Xơ Vữa Động Mạch Chi Dưới

Ngày cập nhật: 20/02/2024 Biên tập viên: Đỗ Thanh

Xơ vữa động mạch chi dưới nếu không được điều trị sớm sẽ khiến người bệnh có nguy cơ cắt cụt chân, thậm chí dẫn đến biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột tử. Việc chủ động tìm hiểu về chứng bệnh này sẽ trang bị cho bản thân những kiến thức hữu ích để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Xơ vữa động mạch chi dưới là gì?

Xơ vữa động mạch chi dưới còn có tên gọi khác là xơ vữa động mạch ngoại biên. Bệnh xảy ra do trong lòng động mạch hình thành các mảng xơ vữa khiến dòng máu tắc nghẽn, không thể lưu thông. Điều này khiến máu không thể đi đến nuôi dưỡng các vùng sau đoạn chân bị tắc mạch, gây đau chân, viêm loét, hoại tử mô chân, liệt chi dưới,…

Các mảng xơ vữa này được hình thành do tích tụ chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác trong máu. Do đó, thường những người bị xơ vữa động mạch chi dưới sẽ bị xơ vữa động mạch vànhxơ vữa động mạch não.

xo vua dong mach chi duoi
Người bị xơ vữa động mạch chi dưới sẽ bị xơ vữa động mạch vành và xơ vữa động mạch não

Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch chi dưới

Theo nghiên cứu từ chuyên gia, một số nguyên nhân chính dẫn đến xơ vữa mạch máu chân như:

  • Lười vận động: Trường hợp ngồi nhiều, lười vận động khiến khí huyết kém lưu thông. Đặc biệt, dòng máu chảy xuống hai chi dưới kém dẫn đến tắc mạch máu, gây tê chân, đau nhức 2 chân.
  • Ăn uống không lành mạnh: Thường xuyên ăn đồ dầu mỡ, đồ quá ngọt hoặc quá mặn, đồ ăn chứa nhiều chất béo khiến lượng cholesterol xấu trong máu tăng nhanh, Điều này dẫn đến tích tụ chất béo ở thành động mạch chân, gây tắc nghẽn và xơ vữa động mạch chi dưới.
  • Thừa cân béo phì: Cân nặng cao cùng thân hình quá khổ làm tăng áp lực xuống các chi dưới, khiến máu khó lưu thông gây tắc nghẽn. Đồng thời, người thừa cân béo phì chắc chắn có hàm lượng cholesterol trong cơ thể ở mức cao gây hình thành mảng xơ vữa tại các động mạch trên cơ thể, trong đó có động mạch chi dưới.
  • Do biến chứng từ bệnh lý khác: Xơ vữa động mạch chân hình thành có thể do ảnh hưởng từ các bệnh lý mãn tính khác như tiểu đường, tăng huyết áp, di truyền thế hệ trước.
  • Thói quen xấu: Ngoài ra, nếu duy trì các thói quen xấu dưới đây trong thời gian dài sẽ dẫn đến nguy cơ xơ vữa động mạch chân, bao gồm sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, thức khuya, stress kéo dài khiến ăn uống vô độ.

Dấu hiệu của bệnh xơ vữa động mạch chân

Bệnh xơ vữa động mạch triệu chứng theo từng giai đoạn như sau:

Hẹp nhẹ động mạch chậu – đùi

Trường hợp xơ vữa động mạch chi dưới khiến hẹp nhẹ động mạch chậu – đùi thường không có triệu chứng rõ rệt. Thông thường chỉ phát hiện thông qua đo chỉ số của mắt cá và cánh tay.

Bác sĩ cho biết, thường người lớn tuổi, người bị tiểu đường cũng sẽ khó phát hiện triệu chứng ở giai đoạn này. Do di chứng thần kinh khiến vận động đi lại ít nên không bộc lộ được triệu chứng rõ ràng.

Hẹp nặng hơn

Khi xơ vữa động mạch chi dưới ở mức độ nặng, người bệnh sẽ xuất hiện một số triệu chứng như:

  • Đau bắp chân, đùi ở 1 bên hoặc cả 2 bên, đau nặng hơn khi đi quãng đường dài và giảm đau khi đứng lại nghỉ ngơi.
  • Người bệnh đi khập khiễng và xuất hiện cả cơn đau nhức ngay cả khi đang nghỉ ngơi, không vận động,

Hẹp rất nặng

Trường hợp này, triệu chứng xuất hiện trên cơ thể sẽ rõ ràng hơn, chân sẽ đau nặng, vết thương ở chân lâu lành và có dấu hiệu hoại tử. Bên cạnh đó, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng thiếu máu cấp tính ở chi như: Đau, vô mạch, tím tái, tê dại và yếu liệt chi.

xo vua dong mach chi duoi
Người bệnh có cảm giác đau chân, tím tái tê rần

Xơ vữa mạch máu chi dưới nguy hiểm không?

