Xơ Vữa Động Mạch Vành

Ngày cập nhật: 20/02/2024 Biên tập viên: Phương Hoa
Đánh giá bài viết

Động mạch vành là hệ thống mạch máu có nhiệm vụ cung cấp máu và oxy cho cơ tim, giúp cho tim hoạt động bình thường. Khi tình trạng xơ vữa động mạch vành xảy ra sẽ làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, thậm chí là đột quỵ. Để tìm hiểu kỹ hơn về tình trạng xơ vữa động mạch vành, hãy cùng Đông Phương Y Pháp theo dõi bài viết dưới đây.

Xơ vữa động mạch vành là gì?

Xơ vữa động mạch vành được hình thành từ khi còn trẻ và khởi phát khi người bệnh bước sang tuổi trung niên. Đây là một dạng rối loạn thường gặp khi chất béo và cholesterol tích tụ trong động mạch, tạo nên các mảng xơ vữa động mạch. 

Những mảng xơ vữa động mạch này sẽ phát triển dần theo thời gian và làm thu hẹp mạch máu, khiến máu và oxy khó lưu thông đến các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là tim.

Bệnh xơ vữa động mạch vành tim nếu không được phát hiện từ sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như: Nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, phình mạch, đột quỵ tim… 

Xơ vữa động mạch vành gây ra nhiều tác động tiêu cực cho tim
Xơ vữa động mạch vành gây ra nhiều tác động tiêu cực cho tim

Dấu hiệu nhận biết bệnh xơ vữa động mạch vành

Bệnh nhân bị xơ vữa động mạch vành ban đầu sẽ không có những triệu chứng cụ thể cho đến khi động mạch bị hẹp hoặc tắc nghẽn hoàn toàn. Một số trường hợp chỉ phát hiện ra bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khi gặp phải các tình trạng khẩn cấp như đau tim, đột quỵ.

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến của bệnh xơ vữa động mạch vành, người bệnh cần nắm rõ để kịp thời đi thăm khám và điều trị:

  • Đau tức ngực.
  • Cảm giác ngực bị bóp hẹp.
  • Khó thở.
  • Mệt mỏi hơn bình thường.
  • Đau ở một hoặc cả hai cánh tay, cơn đau lan xuống vai.
  • Khó chịu ở hàm hoặc cổ.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Tim đập nhanh.
  • Đổ nhiều mồ hôi.
  • Chóng mặt.
  • Ngất xỉu.

Nguyên nhân xơ vữa mạch vành

Bệnh xơ vữa động mạch vành tim xuất phát từ việc người bệnh ăn uống, sinh hoạt không đúng cách. Cụ thể, dưới đây là những nguyên nhân chủ yếu bạn cần nắm rõ:

Chế độ ăn thiếu lành mạnh

Ăn quá nhiều đồ ăn chứa dầu mỡ, chất béo bão hòa, đường, muối  như: Thịt đỏ, thịt chó, mỡ động vật, động tạng động vật, bánh quy, bánh nướng, trà sữa, nước ngọt, bánh kẹo,… là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng xơ vữa động mạch vành. Những thực phẩm này sẽ làm tăng lượng cholesterol toàn phần và LDL-C trong cơ thể, hình thành mảng lipid lắng đọng trên thành mạch. 

Chế độ ăn thiếu lành mạnh là nguyên nhân gây xơ vữa mạch vành
Chế độ ăn thiếu lành mạnh là nguyên nhân gây xơ vữa mạch vành

Béo phì, thừa cân

Những người bị thừa cân béo phì sẽ có hiện tượng rối loạn chuyển hóa lipid. Khi đó hàm lượng cholesterol xấu và triglycerid sẽ tăng cao và cholesterol tốt sẽ giảm xuống. Điều này là nguyên nhân gây ra tình trạng xơ vữa động mạch. Ngoài ra, béo phì sẽ thúc đẩy nguy cơ bị viêm hệ thống và tình trạng viêm sẽ lại thúc đẩy quá trình tạo mỡ trong cơ thể, tăng nguy cơ hình thành mảng bám thành mạch.

