong nếu không được điều trị, chăm sóc đúng cách và kịp thời.
  • Khi chăm sóc người bệnh cao huyết áp, các bạn phải nhẹ nhàng, không gây sốc, sang chấn cả thể chất lẫn tinh thần của họ.
  • Luôn luôn chia sẻ, động viên và thông cảm cho bệnh nhân.
  • Hãy đánh giá và thông báo về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân thường xuyên với bác sĩ.
  • Thăm khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ hoặc theo định kỳ  được khuyến cáo.
  • Xây dựng cho bệnh nhân chế độ ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi khoa học, lành mạnh. Tránh để họ thức khuya, làm việc quá sức hoặc để người bệnh rơi vào tình trạng stress kéo dài.

Trên đây là những thông tin về việc lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp hiệu quả mà bạn cần nắm được. Nhìn chung, việc chăm sóc bệnh nhân cao huyết áp là điều cần thiết để giúp người bệnh kiểm soát tốt bệnh lý cũng như hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

Tư vấn chuyên môn bài viết

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Biệt thự B31, ngõ 70 Nguyễn Thị Định, Nhân Chính. Thanh Xuân, Hà Nội

Chuyên khoa

Trị liệu

    Đặt lịch khám chữa bệnh

    09/05

    hôm nay

    10/05

    Ngày mai

    11/05

    Ngày kìa

    +

    Khác