Bác sĩ cho biết, so với các trường hợp xơ vữa động mạch khác, xơ vữa động mạch chân dưới sẽ có khả năng gây tử vong thấp hơn. Tuy nhiên, các biến chứng mà bệnh gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng như:

  • Gây triệu chứng đau đớn, khó chịu, mất khả năng lao động, ảnh hưởng đến tinh thần và các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
  • Tắc nghẽn máu trong thời gian dài sẽ dẫn đến hoại tử, rất nhiều người bệnh phải cắt bỏ chi dưới để ngăn viêm nhiễm lan rộng sang các khu vực khác.
  • Nếu không điều trị sớm, các mảng xơ vữa lớn dần, là tắc hoàn toàn dòng chảy khí huyết đến các cơ quan quan trọng của cơ thể gây tử vong.

Phương pháp chẩn đoán xơ vữa động mạch ở chân

Trong trường hợp nghi ngờ xơ vữa động mạch chi dưới hoặc cơ thể xuất hiện các triệu chứng trên, người bệnh sẽ được bác sĩ thực hiện các phương pháp chẩn đoán dưới đây:

Đo chỉ số ABI

Đây là phương pháp sử dụng sóng siêu âm đo huyết áp ở cổ chân và cánh tay để so sánh với nhau. Trường hợp huyết áp cổ chân thấp hơn huyết áp cánh tay có thể đã mắc bệnh xơ vữa động mạch chi dưới. Ngoài ra, thông số ABI cũng đánh giá mức độ xơ vữa như sau:

  • ABI 0.9 – 1.3: Hệ thống động mạch hoạt động bình thường.
  • ABI 0.75 – 0.9: Bị tắc nghẽn động mạch chi dưới nhưng vẫn có khả năng bù trừ.
  • ABI 0.4 – 0.75: Quá trình bù trừ chỉ đủ để cung cấp máu cho nhu cầu chuyển hóa lúc nghỉ.
  • ABI < 0.4: Đây là giai đoạn nặng, các mảng xơ vữa lớn, làm gián đoạn đến quá trình lưu thông máu mảng xơ vữa gây ảnh hưởng chức năng của chi dưới.

Phương pháp xét nghiệm khác

Ngoài ra, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện một số phương pháp xét nghiệm khác như:

  • Chụp mạch máu dùng thuốc cản quang: Phương pháp đưa thuốc cản quang vào mạch máu, sau đó dưới tác động của tia X sẽ quan sát được vị trí mạch bị xơ vữa.
  • Chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp mao mạch: Phương pháp này được áp dụng trong trường hợp người bệnh không thể sử dụng thuốc cản quang.
  • Siêu âm mạch máu: Ứng dụng sóng siêu âm để quan sát và đánh giá mạch máu.
xo vua dong mach chi duoi
Phương pháp đo chỉ số ABI

Cách trị bệnh xơ vữa động mạch chi dưới

Hiện nay có 2 phương pháp điều trị xơ vữa động mạch chi dưới được đánh giá cao về hiệu quả. Cụ thể như sau:

Thuốc điều trị xơ vữa động mạch chi dưới

Những bệnh nhân phát hiện sớm tình trạng xơ vữa động mạch chi dưới, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc Tây y làm tan mảng xơ vữa và phòng ngừa các biến chứng, đồng thời ổn định các chỉ số như cholesterol, chỉ số huyết áp, chỉ số đường huyết.

Tùy từng tình trạng sẽ có loại thuốc điều trị phù hợp như:

  • Thuốc giảm cholesterol: Rosuvastatin, Atorvastatin, Lovastatin, Pravastatin, Simvastatin, Fluvastatin,…
  • Thuốc chống đông máu: Nhóm thuốc này bao gồm Aspirin, Clopidogrel,…
  • Thuốc ức chế men chuyển ACE: Ramipril, Quinapril, Enalapril, Lisinopril, Trandolapril Và Captopril.
  • Thuốc ức chế men chuyển ARB: Nhóm thuốc phổ biến với các loại thuốc như losartan, irbesartan, candesartan, valsartan và olmesartan.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: Isradipine, Nicardipine, Amlodipine, Felodipine, Nifedipine, Nimodipine,….

Sử dụng thuốc Tây y có thể tiềm ẩn một số tác dụng phụ như: Đau đầu, buồn nôn, tăng men gan, rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiểu vàng,… Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường này, cần thông báo với bác sĩ để có biện pháp xử lý an toàn.

Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc thay đổi liều lượng khi chưa được bác sĩ hướng dẫn. Điều này sẽ dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn và khiến quá trình điều trị không đạt kết quả như mong muốn.

Phẫu thuật chữa xơ vữa động mạch hai chân

Trường hợp bệnh không thuyên giảm sau khi sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật ngoại khoa để loại bỏ tắc nghẽn và ngăn hình thành các khối xơ vữa mới.

Bóc tách nội mạc động mạch

Bác sĩ sẽ áp dụng kỹ thuật để cạo hoặc cắt các mảng bám xơ vữa ở động mạch chân. Cách thực hiện như sau:

  • Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được gây mê cục bộ, sau đó bác sĩ bơm thuốc cản quang vào động mạch để quan sát rõ vị trí tắc nghẽn hiện trên phim Xquang.
  • Đưa ống thông vào cơ thể thông qua động mạch đùi, sau đó tiến lên đoạn động mạch bị tắc.
  • Dùng dụng cụ nội mạc đã được gắn vào ống thông để cạo các mảng xơ vữa động mạch.

Nong mạch và đặt stent

Trong một số trường hợp, người bệnh được chỉ định phương pháp nong mạch và đặt stent. Phương pháp này đơn giản và có hiệu quả cao, ngăn ngừa xơ vữa động mạch tái phát hiệu quả hơn. Cách thực hiện như sau:

  • Người bệnh sẽ được bác sĩ gây tê cục bộ trước khi thực hiện thủ thuật.
  • Sau đó, bác sĩ đẩy ống thông có gắn quả bóng tiến vào đoạn mạch bị tắc.
  • Tiếp theo dùng dụng cụ bơm phồng quả bóng để loại bỏ xơ vữa động mạch.
  • Cuối cùng, bác sĩ đặt stent tại vị trí đó để duy trì lưu lượng máu tuần hoàn qua.

Phương pháp phẫu thuật mang lại hiệu quả điều trị tốt, tuy nhiên do phải dao kéo xâm lấn nên tiềm ẩn một số rủi ro như: Chảy máu, nhiễm trùng, sốc phản vệ,… Để đảm bảo an toàn, người bệnh cần thực hiện phẫu thuật tại các phòng khám uy tín, đội ngũ bác sĩ trình độ cao và có hệ thống máy móc hỗ trợ hiện đại.

xo vua dong mach chi duoi
Phẫu thuật chữa xơ vữa động mạch hai chân

Hướng dẫn phòng ngừa xơ vữa động mạch 2 chi dưới

Để phòng ngừa bệnh xơ vữa hệ động mạch chi dưới 2 bên, bác sĩ đưa ra những khuyến nghị quan trọng dưới đây:

  • Chủ động điều chỉnh thói quen ăn uống khoa học hơn, tránh ăn đồ nhiều dầu mỡ, đồ ăn quá ngọt hoặc quá mặn. Ưu tiên bổ sung thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau củ, trái cây tươi, các loại hạt dinh dưỡng và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Uống đủ nước để thúc đẩy lưu thông máu, có thể xen kẽ bổ sung nước ép từ trái cây, rau củ để tăng cường cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất tốt cho sức khỏe.
  • Cần hạn chế tối đa sử dụng chất kích thích, các loại bia rượu hay đồ uống chứa cồn. Bởi các chất này sẽ tác động tiêu cực lên mạch máu và thần kinh.
  • Tập thể dục thể thao, thường xuyên vận động, không ngồi quá lâu, mà cần đi lại để khí huyết cơ thể và khí huyết hai chi được lưu thông tốt hơn.
  • Sinh hoạt lành mạnh, cân bằng thời gian nghỉ ngơi và thời gian làm việc để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Bên cạnh đó, cần kiểm soát cân nặng để tránh gây áp lực xuống 2 chi.
  • Kiểm tra định kỳ sức khỏe, thường xuyên theo dõi các chỉ số huyết áp, tim mạch, chỉ số đường huyết để kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường, từ đó can thiệp sớm để phòng ngừa nguy cơ bệnh tiến triển, gây biến chứng nguy hiểm.

Trên đây là thông tin chi tiết về tình trạng xơ vữa động mạch chi dưới. Bệnh gây nên những biến chứng ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, cần trang bị kiến thực giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm.

Tài liệu tham khảo:

Cách chữa xơ vữa động mạch

Kiến thức về xơ vữa động mạch

Thuốc chữa xơ vữa động mạch

Chế độ dinh dưỡng bệnh xơ vữa động mạch

Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

Tư vấn chuyên môn bài viết

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Biệt thự B31, ngõ 70 Nguyễn Thị Định, Nhân Chính. Thanh Xuân, Hà Nội

Chuyên khoa

Trị liệu

    Đặt lịch khám chữa bệnh