Bệnh mãn tính

Các bệnh mãn tính như bệnh thận, tiểu đường, suy giáp, cao huyết áp,… sẽ làm ảnh hưởng tới con đường chuyển hóa lipid máu. Đặc biệt tình trạng tăng huyết áp sẽ làm tổn thương lớp nội mô nên dễ bị các phân tử lipoprotein bám dính vào, tạo ra các mảng xơ vữa. 

Lười vận động

Những người lười vận động hoặc ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ bị rối loạn lipid máu. Đồng thời gián tiếp gây ra tình trạng xơ vữa động mạch vành.

Sử dụng chất kích thích

Hút thuốc lá và sử dụng rượu bia sẽ đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch theo nhiều cơ chế. Trước tiên sẽ làm tăng nồng độ chất carbon monoxid, gây tổn thương lòng mạch, tạo điều kiện hình thành các mảng xơ vữa. Sau đó nó sẽ làm giảm cholesterol tốt, tăng nồng độ cholesterol xấu và  triglycerid. Từ đó làm tăng các bệnh lý về tim mạch như cao huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại vi và tai biến mạch máu não.

Cách chữa trị bệnh xơ vữa động mạch vành

Để điều trị xơ vữa động mạch vành, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh bằng các phương pháp như: Xét nghiệm máu, siêu âm Doppler, đo điện tâm đồ ECG, đặt ống thông tim, chụp động mạch vành và thực hiện nhiều xét nghiệm hình ảnh khác.

Dựa trên kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thực hiện một số phương pháp điều trị sau:

Điều trị bằng Tây y

Điều trị xơ vữa mạch vành tim bằng phương pháp Tây y được áp dụng phổ biến nhất. Có hai hình thức điều trị được áp dụng đó là sử dụng thuốc Tây y và phẫu thuật.

Dùng thuốc: Dưới đây là một số loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị xơ vữa động mạch:

  • Thuốc làm giảm cholesterol: Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm lượng cholesterol xấu, ngăn chặn sự lắng đọng của chất béo tích tụ trong động mạch, đồng thời làm tăng lượng cholesterol tốt, giúp ổn định niêm mạc động mạch tim và ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Một số loại thuốc được dùng phổ biến là statin và fibrate.
  • Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Loại thuốc được dùng phổ biến nhất là aspirin. Nó có tác dụng giúp giảm tình trạng vón cục tiểu cầu, tránh làm hẹp và tắc nghẽn động mạch.
  • Thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc này có tác dụng làm giảm nhịp tim và huyết áp, đồng thời giúp cải thiện tình trạng đau ngực, đau tim và một số vấn đề về tim mạch khác.
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin: Thuốc có tác dụng làm chậm quá trình xơ vữa động mạch bằng cách hạ huyết áp, tạo ra các tác động có lợi trên động mạch tim, giảm nguy cơ đau tim tái phát.
  • Thuốc chặn canxi: Thuốc chặn canxi được dùng để điều trị cơn đau thắt ngực và làm giảm huyết áp.
  • Thuốc lợi tiểu: Huyết áp cao là tác nhân gây ra tình trạng xơ vữa động mạch. Trong đó, thuốc lợi tiểu có tác dụng làm giảm huyết áp.
Thuốc Tây y giúp cải thiện triệu chứng của bệnh
Thuốc Tây y giúp cải thiện triệu chứng của bệnh

Phẫu thuật: Nếu điều trị xơ vữa động mạch vành bằng thuốc không mang lại hiệu quả khả quan. Các triệu chứng của bệnh nghiêm trọng và đe dọa tới tính mạng thì lúc này cần phải được xử lý bằng phương pháp phẫu thuật. Một số thủ thuật được áp dụng bao gồm:

  • Đặt nong mạch vành: Bác sĩ chèn một ống thông vào phần bị tắc nghẽn của động mạch. Ống thông này có một quả bóng hơi ở trên đầu và một lưới kim loại. Quả bóng được bơm phồng lên để nén các cặn vào thành động mạch. Ống lưới sẽ được để lại trong động mạch nhằm giúp cho động mạch không bị hẹp trở lại.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Sử dụng một phần động mạch hoặc tĩnh mạch của người bệnh để cấy ghép nhằm thay thế đoạn mạch bị tổn thương. Tuy nhiên phẫu thuật này chỉ có hiệu quả trong vòng 5 năm, sau đó bệnh có thể tái phát trở lại. Ngoài ra, khi thực hiện phương pháp phẫu thuật bắc cầu người bệnh dễ gặp phải biến chứng như rối loạn hành vi nhận thức, đột quỵ.

Sử dụng các bài thuốc Đông y

Điều trị xơ vữa động mạch vành bằng thuốc Đông y cũng là phương pháp được nhiều người bệnh áp dụng, nhất là những người cao tuổi. Y học cổ truyền cũng có một số loại thảo dược có thể dùng để phòng ngừa và điều trị căn bệnh nguy hiểm này:

Bài thuốc từ đan sâm

Theo Đông y, đan sâm có vị đắng, hơi hàn, không độc, tác động vào 3 kinh tâm, can, tâm bào. Thuốc thường được sử dụng để điều trị bệnh mạch vành tim, chứng đau thắt ngực, hồi hộp khó chịu, suy nhược thần kinh, huyết khối trong mạch máu não, máu nhiễm mỡ, nhức đầu, mất ngủ.

Cách thực hiện:

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị 8-12g đan sâm, tán thô, hàm trà uống hàng ngày.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị 6g đan sâm, 10g hà thủ ô, 5g trạch tả, đem sắc lấy nước uống trong ngày.
  • Bài thuốc 3: Chuẩn bị 30g đan sâm, đem rửa sạch, ngâm với 500ml rượu trắng trong vòng 7 ngày. Mỗi ngày uống từ 2-3 lần, mỗi lần 10ml trước bữa ăn.
  • Bài thuốc 4: Chuẩn bị 10g đan sâm, 4g bạch đàn hương, 4g sa nhân, đem sắc lấy nước uống trong ngày, nên uống khi nước còn ấm.

Bài thuốc từ hoàng kỳ

Hoàng kỳ có vị ngọt, hơi ấm, tác động 2 kinh tỳ và phế. Y học cổ truyền sử dụng dược liệu này để tăng cường sức đề kháng, thúc đẩy quá trình chuyển hóa của tế bào, chuyển hóa protid của huyết thanh và tăng cường độ co bóp của tim. Ngoài ra, dược liệu này còn giúp hạ huyết áp, bảo vệ thành mao mạch, ngăn ngừa giãn/vỡ mao mạch, điều hòa nhịp tim và suy nhược cơ thể.

Bài thuốc từ hoàng kỳ giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch vành
Bài thuốc từ hoàng kỳ giúp phòng ngừa và cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch vành

Cách thực hiện:

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị từ 6-12g hoàng kỳ, rửa sạch và đem sắc lấy nước uống trong ngày.
  • Bài thuốc 2: Chuẩn bị 8g hoàng kỳ, 8g bạch truật, 8g đương quy, 8g viễn chí, 8g táo nhân, 8g long nhãn, 8g phục linh, 8g bá tử nhân, 12g sảng sâm, 12g thục địa, 12g đại táo, 6g vân mộc hương, 6g qua lâu, 6g uất kim. Tất cả đem rửa sạch và sắc lấy nước uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc từ đương quy

Đương quy có vị ngọt, cay, tác động vào các kinh tan, tâm. Dược liệu này có tác dụng bổ huyết, hoạt huyết, giảm đau. Vì vậy, đương quy thường được sử dụng để chống co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, tăng tuần hoàn máu, tăng sự tạo máu, chống tập kết tiểu cầu và điều trị hiệu quả cho những trường hợp bị huyết khối não, viêm tắc tĩnh mạch huyết khối, tổn thương cơ tim…

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 8g đương quy, 8g bạch thược, 8g thỏ ty tử, 8g ba kích, 8g bá tử nhân, 8g phụ tử chế, 8g đan sâm, 6g nhục quế, 6g viễn chí. 
  • Sắc uống ngày một thang hoặc bào chế thành dạng viên hoàn và mỗi ngày từ 15-20g.

Xơ vữa mạch vành tim nên ăn gì, kiêng gì?

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong điều trị xơ vữa động mạch vành. Dưới đây là những loại thực phẩm người bệnh nên và không nên sử dụng:

Thực phẩm nên ăn

  • Hoa quả, trái cây: Trái cây tươi rất giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, duy trì cân nặng và giảm lượng cholesterol trong cơ thể.
  • Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc rất giàu chất xơ, giúp giảm tác động tiêu cực lên mạch vành và góp phần ngăn ngừa biến chứng tim mạch.
  • Cá biển: Cá biển rất giàu axit béo omega-3, giúp giảm cholesterol, cải thiện tim mạch và làm giảm các cơn đau tim, đột quỵ.
  • Rau xanh: Các loại rau xanh rất giàu chất xơ và nitrat, giúp cải thiện chức năng của mạch máu, hỗ trợ giảm viêm và ngăn ngừa vôi hóa mạch máu. Vì vậy ăn nhiều rau anh sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch một cách đáng kể.
  • Các loại hạt: Các loại hạt rất giàu chất xơ và các nguyên tố vi lượng tốt cho sức khỏe, giúp tăng độ bền cho thành mạch và cải thiện lượng cholesterol xấu.

Thực phẩm nên hạn chế sử dụng:

  • Thực phẩm ngọt: Đồ ăn, đồ uống nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ bị béo phì, tiểu đường, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và cholesterol trong máu cao. Vì vậy người bệnh không được ăn quá 100 calo đường/ngày.
  • Thực phẩm nhiều muối: Thực phẩm nhiều muối không chỉ làm tăng huyết áp mà còn gây ra tình trạng cứng động mạch, rối loạn chức năng nội mô. Từ đó gây xơ vữa động mạch. 
  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Đồ ăn nhiều chất béo bão hòa làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, đồng thời khiến người bệnh có nguy cơ cao bị gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, béo phì.
  • Thịt đỏ: Protein trong thịt đỏ có thể gây ra tình trạng xơ vữa động mạch. Vì vậy người bệnh cần tránh sử dụng các loại thịt bò, thịt cừu, xúc xích, thịt hun khói, thịt đóng hộp.
  • Chất kích thích: Rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác đều có khả năng gây suy giảm chức năng thận, tích tụ cholesterol LDL trong máu và hình thành các mảng xơ vữa. 
Người bệnh không sử dụng đồ ăn cay nóng, dầu mỡ
Người bệnh không sử dụng đồ ăn cay nóng, dầu mỡ

Phòng tránh tình trạng xơ vữa mạch vành

Người bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa và làm giảm nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch vành thông qua những biện pháp sau: 

  • Có chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, cần kiêng khem đúng cách.
  • Tập thể dục thường xuyên bằng những bài tập như đi bộ ngắn, đạp xe, yoga…
  • Đi ngủ sớm, tránh thức khuya, ngủ đủ mỗi đêm từ 7-9 tiếng.
  • Kiểm soát cân nặng trong khoảng phù hợp, tránh gây thừa cân, béo phì.
  • Điều trị tốt các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, gan thận.
  • Tránh sử dụng các loại rượu, bia và thuốc lá.
  • Hạn chế căng thẳng stress kéo dài và nên có biện pháp thư giãn tinh thần hiệu quả như đọc sách, ngồi thiền, tập thái quyền,…
  • Kiểm tra thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.
  • Sử dụng các loại thuốc theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

Trên đây là những thông tin khá chi tiết về tình trạng xơ vữa động mạch. Đây là một căn bệnh phổ biến với những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy chủ động phòng ngừa và điều trị bệnh từ sớm sẽ giúp bạn giảm bớt nguy cơ phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng của sức khỏe.

Nguồn tham khảo:

Cách chữa bệnh xơ vữa động mạch

Kiến thức sức khỏe về bệnh xơ vữa động mạch

Thuốc xơ vữa động mạch

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh xơ vữa động mạch

Bài Viết Liên Quan

Bình Luận

Tư vấn chuyên môn bài viết

Bác sĩ Nguyễn Thị Nhuần

Biệt thự B31, ngõ 70 Nguyễn Thị Định, Nhân Chính. Thanh Xuân, Hà Nội

Chuyên khoa

Trị liệu

    Đặt lịch khám chữa bệnh